Đăng ký

Bình luận: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời"

5,038 từ

Bình luận về ý kiến sau: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống”

Cái chết tách con người ra khỏi cuộc sống thực tại, khỏi mối liên hệ với loài người Đó là một mất mát rất lớn. Nhưng liệu trong thế giới này còn có mất mát nào lớn hơn không? Cuộc sống có ý nghĩ không phải là có thêm nhiều ngày tháng để sống mà 1à những ngày tháng bạn có, bạn đã sống như thế nào. Có lẽ cũng xuất phát từ những quan điểm như vậy mà Noóc-man Ku-sin đã từng nói: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống”, (theo Những vòng tay âu yếm - NXB Trẻ, 2003).

Cái chết là qui luật mà không ai có thể tránh khỏi. Câu chuyện về liều thuốc trường sinh bất tử chỉ mãi là câu chuyện trong tưởng tượng và con người vẫn trải qua vòng quay của sinh - lão - bệnh - tử. Cái chết sẽ đến vào một ngày nào đó như một điều tất yếu. Cuộc sống tươi đẹp. Con người đang sống trong đó phải ra đi mãi mãi là một sự mất mát lớn, với bản thân họ và với những người xung quanh. “Mất mát” là từ dùng để chỉ những thứ đã qua đi không thể nào lấy lại được gây cho người mất cảm giác tiếc nuối. Sự mất mát có thể về vật chất cũng có thể là tình cảm. Đối với con người, tình cảm bị mất mát mới đáng là điều gây đau khổ nhiều nhất. Cái chết cũng là sự mất mát không chỉ đơn thuần về mặt thể xác mà quan trọng hơn là về mặt tinh thần. Người ở lại chịu một vết thương lớn, một nỗi đau không gì có thể bù đắp được. Người ta thường nói: “Chết là hết” bởi thế nên sự sống có ý nghĩa thực sự quan trọng. Nhưng đó là ở thời điểm kết thúc. Còn có một thời điểm nữa đang tiếp diễn, con người vẫn để cho mình rơi vào những cái chết về tâm hồn: chết ngay khi đang sống. Việc để cho “tâm hồn mình tàn lụi ngay khi đang sống” chính là dạng biểu hiện khác của sự mất mát và theo Ku-sin mới thực sự là điều mất mát lớn nhất, đáng tiếc nhất. Một tâm hồn tàn lụi là tâm hồn mất đi hết sự sống và niềm vui sống. Nó có thể biểu hiện ở thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của con người với cuộc sống xung quanh, để cho cuộc sống trôi qua là những ngày nhạt nhẽo, vô vị, không có một chút ý nghĩa,... Cũng giống như mảnh vườn bị nắng hạn, không sớm thì muộn nó cũng sẽ bị héo úa, tàn tạ mà thôi.
 
Bằng cách đưa ra một phản đề để so sánh, Ku-sin đã đặt ra cho con người nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ. Xưa nay người ta vẫn tưởng cái chết sẽ là sự mất mát lớn nhất nhưng không phải vậy. Bởi vì, với cái chết thuộc về thể xác, cảm giác mất mát chỉ được cảm nhận từ những người còn sống, còn với những cái chết thuộc về tinh thần, không chỉ là sự mất mát lớn trong cảm nhận của người xung quanh mà còn là đối với chính con người đó. Đây đã là một phần lí do giúp ta hiểu được ý kiến của Ku-sin. Có thể ví tâm hồn con người giống như một vườn hoa. Nó sẽ rất đẹp khi nó căng tràn sự sống. Từ vườn hoa ấy sẽ cống hiến cho đời những bông hoa đầy hương sắc. Ngược lại, cũng vườn hoa ấy nhưng không thể mang đến cho con người xúc cảm thẩm mĩ về cái đẹp nếu như nó tàn lụi, héo úa. Lúc đó, sự tồn tại của vườn hoa là vô nghĩa, thậm chí còn là một sự phản cảm. Cái chết về thể xác là qui luật tất yếu của tự nhiên mà con người không thể tránh. Vì thế nó là một mất mát tuy đau đớn nhưng có thể chấp nhận được hay nói đúng hơn là bắt buộc phải chấp nhận. Còn cái chết thuộc về tinh thần, chết ngay khi con người đang còn sống là điều không thể tha thứ. Con người ở trên đời không chỉ với nghĩa tồn tại mà còn là sống, sống một cách hoàn toàn và đúng nghĩa. Họ làm chủ số phận của mình và quyết định việc nó sẽ phát triển theo chiều hướng nào. Đó là một ý nghĩa đẹp. Những người không làm được là đã đánh mất đi chính cuộc sống của mình. Hơn thế nữa, sự tàn lụi là biểu hiện cho một tâm hồn bị khuyết tật, nó không chỉ có ảnh hưởng xấu đến bản thân người sở hữu mà còn gây ảnh hưởng xấu đến cả những người xung quanh, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Như thế có nghĩa mất mát lớn nhất chính là ở việc con người để cho tâm hồn mình tàn lụi ngay khi đang sống. Ý kiến của Ku-sin có ý nghĩa như một lời kêu gọi con người hãy sống sao cho có ý nghĩa, để cho tâm hồn mình luôn tươi trẻ và đầy sức sống. Giống như Paven trong câu chuyện “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn người Nga Ôx-trốp-xki đã từng nói: Con người ta sống trên đòi chỉ có một lần. Điều quan trọng là phải sống sao cho sau này không phải nuối tiếc vì những năm tháng đã “sống hoài sống phí”. Sự gặp nhau trong ý nghĩa của những câu nói chính là sự gặp nhau của chân lí, của một lối sống tích cực. Có thể nói “sống hoài sống phí” cũng chính là biểu hiện của một tâm hồn tàn lụi. Chính bằng những cống hiến đẹp đẽ cho cách mạng, Pa-ven và những người chiến sĩ như anh đã góp phần làm nên chiến thắng của nước Nga Xô Viết vĩ đại. Đặt trong thời điểm lịch sử cụ thể của tác phẩm, lối sống tích cực và có ý nghĩa của con người chính là việc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Đó là mục đích cao nhất của toàn dân tộc cũng như bản thân mỗi con người. Cuộc đời chiến đấu dũng cảm của Pa-ven đã là một minh chứng cho mục đích và lối sống cao đẹp đó. Anh trở thành biểu tượng đẹp cho biết bao người, không chỉ ở nước Nga, học tập và noi theo. Cũng chỉ có một đời sống như bao người khác nhưng những gì mà Pa-ven làm được thì không phải ai cũng có thể làm. Có thể nói Pa-ver đã tránh được điểu mất mát lớn nhất và đáng sợ nhất trong cuộc đời để không “sống hoài, sống phí” cũng là vì lẽ đó.

