Phân tích tình cha con trong Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng
Phân tích tình cha con trong Chiếc lược ngà
Hãy cùng với CungHocVui tìm hiểu tình cha con trong Chiếc lược ngà tại bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về những giá trị nhân đạo và giá trị nghệ thuật mà Nguyễn Quang Sáng muốn gửi gắm. Đặc biệt trong thời chiến khi chúng ta luôn phải xa cách nhau và sự hy sinh là không thể thiếu.
Tình cha con trong Chiếc lược ngà
Mở bài tình cha con trong chiếc lược ngà
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn gốc An Giang, những tác phẩm của ông gắn liền với vùng đất và con người miền Tây Nam Bộ. “Chiếc lược ngà” là một tác phẩm hay và tiêu biểu của ông. Bằng việc sáng tạo tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lý cùng nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật, truyện đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong cảnh ngộ éo le của cuộc chiến tranh.
Xem thêm:
Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn chiếc lược ngà
Thân bài tình cha con trong chiếc lược ngà
Trong chiến tranh, sự mất mát, thiệt thòi, hy sinh về tình cảm gia đình là điều tất nhiên. Ông Sáu xa nhà đi theo tiếng gọi của kháng chiến khi con gái đầu lòng mới tròn một tuổi. Ông trở về thăm nhà sau tám năm xa cách gia đình, nhưng trớ trêu thay, bé Thu không nhận ra ông là ba. Khi vừa gặp gỡ, Thu ngờ vực, lảng tránh, thậm chí còn bỏ chạy vì sợ hãi bởi “vết thẹo bên má phải cứ mỗi khi anh xúc động lại đỏ ửng lên, giật giật trông rất dễ sợ”.
Trong những ngày ông ở nhà, Thu kiên quyết không nhận ông là ba mặc dù ông đã tìm mọi cách để gắn kết tình cha con với cô bé. Sự cương ngạnh của cô bé không đáng trách vì em còn quá nhỏ để có thể hiểu được những khó khăn, mất mát và xa cách mà chiến tranh mang lại và em cũng chưa thể sẵn sàng để đón nhận người ba sau một khoảng thời gian dài như thế.
Ban đầu Thu kiên quyết không nhận ông Sáu làm cha
Em không nhận ông Sáu là cha vì sau nhiều năm, chiến tranh đã khiến ông có vết thẹo dài trên má không giống bức hình chụp chung với má mà em biết. Điều đó chứng tỏ Thu có tình cảm dành cho ba nhưng chỉ là do em chưa sẵn sàng. Em chưa biết chắc đó là ba nên không thể biểu lộ tình cảm một cách tự nhiên được.
Buổi sáng sớm cuối cùng trước khi ông Sáu lên đường trở lại chiến khu, thái độ của Thu đột nhiên thay đổi. Trong đêm bỏ về nhà ngoại Thu đã được bà giải thích về vết sẹo trên má của ba. Bé hiểu ra, cảm thấy ân hận và hối tiếc vô cùng: “nghe bà kể, nó nằm im lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Lúc chia tay “vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của bé thật dễ thương”.
Khi ông Sáu ngậm ngùi nhìn con để chào từ biệt, “đôi mắt mênh mông của con bé xôn xao” tình cha con đã dồn nén bấy lâu nay chợt vùng lên mạnh mẽ, vô cùng hối hả, cuống quýt. Thu thét lên gọi ba “tiếng kêu của nó như tiếng xé”, “xé tan sự im lặng và xé cả ruột gan của mọi người, nghe thật xót xa”. Hành động của cô bé cũng thay đổi “nó nhảy thót lên, dang cả hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó hôn ba nó cùng khắp, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa”…
Tất cả những biểu hiện đó của bé Thu đều bắt nguồn từ tình cảm thương yêu và nhớ mong dành cho người ba mà nó hằng tôn kính, tôn thờ và không ai có thể thay thế được. Ở Thu sự ương bướng và mạnh mẽ nhưng vẫn có nét ngây thơ, hồn nhiên của con trẻ. Bằng tâm hồn tinh tế, một trái tim nhân hậu và chứa chan tình yêu thương đối với tình cảm gia đình, Nguyễn Quang Sáng dường như đã cảm nhận đến sâu sắc nhất những biểu hiện tình cảm của nhân vật để miêu tả một cách sinh động và tinh tế.
