Phân tích Người lái đò sông Đà hay nhất - Ngữ văn 12
Trong chương trình Ngữ văn 12, các bạn học sinh sẽ phải phân tích Người lái đò sông Đà để hiểu được nội dung của tác phẩm. Do đó, Cunghocvui mang đến cho các bạn bài Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà hay nhất! Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Bài làm
Nguyễn Tuân là một nhà văn theo chủ nghĩa xê dịch, ông đi nhiều nơi và khám phá nhiều vùng đất để tìm kiếm được những cái đẹp của cuộc đời, những sự hùng vĩ, dữ dội của thiên nhiên hay những con người tài hoa, uyên bác. Phong cách văn của ông luôn giàu chất tự do, phóng khoáng khiến cho người đọc cảm nhận được một cái tôi sâu sắc của riêng tác giả. Nổi bật trong các sáng tác của Nguyễn Tuân là tùy bút Người lái đò sông Đà. Ngoài hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình thì cái làm nên linh hồn và điểm nhấn của tác phẩm chính là hình tượng về ông lái đò trên dòng sông khắc nghiệt ấy. Ta có thể thấy người lái đò như một người nghệ sĩ thực thụ trong nghề nghiệp của mình.
Tùy bút Người lái đò sông Đà được in trong tập tùy bút Sông Đà năm 1960, thời kì miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm gồm 15 bài tùy bút và một bài ở dạng phác thảo, là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn lên Tây Bắc. Chính thiên nhiên và con người nơi đây đã tạo nên một nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào cho nhà văn. Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân gói gọn trong một chữ "Ngông", ông chỉ tin vào cái đẹp ở quá khứ, rằng người tài hoa luôn lạc lõng giữa cuộc đời thì ở những tác phẩm sau Cách mạng tháng 8, ta thấy được với Nguyễn Tuân, cái đẹp của người tài hoa có ở mọi lĩnh vực, và ông ngợi ca những nét đẹp ấy.
Ông lái đò được tác giả miêu tả với lai lịch là người ở Lai Châu, đã 70 tuổi, làm nghề lái đò hơn chục năm nay và hiện lên những nét ban đầu với hình ảnh "Tay ông lêu nghêu như cái sào, hai chân khuỳnh khuỳnh như đang kẹp chặt cái cuống lái trong tưởng tượng" . Nhà văn bắt đầu mở ra hình tượng ông lái đò thông qua chi tiết "sông Đà đối với ông lái đò như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc cả dấu câu chấm than và cả đoạn xuống dòng", hé lộ được những kinh nghiệm và sự hiểu biết của ông về cuộc vượt thác sông Đà.
Trên dòng sông Đà được miêu tả là dữ tợn, hung bạo nhưng cũng rất trữ tình hiện lên hình ảnh ông lái đò trong cuộc giao tranh với sóng, gió, và nước qua ba thạch trận. Ở cả ba thạch trận này, người đọc đều nhìn thấy ở ông lái đò có những nét tài hoa, nghệ sĩ rất riêng. Nguyễn Tuân miêu tả hình tượng ông lái đò ở thạch trận thứ nhất với sức lực khỏe mạnh, phi thường. Đá và sóng như tạo ra một cửa ải để chèn ép ông lái đò "năm cửa tử, một cửa sinh chia thành ba tuyến: tiền vệ, trung vệ, hậu vệ" và âm thanh của thác như đang khiêu khích người lái đò "giọng gằn mà chế nhạo". Trước sự bày binh bố trận trùng điệp của tự nhiên, ông lái đò không hề tỏ ra run sợ, bởi ông đã làm nghề này mười năm rồi, ông trở thành một người lão luyện lái đò trên sông. Mặc cho "Đá oai phong lẫm liệt tiến lùi thách thức còn sóng nước như quân liều mạng", “thúc gối vào bụng và hông thuyền”, ông lái đò vẫn giữ chặt mái chèo để không bị hất tung ra khỏi cái trận địa ác liệt của sóng, đá cùng với sự khiêu khích của thác. Ông lão cố nén vết thương để giữ chặt mái chèo, vượt qua được thạch trận đầu tiên. Ở đây, ta thấy được lòng dũng cảm, gan dạ và quyết đoán của ông lái đò. Ông không hề run sợ trước sự hung bạo và hiểm hóc của con sông Đà.
