Đăng ký

Bình luận bài ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn"

2,717 từ

Bình luận bài ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn"

Nói về đạo làm con đối với cha mẹ, nhân dân ta có bài ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Hãy bình luận nội dung bài ca dao đó.

Trong mấy nghìn năm dựng nước nhân dân ta đã hình thành những truyền thống tinh thần cao đẹp, vững bền. Bên cạnh các truyền thống yêu nước, thương người, yêu hòa bình, trọng chính nghĩa, trong phạm vi quan hệ gia đình cũng hình thành những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp. Nói về tình cảm, nghĩa vụ giữa con cái đối với cha mẹ, ca dao có bài:
 
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
 
Bài ca dao nghe như lời khuyên, mà cũng như lời suy tôn cha mẹ và tâm nguyện của con cái đối với cha mẹ trên hai vấn đề: ghi nhớ công ơn cha mẹ và hết lòng hiếu thảo với cha mẹ.
 
Công ơn cha mẹ xưa nay được người Việt Nam đánh giá rất cao:
 
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Còn lời suy tôn nào xứng đáng và chính xác hơn lời suy tôn đó. Núi Thái Sơn ở Trung Quốc nổi tiếng là một ngọn núi cao, bề thế, vững chãi nay đem ví với công lao người cha đối với con cái, thật không có gì đúng hơn. Trong gia đình, người cha là trụ cột, là chỗ dựa vững chắc để cho con cái được lớn lên yên lành. Tục ngữ Việt Nam xưa cũng có câu:
 
“Con có cha như nhà có nóc”
 
Nóc đối với nhà rất quan trọng, không có nóc, không thành nhà. Nóc là nơi cao nhất, và là nơi nối hai mái, đảm bảo cho ngôi nhà vững chãi, không sập, đủ sức che chở cho mọi người trong nhà. Người cha chẳng những đảm bảo việc nuôi dạy con cái, làm gương cho con cái trong các quan hệ ruột thịt và xã hội, mà còn có trách nhiệm gây dựng cho con cái nữa. Chỉ cần nhìn vào số phận những trẻ em bất hạnh bị mồ côi cha nheo nhóc như thế nào thì có thể đồng cảm hoàn toàn với câu ca dao đó.
 
Công ơn người mẹ cũng to lớn không kém:
 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 
“Nghĩa” đây là ơn nghĩa, tình nghĩa. Ngoài cái tình mang nặng đẻ đau, người mẹ là người bú mớm bồng bế nuôi con từ tấm bé. Ví tình mẹ như nước trong nguồn thật là xác đáng. Nước nguồn trong suốt và không bao giờ cạn khô. Nó nói lên tình thương yêu con cái của người mẹ là vô bờ bến. Đây là điểm khác với tình yêu con của người cha. Người cha yêu con luôn luôn đòi hỏi con họ vẻ vang. Trái lại người mẹ yêu con thương không đòi hỏi gì, bởi đó là hòn máu do mẹ dứt ruột đẻ ra, chỉ biết một lòng thương yêu, chăm chút.
 
Gộp chung lại công ơn cha mẹ đối với con cái thật là to lớn. Nhưng ở đời không phải mọi cái to lớn đều dễ được ghi nhận. Khi ta sinh ra tình thương yêu chăm chút của cha mẹ đã có rồi. Ta đón nhận tình thương yêu đó như không khí, ánh sáng trong suốt, ấm áp, nên không dễ cảm thấy được. Chỉ những ai bất hạnh mồ côi cha mẹ mới thấm thía sự thiếu hụt này. Chính vì vậy, câu ca dao khẳng định công lao này là hết sức cần thiết. Nó nhắc nhở cho ai trót dại xem thường cha mẹ phải biết hồi tâm.