Tình cha con cảm động trong Chiếc lược ngà
Tình cảm của ông Sáu đối với bé Thu được biểu hiện qua chuyến về thăm nhà sau tám năm xa cách. Khi xuồng còn chưa kịp cập bến, nhìn thấy con gái ông đã vội vàng “nhảy thót lên, khom người, hai tay đưa về phía trước, miệng lắp bắp: “ba đây con! ba đây con””. Ông cứ tưởng sẽ ào tới, ôm lấy cổ ba cho thỏa những ngày tháng xa rời. Nhưng không, ông hụt hẫng khi “bé tròn mắt ngơ ngác nhìn rồi sợ hãi bỏ chạy”.
Thời gian ở nhà không nhiều nên ông Sáu chỉ ở nhà tìm cách gần gũi, gắn kết với con, chỉ mong nghe một tiếng “ba” từ con gái mà không được. Có lúc giận quá ông đã không kiềm chế mà đánh con. Lúc chia tay, tình yêu mãnh liệt của bé Thu khiến ông “một tay ôm con, tay kia lấy khăn chấm nước mắt”.
Càng cảm động và đau đớn hơn khi biết rằng lần đầu tiên này cũng chính là lần cuối cùng anh được nghe tiếng gọi ba thân thương từ bé Thu, bởi vì sau đó, anh đã không thể trở về một lần nào nữa!. Trong những ngày ở chiến khu, anh ân hận vì những lần đã trót đánh con. Khi nhặt được một khúc ngà voi anh vui mừng như trẻ nhỏ “mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”.
Tình cảm cha con trong Chiếc lược ngà
Những ngày sau đó tất cả tình cảm yêu quý, nhớ thương con anh đều dồn vô việc làm cây lược. Anh “cưa từng chiếc răng lược, thận trọng và tỉ mỉ”, anh còn khắc lên “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”… Những lúc nhớ con anh mang cây lược ra chải lên tóc mình cho cây lược thêm óng mượt.
Những lúc ấy anh tha thiết mong có một lần về phép thăm nhà để anh tự tay mình cầm cây lược chải lên mái tóc cho con… Nhưng chiến tranh tàn khốc đã cướp mất giấc mơ đó, khiến anh chẳng bao giờ có thể trở về bên con gái mình được nữa. Anh đã hy sinh trong một trận càn quét lớn của địch. Những lời trăn trối cuối cùng “dường như chỉ có tình cha con là không thể chết”, anh cầm cây lược trao cho anh Ba với niềm mong mỏi không còn có thể cất được thành lời.
Từ lúc ấy, cây lược bằng ngà đã trở thành một kỷ vật tình cha con, thành biểu tượng thiêng liêng của tình phụ tử. Những dòng cuối cùng của truyện khép lại trong nỗi buồn như cắt vào tim mà chứa chan ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Kết bài tình cảm cha con trong chiếc lược ngà
Câu chuyện cảm động của cha con ông Sáu đã phản ánh giá trị hiện thực trong chiến tranh. Chiến tranh ác liệt và phi nghĩa đã cướp mất đi hạnh phúc gia đình của bao nhiêu cuộc đời. Tác giả đã xây dựng một tình huống truyện độc đáo và miêu tả tâm lý nhân vật rất thực và hợp lý, chỉ có trong chiến tranh và nhờ tình huống này mà tình phụ tử được khắc sâu tô đậm như một lẽ sống. Qua đó, Nguyễn Quang Sáng cũng bộc lộ thái độ căm ghét với chiến tranh. Và vì vậy, giá trị nhân đạo của tác phẩm càng nâng cao.