Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Văn 11
Với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, Cunghocvui xin gửi đến các bạn bài Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, cụ thể là Cảm nhận khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Bài làm
Hàn Mặc Tử có thể coi là một nhà thơ đặc biệt và kì lạ nhất trong phong trào thơ mới. Thơ của ông thường thiên về khuynh hướng tôn giáo, khuynh hướng được siêu thoát, có một chút gì đó rất ma mị, siêu nhiên, huyễn hoặc, kì ảo. Nhưng tất cả những điều đó đều phản ánh khát vọng được giao cảm, hòa nhập với đời của chính tác giả này. Hàn Mặc Tử đã sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để nói lên nỗi lòng yêu đơn phương của mình với cô gái thôn Vĩ, khổ thơ đầu bài thơ thể hiện niềm mong ước, mong mỏi của nhà thơ muốn được về thăm thôn Vĩ.
Xem thêm Bình giảng khổ thơ đầu trong Đây thôn Vĩ Dạ
Dàn ý cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Nếu ai đã biết về cuộc đời của Hàn Mặc Tử, chắc hẳn đều cảm thấy xót xa cho số phận ngắn ngủi, éo le của ông. Ông mất khi mới chỉ 28 tuổi. Trước đó, Hàn Mặc Tử có yêu đơn phương một cô gái tên là Hoàng Thị Kim Cúc khi hai người cùng làm việc ở Sạc Điền - Quy Nhơn. Thầm thương trộm nhớ nhưng nhà thơ chưa dám bày tỏ tấm lòng mình, chỉ dám gửi vào tập thơ Gái quê. Một thời gian sau, Kim Cúc theo cha về quê là Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên bờ sông Hương của xứ Huế. Hai người không gặp lại nhau kể từ đó. Cho đến năm 1939, khi Hàn Mặc Tử phát hiện mình bị bệnh nan y thì mới viết bài thơ này để gửi về quê cho người con gái mình yêu. Khổ thơ đầu bài thơ là nỗi niềm mong mỏi muốn được gặp lại cô gái Hoàng Thị Kim Cúc nhưng không thành.
Câu thơ mở đầu đoạn thơ như là một lời trách móc nhẹ nhàng:
"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"
Ý thơ ở đây gợi ra hai cách hiểu. Cách thứ nhất có thể hiểu rằng, đây chính là lời trách móc của Kim Cúc đối với Hàn Mặc Tử, rằng tại sao lại không về thăm cô. Còn cách thứ hai thì đây có thể coi là lời tác giả tự trách móc mình, rằng tại sao không kịp về thăm thôn Vĩ Dạ sớm hơn. Nhà thơ sử dụng từ "chơi" thay vì từ "thăm" cho thấy sự thân quen của thôn Vĩ Dạ, như là một địa điểm thân thuộc đã đi về nhiều lần chứ không phải là lần đầu ghé thăm. Đúng như câu nói của dân gian xưa: "Yêu nhau yêu cả đường đi lối về", khi Hàn Mặc Tử nhớ đến người yêu, nhà thơ nhớ ngay đến quê hương của người con gái ấy, như là một sự trân trọng, một tình cảm rất lớn dành cho Kim Cúc. Nhà thơ không chỉ yêu nàng mà còn yêu cả quê hương, yêu cả nơi có bóng hình cô gái ấy. Một lời trách móc nhưng lại không hề nặng nề, chỉ nhẹ nhàng, gửi gắm vào đó niềm mong mỏi được một lần đến cố đô Huế của tác giả.
