Đăng ký

Cảm nhận về truyện cổ tích “Chử Đồng Tử”

1,441 từ

Cảm nhận về truyện cổ tích “Chử Đồng Tử”

Truyện Chử Đồng Tử kể lại cuộc hôn nhân giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Đây là một mối tình đẹp của những con người có phẩm chất cao quý. Nhân vật được giới thiệu đầu tiên là Chử Đồng Tử.

Chàng sinh ra trong một gia đình rất nghèo, đến nỗi “hai cha cong phải chung nhau một cái khố, hễ ai đi đâu thì đóng”. Mặc dù trước khi chết, cha Chử Đồng Tử có dặn con: “Cứ táng trần cho bố, còn cái khố con cứ giữ lại mà dùng”, nhưng Chử Đồng Tử không nỡ làm theo lời cha dặn, mà “lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn”. Điều này chứng tỏ chàng là một người con có hiếu, biết thương cha hết mực. Từ xa xưa dân gian ta đã khẳng định tình thương là yếu tố hết sức quan trọng trong nhân cách một con người, và nó được thể hiện trước hết trong quan hệ với ông bà, cha, mẹ ruột thịt.
 
Nhân vật thứ hai cũng được giới thiệu ngắn gọn là nàng Tiên Dung. Nàng là một công chúa “có nhan sắc tuyệt trần, tuổi đã mười bảy, mười tám mà không chịu lấy chồng, chỉ thích chèo thuyền đi xem sông núi”, được vua cha hết lòng chiều chuộng. Như vậy, nàng là một người thật lí tưởng: có sắc đẹp, có tuổi trẻ, có một cuộc sống vương giả; nhưng cái đáng quý hơn cả là nàng có tâm hồn khoáng đạt, yêu tự do, thích hoà nhập với thiên nhiên sông núi.
 
Cuộc gặp gỡ kì lạ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử được xây dựng hấp dẫn chứng tỏ khả năng tưởng tượng hư cấu độc đáo, phong phú của người bình dân; giữa một phong cảnh thiên nhiên trong sáng dân dã, bãi sông rộng rãi, lại lác đác từng bụi cây lớn toả bóng mát êm dịu... một cô công chúa chăng màn dội nước tắm, nước chảy làm trôi cát theo, và bỗng nhiên, chàng trai không một tấm che thân trồi lên ...
 
Thế rồi, Tiên Dung chủ động tạo nên cuộc hôn nhân này. Như vậy, đây trước hết là cuộc hôn nhân tự do của những người tự do, được diễn ra một cách thật tự nhiên, giữa đất trời khoáng đạt. Một cô công chúa sinh ra ở nơi lầu son gác tía lại tự nguyện lấy một anh làm  nghề  “hèn  mọn” con  nhà  nghèo  đến nỗi cái khố che thân cũng không có.

Rõ ràng, đây là một cuộc hôn nhân trái với quan niệm phong kiến, mang tinh thần dân chủ sâu sắc bởi nét hồn nhiên và chất phác của nó. Trong mối tình này, hình ảnh Tiên Dung hiện lên thật đẹp: nàng chủ động đến với Chử Đồng Tử và có bản lĩnh bảo vệ cuộc hôn nhân mà mình đã lựa chọn. Khi vua cha nổi giận, nàng đã cùng chồng ở lại với nhân dân, tìm kế sinh nhai và “làm ăn ngày một thịnh vượng”.
 
Như vậy, chứng tỏ sống tự do, tự lập bằng chính sức lao động của  mình, như  trăm  ngàn  người  lao  động  bình  thường  khác  vốn  là ước  mơ  của người lao động. Chi tiết “Chử Đồng Tử gặp tiên, rồi hai vợ chồng có được cung điện lộng lẫy, giường sập, màn trướng, thị nữ và binh lính” cho ta thấy mơ ước của con người không khi nào dừng lại, và mơ ước khi đã trở thành phi thường phải gắn với phép màu của tiên. Tiên, một mặt phản ánh tư tưởng thần bí, nhưng mặt khác đã được dân gian hoá thể hiện ước mơ to lớn của người xưa.
 
Thế rồi, cũng như Thánh Gióng, Tiên Dung và Chử Đồng Tử “bay cả lên trời, chỉ còn lại bãi đất hoang ở giữa đầm”. Về sau, hai người còn phù hộ cho Triệu Việt Vương đánh thắng giặc Lương. Điều đó, một lần nữa thể hiện khát vọng được sống tự do phóng khoáng giữa đất trời, không màng danh lợi, thoát khỏi vòng cương toả trần tục; đồng thời mặt khác, cũng thể hiện trách nhiệm công dân đối với quê hương đất nước.

shoppe