Đăng ký

BÀI CẢM NHẬN NHÂN VẬT MỊ TRONG VỢ CHỒNG A PHỦ DỄ HIỂU VÀ HAY NHẤT

3,719 từ Cảm nhận

Bài cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ

     Mị là nhân vật chính trong tác phẩm vợ chồng A Phủ. Thông qua nhân vật này, tác giả muốn chúng ta thấy và hiểu được số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa cũng như vẻ đẹp tiềm ẩn của họ. Bài cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều đó.

 Cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ- CungHocVui

Cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ

Mở bài

     Vùng rừng núi Tây Bắc nên thơ, xinh đẹp đã từng đi vào thơ ca của rất nhiều bậc văn nghệ sĩ. Đó là bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng hay đó là bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên. Thơ và văn xuôi song hành để làm nên diện mạo của nền văn học nước nhà. Viết về Tây Bắc không chỉ có những vần thơ trữ tình mà còn có những áng văn xuôi độc đáo. Trong đó phải kể đến tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Qua tác phẩm, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên Tây Bắc, mà qua đó ta còn chiêm nghiệm về đời sống của con người ở nơi đây. Nhân vật Mị đã góp phần thể hiện thành công điều ấy.

Xem thêm:

Tóm tắt vợ chồng A Phủ hay nhất

Hoàn cảnh sáng tác vợ chồng A Phủ

Phân tích nhân vật Mị hay nhất có dàn ý

Thân bài cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A phủ

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

     Tô Hoài là nhà văn ưu tú của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là cây bút có sự am hiểu tường tận về phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau, đặc biệt là miền núi. “Vợ chồng A Phủ” được sáng tác năm 1952, trích trong tập “Truyện Tây Bắc” điển hình cho phong cách sáng tác của nhà văn. Thành công và sức hấp dẫn chính của tác phẩm là ở chỗ Tô Hoài đã xây dựng nhân vật Mị với quá trình diễn biến tâm lí sâu sắc. Qua đó, nhà văn đồng thời cho thấy số phận của người dân lao động miền núi và vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt toát lên ở họ.

Vẻ đẹp của Mị trước khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra (Khi còn ở nhà với bố)

Cảm nhận về nhân vật Mị trong tác phẩm vợ chồng A Phủ- CungHocVui

Cảm nhận về nhân vật Mị trong tác phẩm vợ chồng A Phủ

     Mị là cô gái xinh đẹp và tài hoa của vùng rừng núi Tây Bắc. Cô có tài thổi sáo hay đến mức “Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Cô xuất thân trong gia đình nghèo khó. Nếu không vì món nợ truyền kiếp của gia đình thì có lẽ Mị sẽ mãi là bông hoa ngát hương của miền Tây Bắc. Cô yêu đời, yêu tự do, với khát khao tự chủ mãnh liệt. Mị không ham mê phú quý giàu sang, cô sẵn lòng “làm nương ngô giả nợ thay cho bố”, chỉ mong rằng bố đừng bán mình cho gia đình giàu có. Bên cạnh phẩm chất hiếu thảo, Mị còn là một cô gái chăm chỉ lao động. Cô “biết cuốc nương làm ngô” và làm việc không quản ngại khó khăn bao giờ. Qua đó, Tô Hoài đã khéo léo xây dựng cô thiếu nữ miền sơn cước hội tụ nhiều vẻ đẹp, xứng đáng có được một cuộc hôn nhân và một cuộc sống hạnh phúc.

Cuộc sống thống khổ của Mị những ngày đầu và sau một thời gian về làm dâu nhà thống lý

     Mị xứng đáng có được một cuộc sống tự do và hạnh phúc. Nhưng điều đó chỉ đến khi cô đã trải qua hết thảy những dằn vặt, đớn đau mà gia đình thống lý đã gây ra. Lúc mới về làm dâu, Mị vô cùng khổ sở: “có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Mị khóc cho số phận ngang trái, khóc cho cuộc đời bể dâu. Một cô gái yêu đời, yêu tự do như Mị giờ đây phải chịu trói chặt cuộc đời mình bởi ba thế lực tàn bạo: Cường quyền, thần quyền, nam quyền.

     Ở nhà thống lý, Mị phải chịu đựng sự hành hạ và chấp nhận một cuộc hôn nhân không tình yêu. Với tính cách và lòng khát khao tự chủ, Mị đã phản kháng bằng cách trốn khỏi nhà thống lý. Thậm chí, cô còn muốn dùng cái chết để tự cứu lấy mình khỏi những thế lực hữu hình và vô hình đang hiện diện trong gia đình đó. Nhưng trái tim hiếu thảo của một người con, khiến Mị phải nén nỗi buồn của mình xuống và tiếp tục sống ở nhà thống lý.

     Từ một thiếu nữ miền núi Tây Bắc xinh đẹp và yêu đời mãnh liệt cho đến một cô Mị mất dần hết ý thức của sự sống. Mang tiếng là con dâu của một gia đình giàu có nhưng thực chất, Mị chỉ là đứa con dâu gạt nợ, một nô lệ không công. Nếu không thì trái tim Mị cũng đâu vì thế mà trở nên tê liệt bởi: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Mị bắt đầu “cuộc sống mới” với sự lầm lũi, không nói, không cười, không buồn nghĩ ngợi. Ngay cả đến nỗi phẫn uất ngày nào và ý định chết bằng nắm lá ngón cũng không còn nữa. Cuộc sống đưa đẩy khiến cho bông hoa Tây Bắc không còn muốn tỏa hương nữa, mà chấp nhận an phận, phó mặc cho hoàn cảnh.

