Đăng ký

Về chữ nhàn trong hai bài thơ: Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

3,680 từ Phân tích Văn mẫu

Về chữ nhàn trong hai bài thơ: Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

     “Nhàn” là một triết lý sống phổ biến được các bậc hiền triết ngày xưa hướng đến. Đó là sự nhàn nhã, thảnh thơi, là không bị vướng bận với những thú vui tầm thường của sự đời. Về chữ nhàn trong hai bài thơ: “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi và “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, mỗi tác giả sẽ có những nhìn nhận riêng biệt. Tìm hiểu ngay sự khác biệt đó qua bài văn mẫu dưới đây!

Về chữ nhàn trong hai bài thơ: Cảnh ngày hè và nhàn- CungHocVui

Về chữ nhàn trong hai bài thơ cảnh ngày hè và bài thơ nhàn

Triết lý sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua thi phẩm “Nhàn”

     Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện trước hết ở lối sống hòa hợp, thuận theo tự nhiên:

                                   “Một mai, một cuốc, một cần câu

                                   Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

     Chỉ với hai câu thơ đầu, người đọc đã có thể cảm nhận sâu sắc phong thái sống bình dị, an nhàn của thi nhân. Việc sử dụng từ láy “thơ thẩn” đã lột tả sự thư thái trong tâm hồn và dần hé lộ quan niệm sống nhàn riêng biệt được thể hiện ở sự giản dị, ung dung, xa lánh cuộc sống tầm thường chỉ vây quanh danh lợi, của cải vật chất. 

     Lối sống nhàn đó tiếp tục được thể hiện qua cung cách sống, sinh hoạt của ông qua hai câu thơ sau: 

                                   Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

                                   Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

     Từng mùa trong năm đều được Nguyễn Bỉnh Khiêm làm nổi bật lên chỉ với những sự vật giản dị, quen thuộc và đặc trưng. Thức ăn của ông cũng bình dị, dân dã đến lạ thường cùng với lối sinh hoạt nhịp nhàng, thư thái: tắm hồ sen, tắm ao. Cuộc sống của ông thật khiêm nhường, đạm bạc nhưng lại chẳng hề tầm thường. Bởi lẽ, ông đã có đủ an nhàn để cứu rỗi mình thoát khỏi vòng xoáy khắc nghiệt của phường danh lợi, để đem tâm hồn đến gần với thiên nhiên, hòa hợp với vạn vật.

Xem thêm:

Bài thơ Nhàn: Nội dung bài thơ, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý phân tích tác phẩm

Top 2 cách mở bài Nhàn hay nhất

     Nhàn với Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một cách sống đem đến sự tự do, ung dung tự tại, mà nó còn là một ý chí kiên định rời xa phường danh lợi để giữ lấy cốt cách thanh cao:

                                   Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

                                   Người khôn người đến chốn lao xao

     Hai câu thơ trên sử dụng nghệ thuật đối lập một cách tài tình nhằm thể hiện rõ quan điểm sống của thi nhân. Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh lặng, xa lánh sự ồn ào, bon chen để trả lại cho chính mình một tâm hồn thanh thản. Ngược lại, chốn lao xao là nơi mà con người ta có thể bỏ qua nhân tính mà tìm đủ mọi cách để hãm hại nhau, chung quy lại cũng chỉ vì hai chữ danh lợi. Hai câu thơ mở ra hai không gian khác nhau, cũng chính là hai cách sống khác nhau. 

                                   Rượu đến cội cây ta sẽ uống

                                   Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

     Ông uống rượu nào phải để mơ trọn giấc mộng công danh, ông uống vì muốn bản thân mình luôn luôn tỉnh táo. Từ đó, mới có thể nhận ra một chân lý vĩnh hằng, rằng phú quý cũng chỉ như một giấc chiêm bao. Trong cuộc đời mỗi con người, liệu giàu sang phú quý có phải là đích đến cuối cùng, và chúng có mang lại hạnh phúc, an yên cho tâm hồn chúng ta? Hay cái tồn tại mãi mãi với mỗi con người chính là nhân cách, là phẩm chất cao đẹp? Hai câu kết của bài thơ chính là sự khẳng định của tác giả về triết lý sống nhàn. Với ông, sống nhàn là cách sống giữ được nhân cách tốt đẹp, là cơ hội để tu tâm dưỡng tính, là hành trình đem lại sự thảnh thơi, thư thái nơi tâm hồn. 

     “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm được tác giả thể hiện qua thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Với ngôn ngữ ngắn gọn, hàm súc và giản dị, triết lý sống nhàn của tác giả đã được thể hiện một cách trọn vẹn. Sống nhàn chính là lối sống thanh cao, hòa hợp với thiên nhiên, vạn vật, là tránh xa mọi phường danh lợi tầm thường.

Sự thanh nhàn của Nguyễn Trãi qua thi phẩm “Cảnh ngày hè”

So sánh chữ nhàn trong cảnh ngày hè và bài thơ nhàn- CungHocVui

Phân tích chữ nhàn trong cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

     Nguyễn Trãi là một tấm gương sáng về lòng yêu nước sâu đậm cùng nhân cách cao đẹp. Nhân cách ấy được thể hiện qua lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân, với cuộc đời. Trong đó, “Cảnh ngày hè” chính là một tác phẩm thể hiện rõ tâm hồn cao đẹp của ông.

