Đăng ký

Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện "Chiếc lược ngà" (Đề 2)

1,407 từ Phân tích
Đề bài

Đề bài: Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà.

Hướng dẫn giải

    Ông cha ta vẫn thường có câu:

           Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông

    Quả thực công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ là trời biển, cả đời này những người con cũng không thể báo đáp hết. Trong bất kì thời điểm nào, tình cảm phụ tử cũng thật thiêng liêng và đáng trân trọng. Và đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, tình cảm ấy như một viên ngọc quý, sáng ngời. Và tất cả thứ tình cảm thiêng liêng ấy, đã được Nguyễn Quang Sáng dồn tụ trong nhân vật ông Sáu với tác phẩm Chiếc lược ngà.

    Trong thời đại kháng chiến vĩ đại, ông Sáu cũng như bao thanh niên khác, theo tiếng gọi tổ quốc lên đường nhập ngũ. Lập gia đình không được bao lâu, ông Sáu đã lên đường, còn chưa kịp nhìn đứa con gái yêu quý của mình. Những ngày ở chiến khu lòng ông lúc nào cũng đau đáu nhớ về gia đình và bé Thu. Ba ngày nghỉ phép như một phép màu, giúp ông thỏa nỗi nhớ quê hương, đặc biệt là được gặp đứa con thân thương của mình.

    Lòng ông háo hức hồi hộp, trên chiếc xuồng mắt ông dõi về hướng nhà mình, và khi xuồng chưa cập bến ông đã vội nhảy lên bờ. Lòng ông hồ hởi, hạnh phúc, ông đã mong chờ giây phút gặp con này biết bao lâu rồi. Tiếng gọi con vừa nồng nàn, vừa ấm áp, chỉ hai tiếng “Thu!con” mà chất chứa biết bao tình yêu thương ông dành cho bé Thu. Nhưng trái ngược với dòng tình cảm nồng cháy của ông, bé Thu lạnh nhạt, sợ hãi quay đầu bỏ chạy. Bé Thu không nhận ra anh, nó như một nhát dao cứa vào trái tim anh Sáu, anh lắp bắp gọi con, vết thẹo ở má đỏ ửng lên, con bé vụt bỏ chạy, anh đau đớn khôn cùng, “hai tay buông xuống như bị gãy”. Trông anh vô cùng đáng thương. Có lẽ anh Sáu cũng hiểu phần nào phản ứng của bé Thu với mình, nhưng với thân phận một người cha làm sao anh có thể không đau đớn, xót xa.

    Ba ngày nghỉ phép ở nhà, là cơ hội hiếm có để anh đi thăm bà con, hỏi han họ hàng, nhưng anh dành riêng ba ngày đó cho đứa con yêu của mình. Anh quanh quẩn bên nó với chỉ một mong muốn duy nhất, bé Thu nhận ra cha và gọi anh là ba. Cái điều mà những tưởng người ta chẳng cần ước, nhưng anh dành cả tâm sức, thời gian mà bé Thu vẫn không hề lay chuyển. Đặc biệt trong bữa cơm, bé Thu càng tỏ ra ương ngạnh, bướng bỉnh hơn, đỉnh điểm là khi anh gắp cái trứng cá vào bát nó, Thu đã hất miếng trứng đi. Vừa giận, vừa đau đớn, anh Sáu không thể kiềm chế bản thần mà đã vung tay đánh vào mông Thu. Không nói ra nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng, đằng sau phút giây nóng giận ấy là trái tim tràn đầy tình yêu thương, là khao khát cháy bỏng nhận được một cử chỉ, một lời yêu thương từ đứa con.

    Mọi sự cố gắng của ông Sáu đã được đền đáp. Trong giờ khắc cuối cùng của cuộc chia tay, bé Thu đã nhận ra anh. Niềm hạnh phúc, sự sung sướng, cảm động đã kết đọng thành giọt nước mắt đầy yêu thương. Dù thời gian của hai cha con vô cùng ngắn ngủi, nhưng anh cũng đã cảm nhận được hết tình yêu thương con dành cho mình. Tình yêu thương đó cũng là động lực để anh chắc tay súng, bảo vệ quê hương và trở về bên con.

    Những ngày ở chiến khu tình yêu thương của anh dành cho bé Thu được bộc lộ mạnh mẽ và sâu sắc nhất. Ông luôn ân hận, dày vò bản thân vì đã lỡ đánh con. Nhớ những lời bé Thu dặn anh đã tìm cho được chiếc ngà. Anh thận trọng, tỉ mỉ, cố công như một người thợ bạc để cưa từng chiếc răng lược rồi gò lưng tẩn mẩn khắc từng nét chữ Yêu nhớ tặng Thu, con của ba. Anh làm chiếc lược bằng tất cả tình yêu thương dành cho con. Nhưng anh Sáu chưa kịp trao cho con chiếc lược ngà đã hi sinh trong một trận càn lớn của giặc. Nhưng hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, dù không đủ sức để trăng trối lại bất cứ điều gì, nhưng ông Sáu đã thu hết chút lực tàn để lấy cây lược đưa cho người đồng đội của mình trao cho bé Thu. Dù không một lời nói ra, nhưng nó vô cùng thiêng liêng, bởi đây là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử cao cả, thiêng liêng, sâu sắc.

    Với việc lựa chọn ngôi kể phù hợp, bác Ba người thân thiết gần gũi bên cạnh ông Sáu đã giúp cho câu chuyện trở nên chân thực, đáng tin cậy. Câu chuyện về tình phụ tử thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt càng cho thấy rõ hơn những nỗi đau mà chiến tranh gây ra đối với con người. Nhưng cao cả hơn, đó chính là tình cảm phụ tử thiêng liêng, bất diệt.

shoppe