Xem thêm:

Dàn ý chi tiết phân tích tác phẩm vợ chồng A Phủ

Văn mẫu phân tích vợ chồng A Phủ chi tiết

Cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ qua Sức sống tiềm tàng trong đêm tình mùa xuân

     Tận cùng của nỗi đau khổ là khát khao cháy bỏng về cuộc sống hạnh phúc. Mị chỉ cần có lý do để thổi bùng những rạo rực ẩn giấu bấy lâu trong lòng. Khung cảnh nên thơ và không khí mùa xuân về trên Hồng Ngài đã đã tác động đến tâm hồn héo úa lâu nay của Mị. Trên đầu núi, nương ngô, nương lúa đã được gặt xong, giữa lúc “gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng”, gió và rét tuy dữ dội nhưng vẫn không khiến cho con người chùn bước trước những cuộc chơi trong mùa xuân đang về. Mị cũng bắt đầu hòa theo tiết trời, không khí ấy mà dần hồi sinh và tràn đầy sức sống.

     Tô Hoài đã sử dụng nhiều yếu tố bên ngoài để tác động vào nhân vật. Đó không chỉ là khung thiên nhiên mùa xuân mà còn có tiếng sáo gọi bạn tình, bữa rượu đón năm mới, … Mị đã nghe thấy tiếng sáo và cô đã nhẩm thầm theo lời bài hát. Mị đã lén lấy hũ rượu ra uống như thể để cô quên đi cái phần đời đau khổ đã qua. Có lẽ rượu đã phần nào giúp Mị sống cho ra sống, giúp cô nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp lúc mình còn là một thiếu nữ tự do. Lúc đó, Mị uốn chiếc lá trên môi, “thổi lá cũng hay như thổi sáo”.

     Mị ý thức mình vẫn còn trẻ, càng ý thức được nhu cầu hiện tại của mình. Mị muốn đi chơi cũng như bao người phụ nữ có chồng khác. Sau đó, cô sửa soạn đi chơi “quấn lại tóc”, “với tay lấy cái váy hoa”, … Nhưng sau đó, A Sử về và đã dập tắt sức sống đang trỗi dậy trong lòng Mị. A Sử trói Mị bằng sợi dây đay. Tuy rằng Mị bị trói chặt bởi sợi dây của cường quyền, nam quyền nhưng tâm hồn Mị không ai trói được “Mị vẫn thả hồn theo những cuộc chơi”, “Mị vùng bước đi”.

Sức phản kháng mãnh liệt của Mị trong đêm mùa đông

 Cảm nhận nhân vật Mị trong đêm mùa đông- CungHocVui

Cảm nhận nhân vật Mị trong đêm mùa đông

     A Phủ cũng là nạn nhân của thế lực cường quyền. Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài như là bước đệm để Mị chuẩn bị cho sức phản kháng quyết liệt trong đêm đông cứu A Phủ. Mị trở lại trạng thái sống vô hồn, vô cảm đối với con người và cuộc sống xung quanh. Nỗi khổ đau quá mức khiến cho Mị không còn thiết nghĩ đến bất kì ai nữa. Dù đó là một người đang bị trói như A Phủ. Cô thản nhiên sưởi lửa trước người đàn ông khốn khổ đó: “Nếu A Phủ là cái xác chết thì cũng thế thôi”. Khi con người ta chịu quá nhiều thống khổ thì sự điềm nhiên trước mọi vấn đề cũng là bình thường.

     Cứ tưởng Mị sẽ mãi dửng dưng như vậy. Nhưng không phải. Cho đến khi cô nhìn thấy “dòng nước mắt… xám đen lại” thì trạng thái tâm lý của cô thay đổi rõ rệt. Mị bắt đầu nhớ lại tình cảnh bị trói đứng của mình trước đây. Mị đã khóc thật nhiều mà không có cách nào lau đi được. Rồi cô bất chợt thương cho con người đang bị trói đứng đằng kia. Càng thương người, Mị lại càng căm tức cha con nhà thống lý. Và bao nhiêu áp bức bấy lâu, bao nhiêu suy nghĩ lúc này đã giúp Mị đi đến quyết định. Cắt dây cởi trói cho A Phủ cũng chính là cắt đi sợi dây đã buộc chặt cuộc đời Mị.

     Hành động của Mị đã thể hiện sức phản kháng quyết liệt để giành lại được ý nghĩa cuộc sống mà cô đã bị cướp mất. Ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tài tình của Tô Hoài kết hợp với việc dẫn dắt các tình tiết khéo léo đã góp phần tạo nên kịch tính cho cốt truyện. Đồng thời qua đó khẳng định được khát vọng tự do của nhân vật Mị nói riêng và người dân lao động Tây Bắc nói chung.

Xem thêm:

Giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ

Soạn vợ chồng A Phủ ngắn gọn, chi tiết, mới nhất

Dàn ý cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ

Kết bài cảm nhận nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ

     Có thể nói, Tô Hoài đã thực sự thành công trong việc khắc họa nhân vật Mị. Mị không chỉ xinh đẹp, giỏi giang mà còn có trái tim nhân hậu, có khát vọng tự do mãnh liệt. Người con gái ấy sẵn sàng phản kháng và đấu tranh vì hạnh phúc đích thực của đời mình. Ở Mị không chỉ đơn thuần phải chịu đựng một cuộc hôn nhân không mĩ mãn. Mà cô còn phải chịu sự tàn bạo của các thế lực ngấm ngầm đang hủy hoại cuộc sống cô mỗi ngày. Sự phản kháng của Mị là điều tất yếu diễn ra. Qua đó, ta càng cảm nhận rõ hơn bút pháp tài hoa mà Tô Hoài đã xây dựng nhân vật. Càng ngưỡng mộ và trân trọng tình yêu của nhà văn đã dành cho mảnh đất và con người Tây Bắc.