Giải thích câu nói “Sự làm việc tránh cho ta ba cái hại lớn: tật xấu, nỗi buồn và cảnh nghèo túng”
“Sự làm việc tránh cho ta ba cái hại lớn: tật xấu, nỗi buồn và cảnh nghèo túng” (Vôn-te). Em hãy giải thích ý kiến trên.
Tục ngữ Việt Nam có câu "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ". Phương Tây cũng nhận xét "Sự ăn không ngồi rồi là mẹ của mọi tật xấu".
Nhà tư tưởng Pháp Vôn-te đã cho ta một cái nhìn khái quát, toàn diện về giá trị của sự làm việc. "Sự làm việc tránh cho ta ba cái hại lớn: tật xấu, nỗi buồn và cảnh nghèo túng". Ta hãy giải thích ý kiến trên.
Trước hết, thử nhìn xung quanh, ta thấy làm việc là hoạt động liên tục của mọi người trong xã hội, trừ tuổi đi học và tuổi về hưu. Dù không làm việc bằng tất cả say mê thì người có công ăn việc làm cũng phải bảo đảm chất lượng công việc ở mức chấp nhận được. Điều đó đã chiếm phần lớn thời gian của họ. Do đó, họ sẽ không còn nhiều thời gian rãnh rỗi để tiêu phí vào những việc vô bổ như nhậu nhẹt say sưa, bài bạc hoặc các hoạt động phạm pháp khác.
Hơn nữa, người có công ăn việc làm thường phải bỏ cả thời giờ, công sức để đầu tư suy nghĩ về công việc sao cho có hiệu quả cao. Xã hội càng phát triển, nhu cầu con người càng cao, càng đòi hỏi sự hoàn thiện, hoàn mĩ cho sản phẩm. Do đó, người lao động, dù trí óc hay tay chân, cũng phải ít nhiều đầu tư công sức và thời gian, không còn thì giờ sa đà vào các thói hư tật xấu. Từ bác nông dân, công nhân đến người buôn bán, nhân viên, thư kí, bác sĩ, kĩ sư... tất cả đều có công việc riêng của ngành nghề mình. Dù là công việc lao động tay chân hay lao động trí óc, công việc nào cũng đòi hỏi sự cố gắng liên tục mới đạt được kết quả tốt đẹp.
Thử cầm lên tờ báo công an mà xem. Các thanh thiếu niên tiêm nhiễm thói hư tật xấu thường không được quan tâm giáo dục đúng hướng, lại không học hành, không lao động nên tiêu phí thời gian vào những điều tai hại: rượu chè, hút xách, bài bạc... Đó là trường hợp nhàn cư vi bất thiện như người xưa thường nói.
Thực vậy, đang tuổi thanh niên cường tráng, nếu không được hướng vào một hoạt động hữu ích nào, sinh buồn rầu, chán nản tất có ngày dồn sức lực vào hoạt động xấu xa ngoài ý muốn, bởi ban đầu chỉ để tiêu phí thời gian rồi buồn, sau thành thói hư khó sửa chữa. Điều đó cho ta thấy việc cố gắng lao động sẽ làm cho ta có mục đích tốt đẹp, sống có ý nghĩa, giúp ích cho bản thân và xã hội.
Cuối cùng, sự làm việc còn cho ta một thù lao nhất định, đủ bảo đảm cho ta một sức sống tối thiểu nào đó trong xã hội, tránh cho ta sự nghèo túng vì “miệng ăn núi lở”. Nhà nông muốn công việc có hiệu quả trước tiên phải cần cù, sau đó cần học hỏi về kĩ thuật chăm sóc các loại lúa và cây trồng. Tiêu biểu là anh Lê Văn Hai ở phường 4 quận 8 đã làm giàu trên mảnh đất ngập mặn của mình.
Ý kiến trên quả là có cơ sở đúng đắn nên từ đó, người ta đã có phương hướng để cải tạo, hướng dẫn cho các thanh thiếu niên phạm pháp học nghề và đồng với xã hội bằng nhũng nghề lương thiện, câu thơ còn ca ngợi vai trò, tác dụng to lớn của lao động trong việc cải tạo và chinh phục thiên nhiên, tạo ra nhũng thành quả vật chất và tinh thần cho xã hội.
Tất cả mọi của cải vật chất, tinh thần trong xã hội đều do sức lao động của con người mà có. Con người cày cấy, trồng trọt để có lương thực, con người còn vẽ tranh, nặn tượng, sáng tác âm nhạc, thơ văn để đời sống tinh thần thêm phong phú.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước ta đã phải trải qua bao cảnh tang tóc, bom đạn đã gây nên bao cảnh tàn phá điêu linh. Do vậy, hòa bình lập lại cũng là lúc nhân dân ta bắt tay xây dựng hàn gắn vết thương chiến tranh bằng chính bàn tay cần cù của mình. Mảnh đất xưa kia là chiến trường Điện Biên, thế mà chỉ mấy tháng sau, mầm sống đã lấm tấm xanh để trở thành nông trường Điện Biên. Củ Chi xưa kia là những ụ pháo, những vành đai chết, giờ đây do bàn tay cần cù của nhân dân đã trở thành trù phú xanh tươi. Những vùng đất hoang vu bạt ngàn rừng sát, rừng ngập mặn, giờ đây đã san sát những vườn tược và đồng lúa xanh tươi. Chính đôi bàn tay lao động với trái tim và khối óc của con người đã làm thay da đổi thịt mảnh đất hoang vu kia. Phải chăng sức lao động có khả năng giúp con người vượt qua mọi thử thách cao nhất?
Còn nữa, những công trình thủy điện Trị An, sông Đà mọc lên từ những vùng đất khô cằn, những chiếc cầu sông Hàn-Đà Nẵng, cầu Mĩ Thuận huyết mạch đã được xây dựng để nối liền những miền kinh tế khác nhau của đất nước. Những nhà máy, xí nghiệp mọc lên từ mọi miền đất nước để phục vụ cho những nhu cầu ăn ở của toàn dân như những nhà máy xi măng, những xí nghiệp chế biến hải sản và thực phẩm xuất khẩu, những xí nghiệp may. Những công trình lớn hơn như đường sắt Thống Nhất, xí nghiệp dầu khí Vũng Tàu và biết bao công trình lớn nhỏ khác nhau... tất cả đều do bàn tay cần cù và khối óc sáng tạo của con người xây dựng.
Từ đồng tiền kiếm được do mồ hôi, công sức của mình, chắc chắn con người sẽ hiểu rõ hơn giá trị của nó và không tiêu xài vô ích, không hoang phí. Cần kiệm cũng là đức tính cần thiết đáng quý của con người. Tóm lại, ý kiến của Vôn-te là bài học giá trị cho thanh thiếu niên ta sắp sửa bước vào xã hội, để lao động xây dựng và phát triển đất nước.