Nhớ thôn Vĩ, cảnh tượng của làng quê xứ Huế mộng mơ hiện ra dần dần trong tâm tưởng của thi nhân:
"Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên"
Điệp từ "nắng" được nhắc lại đến hai lần, gợi liên tưởng đến cái nắng của miền Trung, một cái nắng khá gay gắt bởi mặt trời thường mọc lên rất sớm. Khi mặt trời bắt đầu mọc, tỏa những tia nắng đầu tiên xuống thì cây cau - loài cây cao nhất trong vườn - sẽ là cây đón lấy những ánh nắng đầu tiên. Những hàng cau thẳng tắp nối đuôi nhau gợi ra điểm nhìn của tác giả. Nhà thơ như đang xuất hiện trong chính tâm thức của mình, đang ngắm nhìn cảnh vật từ phía trước, không thể thấy được từng cây cau phía sau vì nó được trồng thẳng nhau. Chỉ thông qua một câu thơ thôi cũng đủ để thấy sự quan tâm và vốn hiểu biết của tác giả về xứ Huế - vùng đất mà nhà thơ chưa từng được đặt chân đến. Câu thơ tiếp theo là một sự so sánh tuyệt đẹp:
"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"
Đại từ phiếm chỉ "ai" diễn tả sự mơ hồ, không rõ ràng. Nhưng trong cái sự mơ hồ ấy là một sự khẳng định chắc nịch về trạng thái của sự vật. Cả khu vườn dưới cái nắng gay gắt nhưng không hề khô héo, tàn phai mà như đang khoác lên mình một tấm áo xanh mướt. Nhà thơ ví sự tươi tốt đó bằng cụm từ "xanh như ngọc" cho thấy sự mượt mà, tốt tươi của cây cối nơi đây. Ta cảm nhận được nhà thơ đang dùng con mắt của một người đang yêu, của một người đang say mê với cuộc đời để nhìn ngắm và liên tưởng tới cảnh vật, chứ không phải là cái nhìn của một con người đang mắc bệnh nan y. Rõ ràng, nhà thơ có một tinh thần rất lạc quan, khiến cho người đọc thấu hiểu được tâm hồn cũng như tâm trạng của thi nhân ngay lúc này.
Nếu như ba câu thơ đầu là sự xuất hiện của thiên nhiên xứ Huế thì đến câu thơ cuối đã có sự xuất hiện của người mà tác giả thầm thương trộm nhớ bấy lâu nay:
"Lá trúc chen ngang mặt chữ điền"
Hình ảnh khuôn mặt của người con gái Hoàng Thị Kim Cúc không xuất hiện trọn vẹn mà bị che đi bởi lá trúc, nhà thơ muốn lột tả sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người xứ Huế. Khuôn mặt chữ điền vuông vắn, hiền lành như đang được tôn lên bởi cành lá trúc mảnh mai, thanh tú. Hình ảnh thơ không những đẹp mà còn rất độc đáo, cho thấy sự trầm trồ, say đắm của thi nhân với người con gái mình yêu. Đến đây, ta có thể phỏng đoán rằng đại từ phiếm chỉ "ai" ban đầu có lẽ là chỉ cô gái, nhà thơ có lẽ đã ngỡ ngàng nhưng đến khi nhìn thấy khuôn mặt mới có thể khẳng định chắc chắn được. Tóm lại, chỉ qua khổ thơ đầu tiên, ta thấy được tấm lòng mong mỏi được đến thăm người yêu của Hàn Mặc Tử, nhà thơ miêu tả thiên nhiên mà người con gái xứ Huế với những nét dịu dàng, đằm thắm, thơ mộng, đáng yêu..... Sao mà không cảm mến cho được những vẻ đẹp quyến rũ ấy?
Khổ thơ đầu bài thơ tuy ngắn nhưng đã lột tả được tâm trạng cũng như nỗi lòng của Hàn Mặc Tử muốn gửi gắm đến người mình thương. Ta thêm trân trọng tấm lòng của nhà thơ, rằng dù đang mắc bệnh nan y nhưng Hàn Mặc Tử vẫn muốn bày tỏ niềm khao khát mạnh mẽ được thăm cô gái, được thấy thiên nhiên tươi đẹp của xứ Huế mộng mơ.
Thông qua bài Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, cụ thể là Cảm nhận khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Cunghocvui hy vọng các bạn sẽ có thêm một tài liệu hữu ích để cảm nhận văn học sâu sắc hơn. Chúc các bạn học tốt!