Ta có thể nhận thấy được tính đúng đắn của quan niệm này rất nhiều trong thực tế cuộc sống cũng như trong văn chương. Ca dao, tục ngữ là sự đúc kết chân thực từ đời sống. Cha ông ta xưa đã không ít lần nói đến ý nghĩa về cuộc sống của con người. “Hổ chết để da, con người ta chết để tiếng”. Cái chết cướp đi ý nghĩa tồn tại mang tính vật chất, thể xác nhưng không thể lấy đi những tồn tại về mặt tinh thần Những gì con người đã làm khi sống sẽ vẫn còn để lại dư âm ngay cả sau khi họ đã chết. Đó là thứ tồn tại thuộc về tinh thần và nếu như nó thực sự có ý nghĩa thì sẽ còn mãi trong tâm trí những người ở lại. Cái chết gây nên sự xót thương nhưng cái chết cũng là thứ để kiểm nghiệm cho giá trị cuộc sống của con người trước đó.
 
Trong tác phẩm văn học của các tác giả hiện đại, cùng với ý thức về sự trôi chảy của thời gian và cái hữu hạn của đời người, thì vấn đề sống một cuộc sống có ý nghĩa ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Xuân Diệu, nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời đã thể hiện điều đó thật mãnh liệt:
 
Thà một chút huy hoàng rồi chợt vụt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
 
Xuân Diệu viết “Toả nhị Kiều” kể về cuộc sống vô nghĩa của con người. Nhân vật chính là hai cô gái, một cô tên Quỳnh, một cô tên Giao, không xinh mà cũng không xấu, không ngây thơ mà ngây ngây thơ thơ như “hai hạt cơm nguội”. Cuộc sống của các cô là những chuỗi ngày đứng nhìn ra ngoài cửa sổ với ánh mắt vô cảm. Cuộc đời người thiếu nữ và những khát khao tuổi thanh xuân hoặc không hề có hoặc đã sớm bị tàn lụi. Hai cô sống như cái bóng của chính mình, đứng ngoài để chứng kiến sự sống đang chảy trôi không yêu thương, không giận hờn, không tiếc nuối... Có thể nói Xuân Diệu đã dùng những hình ảnh đầy tính biểu tượng và chất triết lí để diễn tả về một cuộc sống hoàn toàn mờ nhạt và vô nghĩa lí. Ông gọi đó là “cái ao đời phẳng lặng”. Còn gì rời rạc và đáng chán hơn những hạt cơm nguội? Và cũng còn gì đáng chán hơn cái “ao đời phẳng lặng” không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành một vũng nước đọng, ao tù? Vói một người luôn quí trọng từng giây từng phút để sống, tận hưởng và yêu thương như Xuân Diệu đây là một điều không thể chấp nhận. Vượt lên trên bầu không khí u ám nặng nề do cuộc sống đó mang lại tác phẩm của ông như một tiếng thét phá tung sự mờ nhạt, vô nghĩa, hướng con người đến một lối sống tích cực. Bản thân nhà thơ tuy còn những nét này khác nhưng cũng tiêu biểu cho một lối sống hết mình như thế.
 
