Hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Đi đường
Đề bài: Hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Đi đường
Bài làm
Bài “Đi đường" có tựa đề là một cụm động từ, chỉ một hệ thống. Bài thơ, do vậy, có một ý nghĩa riêng, ngoài việc diễn tả cảm xúc trước cảnh núi non điệp trùng, đất trời cao rộng, hùng vĩ, nó còn thể hiện tư thế chủ động của một nhà thơ - chiến sĩ. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, được dịch ra thể lục bát:
“Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non"
Mở đầu là một câu thơ giản dị gần như một lời nói thường:
“Đi đường mới biết gian lao"
"Đi đường”, hai tiếng bình dị thế thôi nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa. Trước hết là nghĩa cụ thể của nó. Nói “đi" thực chất là bị giải đi đường, là đi đày. Bác tuy không kể, không tả, nhưng chúng ta, những người đọc thơ Bác hôm nay, không thể không đặt bài thơ trong khung cảnh Bác bị giải đi triền miên giữa cảnh đói rẻt thiếu thốn, giữa cảnh nắng dội mưa dầm, giày dép tả tơi, 53 cây số môt ngày, tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích... Vậy mà, câu thơ nói đi nói lại đường như chỉ là một nhận xét, một đúc kết bình thường. Từ "mới biết” nghe nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng chất chứa ở bên trong biết bao sóng gió của cuộc đời, bao nhiêu nghĩ suy của người trong cuộc. Như thế, để thấy câu đầu trong bài “Đi đường" không chỉ là sự đúc kết trong một cuộc đi đường cụ thể, mà bao hàm một thái độ đánh giá, nhận thức, suy nghĩ trong suốt cả chặng đường dài trên bước đường đời nói chung, trên bước đường cách mạng nói riêng. Câu thơ do vậy vừa mang nội dung cụ thể, vừa mang nội dung khái quát.
Đằng sau câu thơ, ta bắt gặp một tâm hồn lớn, cao khiết, đẹp đẽ, một trí tuệ mẫn tiệp của bậc chí sĩ đang đối diện, chịu đựng những gian lao khủng khiếp, nhưng đã biết vượt lên gian lao bằng thái độ làm chủ, bằng phong thái ung dung bình tĩnh, với cái nhìn minh mẫn, sáng suốt mà khiêm tốn, giản dị.
Câu thơ thứ hai:
“Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”.
Trước hết, đó là một câu thơ tả thực về cảnh những lớp núi điệp trùng mà Bác phải vượt qua. Có người cho đây là những hình ảnh cụ thể hóa các gian lao trong câu tthơ đầu, cũng có thể là như thế. Nhưng như trên đã phân tích, câu đầu trong bài thơ khung phải là một cảm hứng mở đầu mà là cảm hứng kết luận. Hơn nữa, âm hưởng của câu thơ gợi cho người đọc về cái gian lao thì ít mà mở ra một không gian bát ngát, điệp trùng, đẹp đẽ, hùng vĩ nhiều hơn.
Chẳng thấy đâu đày ải xích xiềng, chỉ thấy một trái tim tự do đang chiêm ngưỡmg, đắm say thưởng ngoạn thiên nhiên của nhà nghệ sĩ. Điều này thật khó phân tích, lí giải bằng lí luận chữ nghĩa. Từ tâm hồn nó đến thẳng với tâm hồn. Thưởng thức thơ Bác chẳng khác nào thưởng thức một bông hoa. Đọc thơ Người, thỉnh thoảmg phải dừng lại, nghĩ suy để thưởng thức cái sức ngân vang của tâm hồn, tỏa ra từ những lớp chữ nghĩa, màu sắc, âm thanh... bình dị, thanh khiết.
Hai câu cuối:
“Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
Cảnh núi non tiếp nối, không dứt, như vẽ ra trước mắt ta khung cảnh những lớp núi điệp trùng, hết lớp này đến lớp khác, trong đó, con người, với tư cách là chủ thế của khung cảnh đang vượt lên những lớp núi chất chồng kia, đang đứng ở đỉnh cao mgất với niềm khoan khoái tự hào, thu vào trong tầm mắt cả một không gian khoáng đạt, cao rộng, cả khung cảnh gấm vóc hùng vĩ của đất nựớc, non sông. Câu thơ tà cảnh nhưng không giấu nổi một tiếng reo vui hạnh phúc ở bên trong, niềm hạnh phúc chân chính của một con người đã vượt qua bao chặng đường khổ ải, đã đi và đi đến đích, đang đứng ở đính cao vời vợi. Trong khuôn khổ âm điệu, hình ảnh, vần luật của thơ ca cổ điển, khuôn phép, mực thước, ý thơ lại như có khuynh hướng muốn vượt ra ngoài, muốn vượt lên trên cái bình thường, để vươn tới cái tầm cao c;ả. Những câu thơ ấy mang vẻ đẹp của một thiên nhiên hùng vĩ và một tâm hồn rộng lớn. Nó không chỉ diễn tả độ cao vời vợi của khung cảnh núi non cụ thể, mà còn diễn tả chiều cao của tầm nhìn, của ý chí, nghị lực, niềm tin, của lí tưởng cao cả, đẹp đẽ. Quả là, khi đã có một lí tưởng cao cả, một bản lĩnh kiên cường, không có đỉnh cao nào mà con người lại không thể đạt tới. Và lúc bấy giờ, con người sẽ tìm thấy nguồn hạnh phúc vô biên. Cái kết luận mang ý nghĩa của bài thơ đến với người đọc là như thế.