Nghị luận văn học Hai đứa trẻ - Văn học 11
Nghị luận văn học Hai đứa trẻ - Văn học 11
Bài viết hôm nay Cunghocvui xin giới thiệu với các bạn về nghị luận văn học bài Hai đứa trẻ!
I. Dàn bài nghị luận văn học Hai đứa trẻ
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả
- Giới thiệu về tác phẩm
2. Thân bài nghị luận văn học về bài Hai đứa trẻ:
- Giới thiệu về hai đứa trẻ.
- Nêu tình huống câu chuyện.
- Nêu kết chuyện và đánh giá.
3. Kết bài:
Nêu cảm nghĩ của em về tác phẩm.
II. Bài mẫu nghị luận văn học về tác phẩm Hai đứa trẻ
Câu chuyện được mở đầu bằng cảnh trời chuyển sang cuối chiều để dần vào đêm. Một hình ảnh, cảnh vật nơi phố huyện nhỏ đều thu về lặng lẽ, lắng lại. Chiều, chiều rồi... Giọng văn êm ả như ru, đầy tâm trạng của Thạch Lam nhẹ nhàng dẫn người đọc vào một thế giới thanh sạch mà buồn thấm thía. Tiếng trống thu không từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào; màu đỏ rực của chân trời phía tây, đám mây hồng như hòn than sắp tàn, màu đen của dãy tre làng đang cắt hình rõ nét trên nền trời... Âm thanh nào, màu sắc nào cũng gợi lên cảm giác về sự tàn lụi, cũng khơi sâu vào nỗi buồn.
Trong khung cảnh tan vắng trên, lần lượt xuất hiện những kiếp người bé nhỏ, tội nghiệp, đang luẩn quẩn trong nếp sống buồn tẻ của mình. Bên cạnh hình ảnh gian hàng tạp hóa tồi tàn của gia đình Liên (ngay đến cái chõng tre cũng đã cũ nát), là cảnh vãn chợ, là hình ảnh hàng nước của chị Tí, là hình ảnh của bà cụ Thi hơi điên với tiếng cười khanh khách ghê sợ. Những cuộc đời ấy không có tương lai, những cảnh vật ấy đều dần chìm sâu vào bóng đêm của một ngày tàn. Điều đáng chú ý là mọi hình ảnh này đều được hiện lên qua cái nhìn, trong cảm nhận của chị em Liên.
Hai chị em Liên cứ cảm thấy quẩn quanh, tù túng trong không khí buồn tẻ của đời sống phố huyện. Nhưng tâm hồn của hai đứa trẻ không phải đã khô cằn đi trong nếp sống nhàm chán này. Dường như nơi sâu thẳm trong tâm hồn non nớt mà đằm thắm của hai chị em Liên, An vẫn có niềm tưởng nhớ một cái gì đó thật tươi mát, êm đềm, vẫn có nỗi ngóng vọng một cái gì khác để xua bớt đi cái không khí bế tắc này. Đó chính là lí do để chi tiết đoàn tàu xuất hiện.
Vì sao đang buồn ngủ ríu cả mắt hai chị em vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa chờ chuyến tàu đêm đi ngang phố? Từ những kỉ niệm trong cuộc đời tuổi thơ, Thạch Lam đã xây dựng nên một chi tiết có ý nghĩa khái quát nghệ thuật sâu sắc. Nơi phố huyện buồn vắng, nơi giữa đêm tối mênh mông chỉ leo lét ngọn đèn dầu trên chõng hàng chị Tí và ánh lửa bếp của bác Siêu, con tàu sang trọng, sáng trưng đi qua là hình ảnh của một thế giới khác. Cái thế giới ấy ồn ào, sang trọng đến xa lạ nhưng sự xuất hiện của nó đã thân quen với nếp sống của phố huyện này. Cứ chín giờ đêm lại có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua phố huyện. Vì thế niềm mong đợi ấy thực chất là nỗi khát khao được sống với một thế giới khác, dù trong khoảnh khắc: Liên dắt em đứng dậy nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường
Hình ảnh hai chị em Liên mang hình bóng số phận bao lớp người nghèo trong xã hội thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ. Lấy hồn mình để hiểu lòng người, Thạch Lam đã diễn tả thật tinh tế dòng cảm- giác, tâm trạng của các nhân vật trong sự biến chuyển của thời gian. Qua hình ảnh Liên, An và những người dân nghèo phố huyện, chúng ta nhận ra tấm lòng thông cảm, ưu ái của Thạch Lam, nhận ra tinh tế của một ngòi bút văn xuôi trữ tình.
Trên đây là toàn bộ kiến thức mà Cunghocvui muốn chia sẻ về bài văn nghị luận văn học 11 bài Hai đứa trẻ!