Đăng ký

Tình cảm nhân đạo của Hồ Chí Minh qua tập “Ngục trung nhật ký"

4,508 từ

Tình cảm nhân đạo của Hồ Chí Minh qua tập “Ngục trung nhật ký"

Sêkhôp đã từng nói: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Hơn hai trăm năm trước đây, “truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”; “Cung oán ngâm”; thơ Hồ Xuân Hương ... đã đặt ra vấn đề nhân đạo. Phải, xét cho cùng thì nhân đạo cũng chỉ là thương xót con người đó thôi. Nhưng mỗi nhà văn, nhà thơ với tài năng nghệ thuật riêng của mình, đã thể hiện cảm hứng ấy bằng nhiều cách khác nhau. Nói đến tâm hồn nghệ sĩ Hồ Chí Minh, không thể không nói đến tình cảm nhân đạo dào dạt, thiết tha. Qua tập “Ngục trung nhật ký”, nguồn cảm hứng ấy được thể hiện rất sâu sắc, phong phú và đa dạng.

Nói đến cảm hứng nhân đạo là nói đến một trong hai nguồn mạch lớn của nền văn học Việt Nam. Đạo lý dân tộc đề cao nhân nghĩa “thương người như thể thương thân”. Cảm hứng nhân đạo là những tình cảm căm giận, lên án những thế lực đen tối, dã man, chà đạp lên hạnh phúc và quyền sống của con người. Đó là sự cảm thông và thương xót đối với những kiếp người đói rét, đau khổ, bất hạnh. Ca ngợi và trân trọng những phẩm chất trong sáng, cao đẹp của nhân dân, đồng loại, cảm hứng nhân đạo thể hiện những ước mơ, khát vọng của nhân dân về ấm no, hạnh phúc, hoà bình, về một ngày mai tốt đẹp ... Đến với “Ngục trung nhật ký”, ta cảm nhận rất sâu sắc về lòng thương người của Bác. Yêu nước, thương nhà, thương đồng bào đồng chí ... những tình cảm thiết tha ấy đã làm nên vẻ đẹp nghệ sĩ trong tâm hồn Người. “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ được Bác viết trong thời kỳ bị giam cầm ở nhà tù Quốc dân Đảng (1942- 1943). Đây là tập thơ phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng ở chốn lao tù, chan chứa tình cảm nhân đạo, chứa đựng nhiều bài học về nhân sinh, đạo lý cho hôm nay và mai sau. Trong “mười bốn trăng tê tái gông cùm ấy”, con mắt ân tình của Người đã thu nhận biết bao điều liên quan đến cuộc sống và lợi ích của con người. Tấm lòng nhân đạo ấy đã đạt đến mức độ quên mình. Đó là tấm lòng mang nặng tình thương bao la đối với nhân loại cần lao, với bao kiếp người còn ngụp lặn trong bể sầu nhân thế. Bác ít quan tâm đến nỗi khổ của mình nhưng lại rất nhạy cảm và sẵn sàng chia sẻ với bao nhiêu nỗi buồn, vui, sướng, khổ của những người xung quanh. Tình yêu thương của Người như sẻ chia cho tất cả: từ người phu làm đường lao động vất vả, cảnh nông dân được mùa hay hạn hán, một hàng cháo bên đường, một lò than rực hồng nơi xóm núi đến tiếng sáo buồn trong ngục, cảnh đun nấu, đói rét, ghẻ lở nơi tù đày ... Chính vì thế mà đối tượng được nhận tình thương trong thơ Bác rất đa dạng: phụ nữ, trẻ em, bạn tù, nhân dân lao động ... ngay cả với kẻ coi tù còn giữ được chút ánh sáng trong tâm hồn. Thành ra tập nhật ký tâm tình đã làm sống dậy cả một nhân loại với bao số phận cụ thể rất đáng thương. 

Nếu như xưa kia, Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh – người con gái đất Trung Hoa tài hoa bạc mệnh sống cách mình mấy thế kỷ thì Bác cũng lắng nghe những tiếng khóc lầm than ở xứ người. Có lẽ bởi mỗi hình ảnh về sự khổ cực của người dân nơi đây làm Người nhớ tới đồng bào, đồng chí trên quê hương cũng đang bị đày đoạ dưới ách nô lệ. Giữa những cảnh đời, những số phận đau thương ấy, Bác xuất hiện không hề có chút gì phân biệt. Trái lại, Người đến với sự chan hoà, trong tình bạn bè, như những “người cùng hội cùng thuyền”. Trong tù đày, Bác gọi những tù nhân cùng cảnh ngộ bằng hai tiếng “bạn hữu” và đối xử với họ như những người bạn:
 
“Cùng hội cùng thuyền nên phải giúp
Viết thay báo cáo dám từ nan”
 
Tố Hữu đã từng viết về Bác:
 
“Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương ...”
 
