Đăng ký

Chứng minh: Quê hương đất nước đã chiếm một khoảng rộng trong trái tim tình yêu của Thơ mới

2,172 từ

Dựa vào các bài thơ Quê hương của Tế Hanh, Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ, Nắng mới của Lưu Trọng Lư và Nhớ rừng của Thế Lữ để làm sáng tỏ nhận định.

Quê hương đất nước đã chiếm một khoảng rộng trong trái tim tình yêu của Thơ mới.

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ đến Cách mạng tháng Tám 1945 là bộ phận khá quan trọng trong nền văn học nước nhà. Thời kì này xuất hiện nhiều mảng văn học với nhiều trào lưu khác nhau.
 
Nổi bật lên là sự ra đời của phong trào Thơ mới. Thơ mới đã mở ra cả một thời đại thi ca và làm xuất hiện nhiều nhà thơ tài năng. Bên cạnh các giá trị nghệ thuật, Thơ mới cũng đạt nhiều giá trị nội dung mang tính dân tộc.
 
Một trong những nội dung đó là tình yêu đất nước, chính nội dung này “đã chiếm một khoảng rộng trong trái tim tình yêu của Thơ mới”. Nội dung trên được phản ánh sâu sắc qua các tác phẩm Quê hương của Tế Hanh, Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ, Nắng mới của Lưu Trọng Lư và Nhớ rừng của Thế Lữ.
 
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước nhà mất chủ quyền, dân làm nô lệ, đất nước quằn quại trong đau thương, chìm ngập trong bóng tối, các nhà Thơ mới chán ghét thực tại, tìm đến những cảnh đẹp của quê hương đất nước để bày tỏ tấm lòng yêu nước thầm kín của mình.
 
Tế Hanh tìm về làng chài yêu dấu thân thương của mình trong bài “Quê hương”. Quê hương của nhà thơ là một làng chài ven biển êm vui, đầm ấm với những buổi sáng trong xanh, gió nhẹ, trời êm, dân trai tráng đưa nhau bơi thuyền ra khơi đánh cá. Nổi lên trên nền trời nước mênh mông là những cánh buồm trắng đang rướn mình mạnh mẽ "vượt trường giang", là những cánh tay trai làng vạm vỡ, khỏe mạnh:
 
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
 Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
 Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
 Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.
 
Cảnh những buổi dân làng sung sướng đón thuyền trở về cùng rạng rỡ trong tâm hồn nhà thơ. Cảnh có cái thanh thản của con thuyền trở về nằm nghỉ nồng nàn hơi thở mặn mòi của biển, cái mùi vị đặc biệt mà chỉ làng chài mới có. Làng chài êm ả, thanh bình đã làm cồn lên nỗi nhớ tha thiết trong lòng nhà thơ. Nhà thơ nhớ da diết từ con cá bạc, chiếc buồm vôi đến cái vị nồng nồng mằn mặn của quê hương. Phải yêu quê hương tha thiết, sâu nặng lắm, nhà thơ mới khắc họa được một bức tranh quê hương đầy đủ, sống động và tươi đẹp đến vậy.
 
Yêu quê hương đất nước, Đoàn Văn Cừ đã hướng tâm hồn mình về với những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc với cuộc sống sinh hoạt dân dã của quê hương. Một phiên chợ Tết vui tươi, sống động, rực rỡ màu sắc hàng hóa, của trang phục những người đi chợ Tết bừng sáng trong tâm hồn nhà thơ. Bức tranh chợ Tết có đủ gương mặt mọi người: già trẻ, gái trai, người mua kẻ bán đông vui, tấp nập. Nổi lên là hình ảnh cụ đồ nho “khoan khoái vuốt râu cằm, miệng nhẩm đọc vài ba câu đối đỏ” biểu hiện nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
 
Người vui, cảnh vật cũng vui, thiên nhiên mang tâm hồn ngưòi, cùng hòa vui vào tâm hồn người:
 
Sương trắng đỏ đầu cành như giọt sữa
 Tia nắng tía nhảy hoài trong ruộng lúa
 Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
 
Thiên nhiên đang mang hồn sống của quê hương trong những ngày giáp Tết. Cảnh vật đẹp và sống động như vậy, nhà thơ không yêu mến sao được.

Lưu Trọng Lư trở về với dòng hoài niệm tuổi thơ, những ngày còn mẹ. Hình ảnh mẹ hiện lên giữa khung cảnh thiên nhiên sáng màu nắng mới:
 
Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
 Lúc người còn sống, tôi lên mười
 Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.
 
Cả hai hình ảnh mẹ và thiên nhiên đã tạo nên gương mặt đẹp của quê hương, lúc này đang xôn xao thức dậy bừng sáng trong tâm hồn nhà thơ, khơi gợi lên bao nỗi nhớ, tình yêu quê hương tha thiết.
 
Thế Lữ đã gửi gắm tâm sự yêu nước thầm kín của mình vào lời con hổ trong bài thơ “Nhớ rừng”. Nhà thơ để con hổ quằn lòng nuối tiếc quá khứ vàng son, oanh liệt:
 
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những đêm mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu.
 
Phải chăng tâm trạng tiếc nuối quá khứ vàng son oanh liệt của con hổ cũng chính là tâm trạng tiếc nuối quá khứ anh hùng của dân tộc trong nhà thơ?
 
Là những trí thức tiểu tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước, rất ý thức mình cũng đang chịu chung số phận người dân của một dân tộc bị nô lệ, thế nhưng do chịu ảnh hưởng tư tưởng bạc nhược của giai cấp xuất thân sợ sức mạnh đế quốc, không dám đứng vào đội ngũ đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo lúc bấy giờ, các nhà Thơ mới đành gửi gắm tâm sự yêu quê hương đất nước của mình vào những bức tranh thiên nhiên, cuộc sống của dân tộc hoặc vào những tâm sự u hoài nuối tiếc quá khứ vàng son.
 
Dẫu sao chúng ta cũng ghi nhận và trân trọng trái tim yêu đáng quý ấy ở họ. Các nhà Thơ mới thực sự đã giành một khoảng rộng cho tình yêu quê hương đất nước trong trái tim yêu của mình.

shoppe