                                   Rồi hóng mát thuở ngày trường,

                                   Hoè lục đùn đùn tán rợp trương.

                                   Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

                                   Hồng liên trì đã tịn mùi hương.

     Bức tranh thiên nhiên được tác giả điểm tô với những hình ảnh, gam màu cùng trạng thái đặc sắc. Màu sắc, hình ảnh được kết hợp hài hòa cùng những động từ mạnh dường như đã khiến bức tranh ấy thêm phần sinh động và căng tràn nhựa sống. Dường như mọi thứ đều được phát triển mạnh mẽ trước mắt người đọc. Thiên nhiên dường như chẳng còn được cảm nhận qua ánh mắt nữa, mà nó còn được cảm nhận bằng một tâm hồn rộng mở cùng tình yêu thiên nhiên tha thiết.

     Sau bức tranh thiên nhiên, Nguyễn Trãi đã đưa người đọc đến với bức tranh đời sống bình dị, quen thuộc nhưng cũng không kém phần sinh động và tràn đầy sức sống:

                                   Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

                                   Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

     Từ ngôi làng xa xa, âm thanh “lao xao” của phiên chợ chiều dường như đang vọng lại. Tiếp đó là tiếng “dắng dỏi” của ve gọi hè - một âm thanh đặc trưng chẳng thể thiếu đi trong những ngày hè. Cùng với đó là sự kết hợp bởi hệ thống từ láy gợi thanh và những biện pháp nghệ thuật như đảo ngữ, phép đối đã tạo nên một bức tranh ngày hè sôi động, náo nhiệt. Cũng chính từ đó, người đọc có thể cảm nhận được tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên và khát khao được hòa mình vào cuộc sống muôn dân của thi nhân có tấm lòng rộng mở.

Xem thêm: 

Top 3 cảnh mở bài Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi hay nhất

Soạn cảnh ngày hè ngắn gọn, hay nhất

Khép lại bài thơ là tâm nguyện của thi nhân:

                                   Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

                                   Dân giàu đủ khắp đòi phương

     Lời nguyện cầu này đã thể hiện tấm lòng gắn bó, sự ưu ái và tình yêu của ông đối với dân, với nước. Ông chẳng cầu gì cho bản thân, chỉ cầu sao dân no đủ, yên bình. Tóm lại, với cách sử dụng điển tích và sáng tạo câu thơ lục ngôn một cách độc đáo, riêng biệt, Nguyễn Trãi đã tái hiện một cách sinh động bức tranh thiên nhiên và cuộc sống của con người. Ẩn trong đó là nỗi niềm ưu dân ái quốc, là sự canh cánh không yên trong lòng những mối lo ngại thế sự.

So sánh Cảnh ngày hè và Nhàn

So sánh chữ Nhàn trong cảnh ngày hè và bài thơ Nhàn- CungHocVui

Về chữ nhàn trong hai bài thơ: Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

     Nhàn là sự thảnh thơi, không vướng bận ham muốn tầm thường, nhưng nó cũng không đồng nghĩa với thái độ lười nhát, trốn tránh trách nhiệm. Nhàn chính là tìm thấy được sự thảnh thơi, ung dung, tự tại trong tâm hồn. Dù trong lúc nhàn. Nguyễn Trãi vẫn luôn canh cánh những nỗi niềm riêng: dân giàu đủ khắp đòi phương. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông chỉ dùng lối sống nhàn để phủ nhận đi những hư danh trong chốn lao xao. Sự quay lưng với hư danh để tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn của ông chưa hẳn là sự quay lưng với trách nhiệm. 

     Nguyễn Trãi dù lui về ở ẩn, nhưng trong thâm tâm ông vẫn chẳng thể ngưng canh cánh việc nước. Nhàn với ông là khoảnh khắc tạm gạt bỏ công việc để thưởng thức thú vui tao nhã của cuộc sống yên bình, ung dung tự tại. Ngược lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có cơ hội được sống nhàn, nên trong cuộc sống nhàn ấy, ông hiện lên là một con người triết lý, trí tuệ, từng trải, thâm trầm và sâu sắc.

     Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn nhận ra đâu là thực đâu là hư, tự nhận chính mình dại nhưng thực chất lại vô cùng khôn ngoan khi coi thường hư vinh, thoát khỏi cái trần tục tầm thường. Còn với Nguyễn Trãi, nhàn mà hóa ra lại không nhàn và điều đó đã được thể hiện qua hai câu thơ cuối: luôn hướng đến dân, đến nước.

     Nói tóm lại, nếu như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay ở tài trí, bản lĩnh hơn người thì Nguyễn Trãi lại đẹp ở tâm hồn nghệ sĩ cùng tấm lòng vì dân vì nước, bình dị nhưng cũng thật vĩ đại. Từ đó, mỗi một thi nhân đều có những nhìn nhận riêng, góp phần điểm tô thêm màu sắc cho nghệ thuật văn học nước nhà.

     Đó là những lời bàn về chữ nhàn trong hai bài thơ: “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi và “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà bạn có thể tham khảo. Cảm ơn bạn vì đã đón đọc bài viết này!

shoppe