Thật vậy, trong cái “thế giới đau thương” mà Người đã chứng kiến, Bác xót xa cho những em bé, bà mẹ vô tội:
 
“Oa ... ! oa ... ! oa ... !
Cha sợ xung quân cứu nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Đã theo mẹ đến ở nhà pha”
 
Người tỏ ra rất khoan dung, độ lượng khi tỏ thái độ với những người trong hàng ngũ của kẻ thù còn đôi chút ánh sáng của lương tri:
 
“Trưởng ban họ Mạc người hào hiệp
Dốc túi mua cơm giúp nạn nhân
Đêm đến cởi thừng cho họ ngủ
Chẳng dùng quyền thế chỉ dùng ân”
 
Tình thương của Bác còn bao trùm cả đến những vật vô tri vô giác đã từng gắn bó với mình: xa thì nhớ, mất thì thương:
 
“Răng rụng mất một chiếc
Tóc bạc đi mấy phần...”
 
Lòng nhân đạo bao la của Bác còn hướng tới những điều mà trong hoàn cảnh đầy ải, ít ai có thể nghĩ đến:
 
“Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình
Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình”
 
Không dừng lại ở chỗ chỉ thương xót cho số phận những con người, sự vật, tình cảm nhân đạo của Bác còn thể hiện ở tiếng nói tố cáo gay gắt bộ mặt đen tối của nhà tù thực dân mà rộng hơn nữa là một phần thực trạng của xã hội Trung Quốc. Tập thơ “Nhật ký trong tù” bộc lộ bút pháp châm biếm với nhiều cung bậc, giọng điệu khác nhau. Nhìn chung, tác giả không sử dụng lối “đao to búa lớn” mà thường rất nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, thấm thía:
 
“Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh
Chong đèn, huyện trưởng làm công việc
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”
 
hay:
 
“Tự do thử hỏi đâu là?
Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường”
 
Tiếng nói tố cáo sâu sắc của Người đã vạch mặt cái xã hội Trung Quốc đương thời - một xã hội nhiều nhà tù, đầy rẫy những bất công, những thế lực đen tối. Cũng chính từ hiện thực khắc nghiệt đó, Hồ Chí Minh nêu ra vấn đề lớn về quyền sống của con người trong xã hội ấy. Con đường ra đi tìm đường cứu nước của Người vô cùng vất vả, gian truân.
 
Từ khi làm “...bồi tàu lênh đênh theo sóng bể ...” trải qua những gian khổ chồng chất của tháng ngày sống trong “giá rét thành Ba Lê” đến khi tìm ra con đường cách mạng, tìm ra “dáng hình của nước”. Giờ đây khi phải ngồi trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, tâm hồn Người hướng về quê hương với một khát vọng tự do cháy bỏng. Bác mong đợi tự do bởi hồn nước đang thúc giục, bởi bao kiếp người đang chờ đợi để được giải phóng khỏi đời nô lệ:
 
- “Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao ...”
- “Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”
 
Khát vọng tự do là thế nhưng trái tim luôn yêu thương con người của Bác vẫn luôn hướng tới những số phận khốn khổ, đáng thương. Điều đó tạo nên cốt cách, vóc dáng của một nghệ sĩ chân chính. Chế Lan Viên đã từng viết:
 
“Nếu sinh ra không có lũ côn đồ
Chắc Người đã yên lòng viết sử, làm thơ”
 
Nhưng cái vĩ đại của Hồ Chí Minh là ở chỗ dù bị giam cầm, sống giữa vòng vây của “lũ côn đồ”, hồn thơ của Người vẫn toả sáng và sưởi ấm cho bao kiếp người, sẻ chia với bao số phận trên đời. Trở lại với khát vọng tự do - một biểu hiện của tình cảm nhân đạo, Bác mong đợi tự do để về cứu nước. Những bài thơ: “Bốn tháng rồi”; “Tiếc ngày giờ” hay những câu thơ:
 
“Tám tháng hao mòn với xích gông”
“Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu”
“Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng”
“Ngày đi bạn tiễn đến bến sông
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng ...”
 
