Soạn văn hay 11: Hạnh phúc của một tang gia - Vũ Trọng Phụng
Tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia của nhà văn Vũ Trọng Phụng là một tác phẩm có nghệ thuật trào phúng vô cùng sâu sắc. Sau đây, Cunghocvui.com xin gửi đến các bạn bài Soạn Hạnh phúc của một tang gia đầy đủ nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
I. Tìm hiểu chung
1. Hoàn cảnh ra đời
- Hạnh phúc của một tang gia được trích trong chương XV tiểu thuyết Số Đỏ, được đăng trên Hà Hội báo từ số 40 vào ngày 7/10/1936. Đây được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng với nghệ thuật trào phúng bậc thầy. Sau đó tác phẩm được in thành sách vào năm 1938
- Tác phẩm kể về cuộc đời của nhân vật Xuân tóc đỏ, từ một thằng ma cà bông, vô học đến khi trở thành một người anh hùng vì Tổ Quốc.
2. Bố cục
Gồm có 3 phần:
Phần 1: Từ đầu.... gây ra cho Tuyết nhiều vậy
Nội dung: Sự vui mừng và hạnh phúc của gia đình Tuyết khi cụ cố tổ qua đời
Phần 2: Tiếp theo... đám cứ đi
Nội dung: Sự lố bịch của một đám ma gương mẫu
Phần 3: Còn lại
Nội dung: Cảnh hạ huyệt
Xem thêm Ý nghĩa nhan đề Hạnh phúc của một tang gia
Tóm tắt Hạnh phúc của một tang gia
II. Tìm hiểu chi tiết
Trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa đầy đủ nhất
Câu 1 (Trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Nhan đề của đoạn trích: "Hạnh phúc của một tang gia", gợi lên một sự phi lí, nghịch lí. Khi một gia đình có tang, những người thân trong gia đình đó và cả họ hàng đều tỏ ra vô cùng buồn bã, đau khổ trước sự ra đi của một thành viên nào đó. Chuyện đau buồn là lẽ tất nhiên trong trường hợp này. Tuy nhiên, nhà văn Vũ Trọng Phụng lại đặt tiêu đề là "Hạnh phúc", cho thấy sự bất thường, một đám ma mà lại "hạnh phúc", lại vui mừng thì quả là một điều vô lí và gây tò mò cho bạn đọc.
- Nhan đề của tác phẩm cho thấy:
+ Bối cảnh của câu chuyện
+ Tình huống truyện
+ Ý đồ châm biếm của tác giả
Toàn bộ câu chuyện là những niềm vui sướng của con cháu khi cụ cố tổ mất, bởi lẽ khi cụ mất rồi thì chúng sẽ được hưởng gia sản giàu có của cụ
Câu 2 (Trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Niềm vui của từng thành viên trong gia đình trước cái chết của cụ cố tổ được tác giả miêu tả lần lượt như sau:
- Cụ cố Hồng đại diện loại người ngu dốt, háo danh: nhắm nghiền mắt lại để nghĩ tới lúc được mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy, cho thiên hạ trầm trồ khen
- Văn Minh được dịp lăng xê những mốt y phục táo bạo nhất, lại được hưởng gia tài do là cháu đích tôn
- Cô Tuyết được mặc bộ “ngây thơ”, là dịp để Tuyết trưng diện, phô bày sự hấp dẫn của cơ thể
- Cậu Tú Tân được giải trí, chứng tỏ tài chụp ảnh
- Ông Phán mọc sừng sung sướng vì cặp sừng của mình có giá trị khi làm cụ cố tổ chết
- Xuân Tóc Đỏ danh giá, uy tín vì nhờ hắn mà cụ cố tổ chết
- Đám tang còn lây lan hạnh phúc sang những người bên ngoài: cảnh sát Min Đơ, Min Toa, bạn bè trưởng giả của cụ cố Hồng
Câu 3 (Trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Cảnh đưa đi đám ma và hạ huyệt vô cùng lố bịch:
- Đám ma cụ cố được tổ chức long trọng, với các nghi thức đầy đủ "Ta, Tàu, Tây"
- Khung cảnh đám ma lộn xộn vô cùng, trai gái thì chim chuột nhau, cô Tuyết vẻ mặt đau buồn những ko phải vì buồn bởi cái chết của cụ cố tổ mà buồn vì không thấy bạn trai của mình ở đâu, ông Văn Minh cũng vò đầu bứt tóc nhưng là do chưa biết xử trí thế nào với cái công lớn làm cho cụ cố tổ chết của thằng Xuân tóc đỏ.....
=> Một đám tang hổ lốn, toàn là sự diễn kịch, lại còn Ta không ra Ta, Tây cũng chẳng ra Tây, nhà văn thể hiện sự trào phúng, sự châm biếm của mình vào từng cử chỉ của các nhân vật, vào từng khung cảnh từ khi đi đưa ma cho đến tận lúc hạ huyệt để thấy được sự đểu giả của đám con cháu chỉ ham mê gia sản chứ không đau thương gì trước cái chết của người thân ruột thịt trong gia đình mình là cụ cố tổ.
Câu 4 (Trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Xã hội “thượng lưu” đương thời lúc bấy giờ được thể hiện lên:
+ Xã hội suy tàn, chế độ thối nát
+ Hình ảnh được thể hiện chi tiết trong đoạn văn, biểu tượng cho một điều đó là đồng tiền làm lu mờ con người
+ Xã hội đó bát nháo, những kẻ bịp bợm, lẳng lơ lại hợp thời được thượng tôn
Câu 5 (Trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Nghệ thuật trào phúng được tác giả sử dụng trong tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia:
- Giọng điệu trào phúng thể hiện ở từng tình huống, từ nhan đề đến các tình huống cao trào, từ cách miêu tả thái độ, cử chỉ của các nhân vật trong đoạn trích
- Sử dụng các chi tiết đối lập giữa cùng một sự vật, cùng một hiện tượng
- Giọng điệu kể chuyện hấp dẫn, nhẹ nhàng mà ẩn chứa hàm ý sâu cay
- Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật: nói ngược, cường điệu nhằm vạch ra bộ mặt thật thối nát của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ
=> Tóm lại, Hạnh phúc của một tang gia là một tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trào phúng mà Vũ Trọng Phụng là bậc thầy của thể loại này.
Thông qua bài Soạn Hạnh phúc của một tang gia, Cunghocvui hy vọng các bạn sẽ nắm được bài học rõ ràng và đầy đủ nhất. Chúc các bạn học tốt!