Nhưng bài ca dao nói tới công lao cha mẹ để nhắn nhủ nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ. Người xưa đòi hỏi nghĩa vụ con cái đối với cha mẹ rất cao:
 
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
 
“Một lòng” nghĩa là toàn tâm toàn ý, chân thành. “Cho tròn “ nghĩa là thực hiện trọn vẹn các yêu cầu của chữ “hiếu”. Chữ “hiếu” ở đây yêu cầu trước hết ở việc
“thờ mẹ kính cha”. Thờ và kính, nghĩa là phải cung kính, tôn trọng cha mẹ. Thờ mẹ kính cha trước hết phải biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ. Không gì buồn khổ cho cha mẹ hơn là việc con cái không biết vâng lời. Cũng không gì nguy hại cho con cái hơn là không biết vâng lời cha mẹ. Ca dao xưa nói:
 
“Cá không ăn muốn cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
 
Trở thành một người hư hỏng, như trộm cắp, cờ bạc, lêu lổng, chẳng những phụ công nuôi dạy của cha mẹ, mà còn đem lại sự hổ thẹn, đau khổ cho cha mẹ nữa. Ca dao xưa cũng từng khuyên:
 
Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thời dệt gấm thêu hoa
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
Trai thời đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ đại khoa.
Nữa mai nối đặng nghiệp nhà
Trước là mát mặt, sau là hiển thân.
 
Rõ ràng thời nào cha mẹ cũng mong con cái được sung sướng và được vẻ vang. Như vậy, cùng với việc vâng lời cha mẹ là phấn đấu tu thân lập nghiệp để cha mẹ vui lòng. Dĩ nhiên, đối với thế hệ trẻ ngày nay con đường lập nghiệp mở ra nhiều hướng, chứ không phải chỉ có nghề canh cửi và một đường đỗ đạt làm quan như ngày xưa. Suy rộng ra muốn thờ mẹ kính cha cho tốt thì con cái phải tu dưỡng, học tập để thành người công dân tốt hữu ích cho xã hội.
 
Nội dung thứ ba của thờ mẹ kính cha là khi cha mẹ già yếu, con cái phải biết phụng dưỡng, chăm lo một cách cung kính. Có nuôi dưỡng mà kể công, hắt hủi, thì đó là bất hiếu. Người xưa đã nói:
 
“Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng.
Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”
 
Hàm ý chê trách những ai kể công với cha mẹ. Nuôi dưỡng cha mẹ phải cung kính để cha mẹ khỏi tủi thân già yếu.
 
Đạo hiếu như trên rõ ràng không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi gia đình, mà có ảnh hưởng to lớn đối với đời sống xã hội. Khi con cái biết vâng lời cha mẹ, khi thế hệ trẻ biết tu dưỡng lập nghiệp, khi con cái biết phụng dưỡng cha mẹ già, thì lúc đó ta sẽ có một xã hội tốt đẹp, một môi trường nhân văn. Chính vì vậy đạo làm con không chỉ là vấn đề của gia đình mà còn là vấn đề của xã hội.

Chữ hiếu trong bài ca dao có lẽ mang một nội dung nhân đạo, mộc mạc, không như đạo hiếu theo quan niệm phong kiến chật hẹp. Đạo hiếu phong kiến có những yêu cầu rất khắt khe, như con không được làm ngược ý muốn của cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, cha mẹ còn sống thì con cái không được đi xa; con trai phải đẻ cho được con trai để nối dõi tông đường, nếu nhà chỉ còn gái thì coi như bất hiếu. Đạo hiếu đó buộc con cái nhiều khi phải nhắm mắt làm theo ý muốn sai trái, ích kỉ của cha mẹ, hạn chế khả năng lập nghiệp của con cái, hoặc gây tư tưởng trọng nam khinh nữ, dẫn đến sinh đẻ vô kế hoạch. Chính vì vậy, khẳng định yêu cầu con cái phải hiếu thảo đối vói cha mẹ, chúng ta cũng ngăn ngừa việc phục hồi những yêu cầu lạc hậu của tư tưởng phong kiến, hạn chế khả năng phát triển của thế hệ trẻ.
 
Tóm lại, một bài ca dao ngắn mà vừa thể hiện được lòng biết ơn của con cái, sự đánh giá cao công ơn của cha mẹ, vừa thể hiện yêu cầu “thờ mẹ kính cha” rất nhân văn. Hiểu đúng tinh thần đó, phát huy tinh thần đó, đạo làm con chẳng những góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn góp phần làm cho xã hội tốt đẹp, lành mạnh. 

shoppe