Đăng ký

Phân tích vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông qua tác phẩm “Người lái đò sông đà”- Nguyễn Tuân và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – Hoàng Phủ Ngọc Tường

2,319 từ Phân tích

Bài văn mẫu phân tích vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông qua tác phẩm “Người lái đò sông đà”- Nguyễn Tuân và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – Hoàng Phủ Ngọc Tường

     Cùng CungHocVui phân tích vẻ đẹp trữ tính của hình tượng dòng sông qua tác phẩm người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông. Để từ đó thấy được vẻ đẹp riêng của mỗi dòng sông, cũng như phong cảnh thiên nhiên thơ mộng nước ta. Đồng thời qua đó làm nổi bật lên tài năng của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Hương và sông Đà- CungHocVui
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Hương và sông Đà

Mở bài vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông 

     Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời luôn đi tìm cái đẹp, còn Hoàng Phủ Ngọc Tường lại là một thi nhân sống trọn đời mình với nền văn hóa và danh lam thắng cảnh của nước nhà. Tuy nhiên, cái tôi trữ tình “đậm đặc” trong hai nhà văn nổi tiếng này chưa bao giờ thôi bùng cháy mãnh liệt. Nếu như Nguyễn Tuân bị “thôi miên” trước vẻ hoang sơ và yên ắng của sông Đà, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại chìm đắm vào vẻ đẹp trầm mặc và cổ kính, nhưng cũng đầy ý tứ của sống Hương.

Thân bài

Phân tích vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông qua người lái đò sông Đà- Nguyễn Tuân

     Đối với tác phẩm “Người lái đò sông đà” của Nguyễn Tuân, ta dường như đã sống trong những khoảnh khắc từ lúc vượt thác, chiến đấu với trận địa ghề đá, cho đến lúc thuyền đến hạ nguồn đầy thơ mộng và trữ tình thông qua những từ ngữ đầy táo bạo, độc đáo, mạnh mẽ mà hết sức chân thực của tác giả.

     Khi thuyền vượt trận xuống đến hạ nguồn, sông Đà lúc này rất mực trữ tình và thơ mộng. Lúc này con sông Đà “tuôn dài như 1 áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc". Dưới con mắt thông thái và đầy lãng mạn của Nguyễn Tuân, sông dữ dội như một chiến binh, nhưng cũng mềm mại, dịu dàng như áng tóc của một cô gái đẹp đầy e ấp, biết thẹn thùng.

     Tác giả vừa nhìn thấy đã không kiềm được cảm xúc lòng mình “Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Lúc này, Nguyễn Tuân cảm thấy cực kỳ hứng thú nhưng cũng đầy lạ lẫm với hai bên bờ sông “cảnh ven sông ở đây lặng tờ” và “ bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”.

     Cảnh vật hai bên bờ sông thanh bình và yên ắng, dịu dàng và êm đềm, nên tâm trạng của tác giả lúc này khác hoàn toàn so với lúc ở trên thượng nguồn hiểm trở, Nguyễn Tuân cảm thấy “con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn với những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.

 Phân tích vẻ đẹp của sông hương- CungHocVui
Phân tích vẻ đẹp của sông hương

Phân tích vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dong sông qua sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông

     Còn đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương lúc nào cũng như tâm trạng và tính cách của người con gái. Cô gái ấy có lúc “uyển chuyển và nhẹ nhàng” như một người con gái Huế, cũng có lúc “phóng khoáng và man dại” như một cô gái Digan nơi rừng núi hoang vu đại ngàn.

     Nếu như Nguyễn Tuân ví sông Đà ở hạ nguồn như một “áng tóc thuôn dài”, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại ví dòng chảy của sông Hương lúc về thành phố Huế bỗng “tươi vui hẳn lên, tiếp tục uốn mình mềm mại” như một dải lụa thướt tha, yêu kiều, bao quanh xứ Huế mộng mơ.

     Tác giả đã khéo léo so sánh theo một lối rất Tây phương nhưng lại đúng đến lạ thường, tác giả ví sông Hương như điệu “Slow tình cảm” dành riêng cho Huế, với “trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy.”. Đó ắt hẳn là thắng cảnh đã gắn liền với văn hóa và nét đẹp con người của thành phố Huế.

     Dưới con mắt trữ tình, nhà văn không ngừng quan sát và cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương kết hợp giữa nét đẹp nhân văn của con người với tinh hoa lịch sử của Huế ngàn năm văn hiến ”như một người con gái đẹp làm duyên có vẻ đẹp dịu dàng trí tuệ nay lại càng quyến rũ hơn với vẻ đẹp lịch lãm kiêu sa và trầm mặc.”.

     Sông Hương dường như đã gắn liền với nền văn hóa của xứ Huế mộng mơ, nó chưa bao giờ thôi tương tư về Huế“ Tình yêu với Huế tạo nên bản sắc và văn hóa của dòng sông. Đến khi rời xa Huế như sực nhớ ra điều gì chưa kịp nói con sông đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt sang hướng Đông Tây để gặp lại Huế lần cuối ở thị trấn Bao Vinh. Dòng sông  lúc này mang vẻ đẹp của người con gái lưu luyến với tình nhân, hành động đột ngột quay trở lại Huế là một biểu hiện kín đáo của tình yêu.”.

Kết bài

     Thế mới thấy, nét đẹp trữ tình của cả sông Đà và sông Hương dưới con mắt tài hoa của của hai thi nhân nổi tiếng quả là vô cùng ấn tượng. Nếu như sông Đà đối với Nguyễn Tuân lúc như một chiến tướng, lúc như một thuyền quyên, thì trong mắt của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương lại hiện lên với nhiều cá tính khác nhau của người con gái. Bên cạnh đó, hai tác giả đều ứng dụng cái nhìn bao quát từ mọi khía cạnh một cánh thông thái và khéo léo lồng ghép vào tác phẩm một cách tinh tế, đầy sáng tạo.

     Hy vọng qua bài văn mẫu phân tích vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông qua tác phẩm “Người lái đò sông đà”- Nguyễn Tuân và “Ai đã đặt tên cho dòng sông”- Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ giúp bạn có thể hiểu hơn về hai tác phẩm. Từ đó hoàn thành bài văn cùng chủ đề cũng như các bài văn khác liên quan đến hai tác phẩm đạt kết quả cao.