Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ Hàn Mặc Tử: văn mẫu lớp 11 hay
Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ hay nhất
Cùng tham khảo bài văn mẫu phân tích bài thơ đây thôn Vĩ Dạ được CungHocVui tổng hợp và biên soạn dưới đây để phần nào hiểu hơn về tác giả, tác phẩm. Từ đó có thể hoàn thiện các đề văn khác tốt nhất và đạt kết quả học tập cao.
Phân tích đây thôn Vĩ Dạ Hàn Mặc Tử
Mở bài Phân tích Đây Thôn Vĩ Dạ
“...Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ,
Ta ôm ấp một tình yêu dịu ngọt...”
Có lẽ không có mảnh đất nào trên dải đất hình chữ S này lại khiến người ta nhớ thương như chốn Huế mộng mơ. Tựa hồ như nơi đây có một sức hút mãnh liệt đến người ta, gặp gỡ một lần là “trộm nhớ, trộm thương” một đời. Nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng đã sa vào lưới tình của Huế, để rồi ôm sợi nhớ, sợi thương, đến những ngày tháng đau đớn cuối đời vẫn không thôi yêu mảnh đất này. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ điên”, chính là hình tượng của Huế thông qua cảm quan của người thi sĩ và nỗi lòng của “nhà thơ điên” về cuộc đời.
Thân bài phân tích bài thơ đây thôn Vĩ Dạ
Phân tích khổ 1 bài thơ đây thôn Vĩ Dạ
Hàn Mặc Tử sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình, sau khi trưởng thành đã Nam tiến vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhà thơ không may mắn mắc phải bệnh phong, phải sống đau đớn và cô đơn trong những ngày cuối đời tại một khu cách ly ở Quy Nhơn, Bình Định. Vốn dĩ cuộc đời của ông rất ít gắn bó với Huế nhưng tác giả lại vô cùng ưu ái mảnh đất này và sáng tác nên bài thơ nổi tiếng “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Bởi lẽ, ở Huế và chính Vĩ Dạ thôn này có bóng hình của người con gái mà ông đã trót đem lòng yêu thích, ngày đêm thầm thương, trộm nhớ mang tên Hoàng Thị Kim Cúc. Trong thời gian Hàn Mặc Tử chữa bệnh, chính bà đã gửi cho ông một bưu thiếp của hình thôn Vĩ Dạ cùng lời hỏi thăm chừng nào về Thôn Vĩ chơi
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Nhà thơ đã mở đầu bài thơ của mình bằng một câu hỏi. Đây có thể hiểu là một lời hỏi thăm rất bình thường của bà Kim Cúc gửi đến nhà thơ, muốn biết rằng chừng nào nhà thơ về thôn Vĩ thăm bà. Đồng thời, đây cũng có thể là một lời mời hay một lời trách móc rằng sao lâu quá rồi mà ông không ghé thăm thôn Vĩ. Có thể nhận định rằng, chính câu hỏi này cũng đang để lại trong lòng Hàn Mặc Tử nhiều điều trăn trở. Cũng có thể, chính Hàn Mặc Tử đang tự hỏi chính mình như một cách xoa dịu nỗi nhớ mong.
Bởi lẽ, ông cũng mong muốn được về chốn đây, để lần nữa chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị, giản đơn nhưng vô cùng thu hút:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Một khung cảnh vườn tược rộng lớn, xanh mướt hiện lên một buổi sáng tinh sương khiến nhiều người phải xao xuyến: hàng cau kết hợp với nắng mới lên, tạo nên khung cảnh huyền ảo, tựa hồ như một hàng cau đang kéo mặt trời xuất hiện; từng tia nắng ban mai rọi vào sương sớm đọng trên lá tựa hồ như ngọc lấp lánh vô cùng mướt mắt. Và trong bức tranh ấy, nổi bật lên hình tượng con người với khuôn mặt chữ điền đôn hậu, hiền lành và chính trực. Đây cũng là nét đẹp riêng của con người Huế. Đặc biệt hơn, “lá trúc che ngang” không chỉ tạo cảm giác bí hiểm, độc đáo mà còn bộc lộ được sự e thẹn, kín đáo của người con gái Huế.
Phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Trước khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ song do tâm trạng của nhà thơ đượm buồn nên cũng nhuốm một màu buồn bã:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Hình ảnh thơ trở nên buồn bã, mọi thứ chia lìa, xa cách: “gió - lối gió”, “mây, đường mây”, thường là gió đẩy mây bay nhưng bây giờ lại chia đôi ngả. Hình ảnh nhân hóa dòng nước trở nên “buồn thiu” và hoa bắp thì hiu hắt “lay” tựa hồ như chẳng còn chút sức sống như làm cho bức tranh thôn Vĩ thêm sinh động nhưng cũng có những khoảng buồn tênh. Vốn dĩ nhà thơ đang buồn bã vì phải xa Huế, phải vật lộn với bệnh tật trong đau thương nên nhìn đâu cũng thấy nặng nề, sầu thảm. Và ông tự nghi hoặc chính mình:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Lại một lần nữa câu hỏi tu từ được người thi sĩ sử dụng để bộc lộ tâm trạng vô cùng hoài nghi, băn khoăn, lo sợ của mình. Và ở đó, ông đang hỏi thăm về trăng. Hàn Mặc Tử quả thật là nhà thơ trăng, hình tượng dòng sông trăng, thuyền trăng,... đi xuyên suốt những bài thơ độc đáo của ông và mang những ý nghĩa riêng biệt.
“Trăng” chính là người bạn tri kỷ để nhà thơ tìm đến dốc bầu tâm sự, là nơi đáng tin cậy để nương tựa vào. Nhưng vì đang ở xa xôi nên nhà thơ buồn bã vì không có ai bầu bạn, ông thắc mắc “có chở trăng về kịp tối nay?”. Phải chăng, Hàn Mặc Tử đang khao khát vượt bậc được về với thôn Vĩ nên đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ “chở trăng về”.
Phân tích khổ 3 bài đây thôn Vĩ Dạ để thấy khung cảnh ảo mộng của thiên nhiên và lòng người
Hiện thực vốn rất nghiệt ngã và đau thương, căn bệnh vẫn dày vò nhà thơ từng ngày, bởi vậy ông muốn dùng giấc mơ để thỏa lòng mong ước:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”
Biện pháp điệp từ nhấn mạnh cụm từ “mơ khách đường xa”. Nhà thơ đang muốn hóa mình vào “khách đường xa” sẽ về thăm “em” và thăm xứ Huế, cũng muốn khẳng định sự xa xôi, cách trở. Hiện hữu trong giấc mơ đó là người con gái đằm thắm trong tà áo dài “áo em trắng quá nhìn không ra”. Tất cả như đang ở ngay trước mắt nhưng lại xa vời vợi. Em và tôi chỉ có thể mơ về nhau, mơ về người kia như một giấc mơ “mờ nhân ảnh” bởi sông trăng chẳng chở tôi về kịp bên người thương rồi.
Có thể thấy được nỗi đau của Hàn Mặc Tử đang trào dâng vô cùng chua xót. Đến cuối cùng, ông chỉ có thể lại tự hỏi chính mình: “Ai biết tình ai có đậm đà?” Câu hỏi tu từ lần nữa vang lên càng làm cho người đọc thổn thức theo suy tư của ông, rằng nhà thơ đang khắc khoải hỏi bản thân hay hỏi người con gái của mình. Câu hỏi này buông vào hư không, xoáy sâu vào chúng ta những cảm xúc khó tả.
Phân tích bài thơ đây thôn Vĩ Dạ qua đặc sắc nghệ thuật
Không theo một khuôn phép nào cả, Hàn Mặc Tử sáng tác từng câu thơ dựa trên dòng cảm xúc cuộn trào trong ông tạo nên một nét thơ hơi ngông cuồng, bất trị hay còn gọi “thơ điên” nhưng đó là thứ thơ không ai có thể so bì được. Hình ảnh thơ mới mẻ, được miêu tả rõ nét, các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, điệp và câu hỏi tu từ được sử dụng linh hoạt kết hợp với bút pháp trữ tình lãng mạn đã khắc họa thành công vẻ đẹp thiên nhiên, con người thôn Vĩ Dạ nói riêng và Huế nói chung. Qua đó, còn cho chúng ta thấy tình yêu thương cuộc đời, khoái cảm và khát vọng sống, khát vọng tình yêu đang sục sôi trong trái tim của Hàn Mặc Tử.
Kết bài phân tích bài thơ đây thôn Vĩ Dạ
Nếu có ai hỏi tôi về Hàn Mặc Tử và Đây thôn Vĩ Dạ tôi sẽ không ngần ngại mà khẳng định rằng: Đó là bài thơ độc đáo và giàu cảm xúc nhất mà tôi từng chiêm ngưỡng. Chẳng phải vì sự giỏi giang về gieo vần, chọn hình ảnh mà bởi cái chất người và chất thơ nó đã hòa quyện lại làm một trong từng nhịp thơ - chất thơ chỉ có riêng ở Hàn Mặc Tử. Hôm nay và mãi về sau, “Đây thôn Vĩ Dạ” và Hàn Mặc Tử sẽ luôn là một “huyền thoại” ít ai so bì được.
Bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi, Hàn Mặc Tử đã gieo vào lòng người đọc nhiều suy tư. Quả không sai khi nhận định rằng: “Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, trừ Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi…”.