Ý thức được về ý nghĩa cuộc sống là một điều đáng quí nhưng từ đó có hành động thay đổi cuộc sống theo hướng tốt lên còn là một điều quan trọng và có ý nghĩa hơn. Cái chết về mặt tâm hồn là điều mất mát lớn nhất. Vậy phải làm sao để con người tránh được điều mất mát ấy, tức tránh được sự tàn lụi về tâm hồn? Trả lời câu hỏi này cũng đồng nghĩa với việc ta đi tìm câu trả lời nhằm vươn tới một lối sống tích cực trong mọi thời đại.

Trước hết, mỗi người cần ý thức được sâu sắc đâu mới là ý nghĩa đích thực trong cuộc sống? Ý nghĩa cuộc sống liệu chỉ đơn giản dừng lại ở việc tồn tại? Hoàn toàn không phải như vậy. Có nhũững người vẫn sống nhưng chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Ngày tháng trôi đi chỉ là sự buồn chán, tẻ nhạt, không gợi bất cứ một dư vị gì. Người trí thức trong văn Nam Cao trong giai đoạn sáng tác trước cách mạng cũng nằm trong số đó. Bắt gặp trong tác phẩm của ông những “đời thừa”, những “sống mòn” mà cuộc sống cứ đang ngày càng “mòn đi, rỉ ra, mốc lên". Hộ (Đời thừa) thấy mình chi là một kẻ sống đời thừa vì anh chưa bao giờ thực sự tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Gánh nặng “áo cơm đè sát đất” khiến người tri thức vướng phải những bi kịch đau đớn: bi kịch của một người có khát vọng lớn nhưng lại vấp phải thực tại cuộc sống phũ phàng. Bi kịch của một người vi phạm lẽ sống tình thương của chính mình. Mâu thuẫn và bế tắc, anh chán nản, đối xử tàn nhẫn với vợ con. Tự lên án lối sống “đời thừa” của mình, nhân vật thể hiện tư tưởng tiến bộ của chính tác giả. Thứ trong “Sống mòn” luôn bị ám ảnh bởi lối sống nhỏ nhen, ích kỉ của mình đối với đồng nghiệp. Những hành động đê tiện, những suy nghĩ và tham vọng xấu xa làm cho anh ta cảm thấy hổ thẹn với lương tâm nhưng nó cũng vẫn luôn thường trực trong tâm trí. “Sống mòn” mà cũng có nghĩa là chết mòn. Nó thậm chí còn làm cho người ta cảm thấy nhức nhối hơn cả cái chết về mặt thể xác. Chết ngay khi đang còn sống. Đó chẳng phải mất mát lớn nhất của con người đó sao? Nhân vật của Nam Cao đáng thương bởi ý thức được bi kịch mình đang mắc phải nhưng vẫn vi phạm nó và bế tắc, không tìm ra lối thoát. Nhưng có lẽ hai cô gái trong “Toả nhị Kiều” còn là hai kẻ đáng thương hơn nhiều. Con người biết được sai lầm của mình sẽ có cơ hội để sửa chữa. Kẻ không nhận thức được sẽ sống mãi trong vòng luẩn quẩn của chính mình một cách vô nghĩa lí. Tâm hồn tàn lụi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để “tươi lại” thêm một lần nữa. Đó chính là bất hạnh lớn nhất.

Đọc “Hoá thân” của F. Káp-ka một lần nữa người ta thêm thấm thía cho sự mất mát lớn nhất: chết về mặt tinh thần. Sam-sa bị chết vì quả táo cắm vào thân người mà không thể lấy ra được nên bị thối rữa, chết vì không nhận được sự chăm sóc của người thân trong gia đình nhưng đó chỉ là cái chết về thể xác, cái chết dưới hình hài một con bọ. Còn cái chết thực sự, cái chết của một con người ở nhân vật này đã bắt đầu ngay từ chính cuộc sống mờ nhạt và vô nghĩa của anh trước đó. Hình dáng bọ là một hình ảnh mang tính biểu tượng cho và sự hoá thân chính là tượng trưng cho kết thúc tất yếu của những người sống vô nghĩ. Káp-ka đã dùng cái phi lí để diễn tả một chân lí trong thực tế. Nó gợi cho ta biết bao nỗi ám ảnh về con người.
 
Cũng phải nhận thấy một điều rằng, ý thức được đã khó nhưng để thay đổi thì càng khó hơn. Không phải ngay từ đầu Pa-ven đã có thể nhận ra ngay chân lí về một cuộc sống có ý nghĩa. Anh đã phải trải qua cuộc đấu tranh gay gắt về tinh thần, thậm chí cũng đã có lúc đi lạc lối. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng, anh đã vượt qua cái vô nghĩa của một kẻ sống không lí tưởng, tham gia cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, hoà mình vào dòng chảy chung của dân tộc để cảm nhận được sâu sắc hơn ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Hạnh phúc đích thực chỉ đến lúc này mới là thực sự.
 
Có thể nói, ý kiến của Ku-sin đã mang đến cho con người bài học về một lối sống tích cực, sống cuộc sống có ý nghĩa đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Cần phải nhận thức được ý nghĩa đích thực trong cuộc sống để ngày càng trở nên hoàn thiện và tốt đẹp hơn.

shoppe