Đăng ký

Bình bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh

1,225 từ Văn mẫu

Đề bài: Bình bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh

Bài làm

Bài thơ “Đi đường" trong bản chữ Hán là “Tẩu lộ", là bài số 30 trong "Nhật kí trong tù”, theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Nam Trân dịch thành thơ lục bát.

Đề tài của bài thơ mang tính truyền thống - Hành lộ nan, Thế lộ nan,....ta thường bắt gặp trong thơ cổ. Lý Bạch (701-762) là nhà thơ cự phách đời Đường với bài thơ nổi tiếng “ Hành lộ nan” (học ở lớp 9) - “Nhật kí trong tù” có nhiều bài thơ viết về đề tài này: “Thế lộ nan”(3 bài), Tẩu lộ, Nhai thượng (Trên đường phố), Lộ thượng. Những bài thơ viết về đề tài này đều mang tính triết lí, hàm nghĩa.

 Hai câu đầu, trong nguyên tác không có chữ “cao”, dịch giả đã thêm vào bản dịch hai chữ “cao”. Hồ Chí Minh điệp lại hai lần "trùng san". Bản dịch kể cũng đã hay:

"Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng"

Câu 1 như một chiêm nghiệm của một con người từng trải, đi nhiều và đã sống cuộc đời sâu sắc, phong phú. Câu thơ thứ hai, hình ảnh "trùng san" - dãy núi trập trùng, không chỉ một dãy núi trập trùng mà là hết dãy núi này đến dãy núi khác dựng thành phía trước (trùng san... trùng san) tượng trưng cho những khó khăn, thử thách chồng chất. Gian lao là vậy. Câu thơ như một lời nhắc khẽ mà thấm thía: muốn đi đường phải có quyết tâm, phải kiên trì vượt khó, chịu đựng gian khổ... Không được nản chí ngã lòng!

Hai câu 3,4, một ý thơ mới xuất hiện: có vượt lên đến đỉnh cao chót vót của muôn trùng dãy núi thì tầm mắt mới được mở rộng, muôn dặm nưóc non thu được cả vào trong tầm mắt. Cấu trúc câu thơ theo quan hệ điều kiện - kết quả:

"Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non"

Điều kiện là người đi đường phải chiếm lĩnh đỉnh cao chót vót của các lớp núi trập trùng, nghĩa là phải vượt qua mọi thử thách, phải chiến thắng mọi khó khăn. Câu cuối mở ra một thiên nhiên bao la, một không gian nghệ thuật tuyệt vời trùng nước non”, tất cả được thu vào tầm mắt người đi đường. Đó là hạnh phúc.

Bài thơ còn mang một lớp nghĩa nữa. Con đường được nói đến trong bài thơ không phải là con đường làm ăn, con đường công danh,... mà còn là con đường cách mạng, con đường cứu nước cứu dân. Nhà thơ - người đi đường - là một chiến sĩ cách mạng. Con đường cách mạng không chỉ khó khăn mà còn bị tù đầy, đầu rơi máu chảy. Có hi sinh, có vượt qua mọi thử thách mới giành được độc lập, tự do, mới khôi phục được muôn trùng nước non...

Tóm lại, bài thơ “Đi đường” mang nội dung tư tưởng sâu sắc, có tính giáo dục to lớn. Bằng biện pháp nghệ thuật tượng trưng và điệp ngữ, nhà thơ Hồ Chí Minh đã tạo nên vần thơ đa nghĩa, hàm súc. Đi đường rất khó, đầy gian nan thử thách. Người đi đường phải giàu nghị lực để vượt qua khó khăn mới có thể đi tới đích. Con đường cách mạng nhiều chông gai, nguy hiếm. Phải có quyết tâm sắt thép để giành thắng lợi.

Con đường học tập của tuổi trẻ đâu có dễ dàng. Phải vượt khó, cần thông minh, sáng tạo và cần cù mới có thể chiếm lĩnh tầm cao tri thức nhân loại để “thu vào tầm mất muôn trùng nước non..“.

shoppe