Hướng dẫn soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc - Phạm Văn Đồng
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, NGÔI SAO SÁNG TRONG VĂN NGHỆ CỦA DÂN TỘC - Phạm Văn Đồng
I. Vài nét về tác giả và tác phẩm
1. Tác giả:
Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) sinh ra tại Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ông đến với cách mạng từ rất sớm, đã từng bị địch bắt đày ra Côn Đải, ra tù lại tiếp tục hoạt động. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng…
Phạm Văn Đồng vừa là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, vừa là nhà văn hóa. Ông viết nhiều bài nghị luận đặc sắc về Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh.
2. Tác phẩm
* Bài viết thuộc văn nghị luận, hệ thống luận điểm rõ ràng, lĩ lẽ xác đáng, hình ảnh ngôn từ gợi được niềm xúc động thiết tha.
* Hoàn cảnh ra đời của bài văn:
Tác giả viết bài này nhân kỉ niệm ngày mất của nhà thơ Đồ Chiểu (3 – 7- 1988), đăng trên Tạp chí văn học tháng 7 – 1963. Thời điểm đó, đất nước ta đang có sự kiện trọng đại, nhất là ở Nam Bộ: Từ những năm 1945 đến 1959 quân Mĩ và chính quyền Ngô Đình Diệm triển khai chính sách tố cộng, thực thi luật 10/59, bắt bớ tù đày, tàn sát đẫm máu những người kháng chiến và thân nhân của họ. Từ những năm sáu mươi, đế quốc Mĩ đưa thêm nhiều quân vào miền Nam, thể hiện bộ mặt của kẻ xâm lược càng rõ. Trước tình hình đó, nhân dân miền Nam nổi lên đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt, khắp mọi nơi.
Ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu vào thời điểm đó là hết sức có ý nghĩa.
II. Hướng dẫn học bài
1. Hệ thống luận điểm
- Mở bài: tác giả khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc, sự nghiệp sáng tác của ông cần phải được đề cao hơn nữa nhất là mảng thơ văn yêu nước.
- Thân bài: bao gồm ba luận điểm
+ Luận điểm 1: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước”.
+ Luận điểm 2: “Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu phản ánh phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ”.
+ Luận điểm 3: “Lục Vân Tiên, một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam”.
- Phần kết bài: Một lần nữa tác giả khẳng định tầm vóc lớn lao của nhân cách và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu.
2. Ở phần đầu, tác giả đã khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao “có ánh sáng khác thường”, “con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy”. Có nghĩa là vẻ đẹp của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu không rực rỡ bóng bẩy ở ngôn từ hay ở những tìm tòi mới lạ. Thơ văn ông đẹp ở sự giản dị, chất phác, đẹp ở tấm lòng yêu nước thương dân, tinh thần chiến đấu không khoan nhượng với gian tà, bạo ngược.
Theo tác giả, những lí do làm “ngôi sao Nguyễn Đình Chiều” chưa sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ của dân tộc là do có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
Người viết muốn nhấn mạnh ảnh hưởng của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đối với hiện tại của đất nước, nhất là khi cuộc chiến đấu chống Mĩ đang diễn ra quyết liệt. Bởi vì cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu sẽ tiếp thêm cho ta lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí chiến đấu hi sinh vì nghĩa lớn: Chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập của dân tộc.
3. Ở phần 2, tác giả giúp ta nhận ra những “ánh sáng khác thường” của ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ dân tộc.
- Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng về nghị lực và nhân cách trong lúc đất nước có ngoại xâm. Mặc dù bị mù đôi mắt, không trực tiếp cầm gươm, cầm súng đánh giặc được, ông đã dùng văn chương như một vũ khí sắc bén để chống kẻ thù, ca ngợi những tấm gương hi sinh vì nghĩa. Dù hoàn cảnh nào ông cũng nêu cao khí tiết của người chí sĩ yêu nước.
- Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã làm sống lại phong trào kháng Pháp oanh liệt, bền bỉ của nhân dân Nam Bộ. Qua những bài văn tế ca ngợi những sĩ phu, những người nông dân Lục tỉnh ta mới hiểu hết tấm lòng trung nghĩa của ông.
- Tác giả đánh giá rất cao ý nghĩa của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc qua đoạn văn: “Bài văn của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ lại bài Đại Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi. Hai bài văn, hai cảnh ngộ, hai thơi buổi nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn sống hiên ngang. Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc… muôn kiếp nguyện được trả thù kia…” Bài văn của Nguyễn Đình Chiểu không phải là khúc ca chiến thắng như bài Cáo của Nguyễn Trãi nhưng nó hào hùng ở tinh thần bất khuất mỗi khi đối diện với ngoại xâm của nhân dân ta.
- Nếu như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca bi tráng sống mãi cùng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc thì Lục Vân Tiên lại được tác giả đánh giá là “bản trường ca ca ngợi chính nghĩa”, ca ngợi “những đạo đức đáng quý trọng ở đời”. Khi dùng lời bác bỏ những ý kiến hiểu chưa đúng về Lục Vân Tiên tác giả đồng thời chỉ ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm này về cả nội dung lẫn hình thức.
Ví dụ một số bác bỏ của tác giả:
“Tất nhiên những giá trị luận kí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi ở thời đại chúng ta, theo quan điểm chúng ta thì có phần đã lỗi thời. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều bậc hiền triết ngày xưa ở phương Đông và phương Tây vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quý trọng”.
Hoặc “Có người hay hạch những chỗ lỗi văn không hay lắm; ở đây phải nhớ rằng Nguyễn Đình Chiểu vì mù nên có thể đọc cho người khác chép. Và như vậy, thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản!... Dẫu sao chỗ sơ sót về văn chương không thể làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật hấp dẫn từ đầu đến cuối”.
4. Màu sắc biểu cảm của bài nghị luận này thể hiện ở chỗ người viết có cảm xúc cao độ, tôn trọng, cảm phục, ngợi ca Nguyễn Đình Chiểu. Cảm xúc đó được thể hiện bằng ngôn ngữ hấp dẫn, lôi cuốn, bằng các từ ngữ giàu hình ảnh và có sức biểu cảm cao.
Ví dụ:
“Trên trời có những vì sao ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.
Hoặc: “Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ lại bài “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi… có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ!”.
5. Giá trị cơ bản của bài văn nghị luận:
- Về nội dung: Bài viết ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu, một nhân cách trong sáng, một nhà thơ lớn trọn đời dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước. Bài viết còn cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa văn nghệ với đời sống qua ý nghĩa của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu với sự nghiệp kháng chiến của dân tộc.
- Về nghệ thuật: Đây là một bài nghị luận đặc sắc với bố cục chặt chẽ, luận điểm rõ ràng, cách lập luận sáng sửa, ngôn ngữ hấp dẫn, giàu hình ảnh và có giá trị biểu cảm cao