Đăng ký

Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Thu trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng

1,977 từ

Đọc truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, bé Thu hiện lên trước mắt ta rất hồn nhiên, bướng bỉnh, ương ngạnh nhưng rất đáng yêu. Lớn lên Thu còn lại một cô gái giao liên dũng cảm, gan dạ, có nhiều kinh nghiệm trong công tác, có ý chí quật cường, dũng cảm trước quân thù. Không những thế Thu còn là một cô gái hiếu thảo, yêu cha mẹ hết lòng.
Trước hết Thu là đứa trẻ tinh nghịch, tính tình rất ương bướng. Sau bao năm gặp lại cha mình, nó không nhận ra cha nó, nó cứ nghĩ: Không phải ba! Ba không giống cái hình ba chụp với má, mặt ba đâu có cái thẹo như vậy… Những ý nghĩ đó cứ xoáy sâu vào tâm trí nó khiến con bé mới tám tuổi đầu đã phải đau khổ, phải tức giận. Nó yêu ba nó lắm cơ mà! Nó mong ba nó về tùng ngày từng giờ. Vậy mà tất cả đều lật ngược lại với nó: Ba nó thật đây, sao nó không nhận? Tại sao nó lại coi ba nó như người xa lạ? Tất cả sự vỏ vế của người cha đều bị nó gạt đi: Suốt ngày ông chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vồ về con. Nhưng càng vỗ về con bé càng đẩy ra. Nó chẳng bao giờ gọi người ấy một tiếng bằng ba. Đã vậy nó còn nói trống không: Cơm sôi rồi, chắt nước giùm đi!..., Vô ăn cơm...
Ôi! Sao Thu lại bồng bột thế nhỉ? Cái bồng bột của tuổi thơ ngây ấy chúng ta không nên trách làm gì cả. Ba Thu thật đấy! Tại sao Thu lại không nhận? Tuy vậy cái ương ngạnh của Thu rất có lí, vì Thu nghi ngờ, sự nghi ngờ bất bình rất trẻ con mà cùng rất đáng thương. Điều khiến chúng ta phải chú ý và cảm phục cô bé nhiều hơn vì Thu có trí thông minh tuyệt vời Nó đã kịp nhận ra ba nó, kịp nhận ra lỗi lầm và ân hận vô cùng. Nó hối hận vì trong ba ngày qua, một thời gian ngắn ngủi là vậy thế mà nó đã đối xử bao điều không đúng với ba nó. Đó cũng là lúc nó chợt hiểu rằng: ba khác xưa không phải là ba già đi, ấy là do vết thương mà cuộc chiến tranh tàn khốc đả gây ra... Có lẽ lúc này từ một đứa con nít, nó đã trở thành một người lớn thực sự. Nó cảm thấy lòng hận thù lù giặc đang trào dâng trong lòng nó. Điều này khiến nó phải nằm im lăn lộn và thớ dài. Tất cả sự hờn dỗi của bé Thu lúc này đều chuyển thành lòng thương yêu sâu sắc cha nó. Trong cái ương ngạnh bướng bỉnh, trong cái giận dỗi và cả sự hối hận của Thu, ta vẫn thấy bé thật ngây thơ, thật đáng yêu.
Khi ba nó chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ, lúc đó tình cha con bỗng trỗi dậy trong người. Nó bỗng kêu thất thanh: “Ba”. Tiếng kêu của nó như xé ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Tiếng “Ba” nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay đang vỡ tung từ đáy lòng nó… Tất cả lời nói, hành động của Thu thể hiện rất rõ tính cách của một cô bé bồng bột, thơ ngây và chứng tỏ lòng yêu thương vô bờ của em đối với ba. Thật sâu sắc và cao đẹp biết bao tình cảm của Thu.
Giờ đây Thu không còn là cô bé của ngày xưa nữa, mà là một cô gái đang gánh những trách nhiệm nặng nề: là cô giao liên cho một tuyến đường dây hoạt động bí mật của ta. Thu đã đi con đường mà ba Thu đã chọn. Thu đã di để trả thù cho ba cô bị bọn giặc giết hại. Bé Thu ngày xưa gan lì bướng bỉnh, đáng yêu bây giờ đã là cô giao liên thông minh, bình tĩnh và dùng cảm biết nhường nào. Hình ảnh cô giao liên Thu còn đọng mãi trong em không bao giờ phai mờ. Trước hết, ta thấy Thu rất tự tin và hiểu tâm trạng của mọi người. Mọi người thất thanh kêu “Máy bay”, Thu trả lời: Không phải đâu, sao trên trời đó mà... Và cùng một lần nhờ sự thông minh, lanh lợi mà cô đã đưa được khách qua sông một cách an toàn và còn diệt được mấy tên địch khi chẳng may lọt vào ổ phục kích của quân thù. Điều này khiến ta càng khâm phục Thu hơn vì cô đã chọn được con đường đúng đắn mà đi.
Chúng ta thấy xúc động bồi hồi trong lòng biết bao nhiêu khi Thu nhận được chiếc lược ngà mà người cha yêu quý nhất đã tự tay mình làm và gửi tặng cho con gái. Ta thấy cảm động vô cùng khi niềm hạnh phúc lớn ấy đang trào dâng trong lòng cô. Trông cô rất tội nghiệp và đáng thương như ngày nào còn thơ dại: Đôi mắt của cháu lại tròn to hơn, xúc động đến thẫn thờ... Cây lược như đánh thức kỉ niệm ngày chia tay (...) Cháu còn muốn nói gì nữa nhưng giọng bị tắc nghẹn... Đó là hình ảnh sâu đậm nhất trong tôi về Thu khi gấp trang sách lại.
Càng đọc tác phẩm “Chiếc lược ngà” ta càng như phát hiện được một hình ảnh Thu mỗi ngày một mới, đẹp hơn lên. Tình cha con sâu nặng, lòng dũng cảm, kim cương, sự gan dạ, khôn kéo, thông minh ở cô giao liên Thu - đứa con của người chiến sĩ cách mạng, mãi mãi sống trong lòng tôi, mãi mãi là tấm gương cho mọi thế hệ học tập.

(Học sinh Nguyễn Thị Diệu)

Xem thêm >>> Phân tích nhân vật ông Sáu trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng

Mọi ý kiến thắc mắc và đóng góp đến Cunghocvui bạn hãy để lại ở phía bên dưới comment này nhé! Chúc các bạn học tập tốt <3