Đến thạch trận thứ hai, con sông Đà càng trở nên hung dữ hơn. Nó "mở ra nhiều cửa tử hơn, chỉ có một cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn", "Bọn thủy quân cửa ải xô ra níu thuyền vào cửa tử" và tiếng dòng thác hồng hộc thế mạnh như muốn ăn chết con thuyền. Ông lái đò "phá luôn vòng vây thứ hai", Nguyễn Tuân miêu tả ông lái đò như một người nghệ sĩ thực thụ, một người chiến binh quả cảm trên con thuyền của mình "Ông lái đò cùng chiếc thuyền cưỡi trên con sông như cưỡi trên lưng hổ. Ông nắm chắc bờm sóng, ghì cương lái miết vào cửa sinh". Dòng sông Đà ngày càng hung hăng, quyết liệt nhưng ông lão vẫn rất tỉnh táo, mưu trí khi đã nắm chắc cách bày binh bố trận ở cửa ải thứ hai này, ông thay đổi chiến thuật để vượt qua được bọn quân thủy thủ tinh quái. Chính sự tài dũng song toàn của ông lái đò đã khiến cho bọn đá và sóng sông Đà phải chịu thua với bộ mặt "tiu nghỉu, xanh lè thất vọng". Nguyễn Tuân đã làm hiện lên hình ảnh con người lao động không những khỏe mạnh mà còn rất quyết đoán, mưu trí qua hai thạch trận chiến đấu với con sông.
Ở thạch trận cuối cùng, ta thấy được vẻ đẹp tài hoa, ông lái đò như đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ công việc của chính mình. Sau khi bị thua ở thạch trân thứ hai, dòng sông Đà được nhà văn nhân hóa với vẻ hung hăng và giận dữ hơn nhiều: "Ít cửa ra vào, bên phải bên trái đều là cửa tử, luồng sống ở giữa ngay cạnh voi đá vọng về". Ông lái đò lúc này đã chủ động tấn công "phóng thẳng thuyền chọc thục cửa giữa", lao vun vút đi qua. Thế là chiến thắng đã thuộc về ông lão. Động thái lao vun vút cho thấy sự nhanh nhẹn, quyết đoán của ông lái đò. Bằng những bản lĩnh và kinh nghiệm làm nghề lái đò trong suốt nhiều năm, người lái đò không còn sợ hãi, khuất phục trước thiên nhiên mà trở nên kiên cường, dũng cảm hơn bao giờ hết.
Thông qua cả ba trùng vi thạch trận ác liệt của con Sông Đà, ta thấy được hình ảnh người lái đò hiện lên với những nét đẹp tài hoa, dũng cảm và mưu trí hơn người của ông lái đò. Không những sử dụng những thủ pháp nghệ thuật miêu tả độc đáo cho hình ảnh con sông hung bạo thông qua việc nhân hóa các sự vật: sóng, đá, thác mà Nguyễn Tuân còn khiến cho người đọc thấy được sự uyên bác, tầm hiểu biết sâu rộng của mình khi miêu tả sự vật thiên nhiên thật sinh động và có hồn. Người lái đò như làm chủ được tự nhiên, làm chủ tay lái và không chịu thua trước bất cứ hiểm nguy nào. Hình tượng người lái đò chính là hình tượng con người lao động với nét đẹp tài hoa, trí dũng song toàn với tài năng phi thường mà Nguyễn Tuân luôn tìm kiếm. Đây chính là phong cách nghệ thuật của ông sau Cách mạng Tháng tám, rằng vẻ đẹp của người tài hoa không chỉ có ở quá khứ mà còn hiện hữu ở bất kì hoàn cảnh nào, bất kì lĩnh vực nào, chứ không phải chỉ có ở những người làm nghệ thuật.
Tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân đã thành công trong việc ca ngợi con người với tài năng và trí tuệ phi thường, rằng con người trong tác phẩm của ông phải là một người tài hoa, nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Nhờ vào nét riêng độc đáo ấy mà ta không thể nhầm lẫn phong cách văn của Nguyễn Tuân với bất cứ nhà văn nào khác. Ông mang đến cho bạn đọc những bản anh hùng ca thật hùng tráng, để lại giá trị sâu sắc và dấu ấn đậm nét cho cuộc đời.
Thông qua bài phân tích Người lái đò sông Đà với việc phân tích hình tượng Người lái đò sông Đà, Cunghocvui hy vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn! Chúc các bạn học tốt!