Đã diễn tả sự nóng lòng, sốt ruột không yên của Bác. Thơ Người luôn luôn có sự vận động từ bóng tối sang ánh sáng, từ mưa đến nắng, từ khổ đến vui, từ hiện tại đến tương lai:
 
- “Trong ngục giờ đây còn tối mịt
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”
- “Hết mưa là nắng hửng lên thôi
Hết khổ là vui vốn lẽ đời ...”
- “Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”
 
Từ khát vọng tự do thôi thúc, mãnh liệt đã luyện rèn ý chí kiên cường, sắt đá của Người, thắp sáng niềm tin hy vọng lớn lao về sự hồi sinh của dân tộc. Nếu không xuất phát từ tình cảm nhân đạo bao la, sâu sắc, làm sao Bác có được niềm tin và ý chí vững bền như vậy? Cả cuộc đời Bác, xét cho cùng là một cuộc đời “để phát tình thương” cho nhân loại. Có yêu thương con người, Bác mới ra đi tìm đường cứu nước. Không yêu thương con người, làm sao Bác có thể xúc động trước bao cảnh ngộ éo le; bất bình, tố cáo chế độ xã hội huỷ hoại con người? Tập “Ngục trung nhật ký” tựa như một bức tranh toàn cảnh xã hội Trung Quốc đương thời. Không những thế, tập thơ còn cho người đọc tiếp xúc với một tâm hồn nhân đạo cao cả. Tình cảm ấy chắc chắn đã thấm sâu vào trong cốt tuỷ của Người. Cho nên, dù bôn ba hải ngoại hay bị giam hãm nơi tù ngục, trái tim của Người vẫn thiết tha, sâu nặng nỗi nhớ thương hướng về Tổ quốc, hướng về nhân dân.
 
Cảm hứng nhân đạo là cái đích mà mỗi nghệ sĩ chân chính đều hướng đến. Nguyễn Du với tiếng kêu “đoạn trường” vang động lòng người. Nam Cao băn khoăn, day dứt, quằn quại trên trang văn làm nhức nhối tâm can người đọc. Thạch Lam nhẹ nhàng, bình dị mà trầm lắng và da diết u buồn ... Mỗi thời mỗi khác, mỗi nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo trên con đường riêng của mình, nhưng tất cả đều tụ hội, gặp gỡ ở điểm ánh sáng văn chương chân chính của mọi thời: ấy là cảm hứng nhân đạo. Tập “Nhật ký trong tù” - cũng như bao tác phẩm khác của Bác - được sáng tác ra không nhằm mục đích để lại những tác phẩm hay cho đời mà là phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Ngay trang thơ mở đầu, Bác đã nói rõ:
 
“Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây ...”
 
Tuy nhiên, không một ai có thể phủ nhận tài năng của Bác. Nói như nhà phê bình Vũ Quần Phương “câu nói thường của người lịch lãm thường thâm thuý, người nói quên rồi mà người nghe còn nghĩ mãi”. Thơ đến với Bác tự nhiên, không gò ép cũng bỏi thế mà các thi phẩm của Người có được sức sống lâu bền. Cảm hứng nhân đạo dù được thể hiện ở phương diện nào cũng rất sâu sắc. Đặc biệt bằng thể thơ tứ tuyệt - một thể thơ hàm súc thì sức lan toả của cảm hứng rất mạnh mẽ. Những bài thơ trong tập “Ngục trung nhật ký” tuy không phải bài nào cũng toàn bích nhưng có những bài sánh ngang với thơ Đường. Cảm hứng nhân đạo thấm đượm trong từng câu chữ. Đọc thơ Bác, ta nhận thấy có điều gì đó rất gần với những câu thơ của Đỗ Phủ - con người muốn lăn lóc giữa đời cùng khổ, trầm luân:
 
“Suốt năm lo dân đen
Than thở ruột sôi nóng”
 
Họ gặp nhau trong cùng một nguồn cảm hứng. Tình cảm nhân đạo níu con người sát gần nhau hơn. Với Hồ Chí Minh, mọi sự vật, sự việc ở trong tù đều có thể viết thành thơ, cho nên sự thật được tái hiện rất sinh động và cụ thể trong thơ Bác. Tiếng nói nhân đạo cao cả của Người góp phần làm phong phú thêm dòng chảy vốn đã ăn sâu bén rễ trong cội nguồn văn học dân tộc.
 
Trong cuộc đời này, có lẽ Bác chỉ có một mong muốn duy nhất là đem hạnh phúc cho nhân dân, san xẻ tình thương cho mọi người:
 
“Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”
(Tố Hữu)
 
Trái tim của Bác là một “hồn biển lớn”, yêu thương, gắn bó, san sẻ đối với hàng triệu con người. Trái tim nhân đạo ấy sẽ sống mãi cùng hồn thiêng sông núi, với trời xanh, biển rộng, trong mỗi tâm hồn người dân Việt Nam./.