Soạn bài: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
1. Tác giả
- Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch tài năng. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho có tinh thần yêu nước ở làng Dục Tú, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Dục Tú, huyện đông Anh, Hà Nội). Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động trong những tổ chức văn hóa văn nghệ do Đảng lãnh đạo. Nhà văn đặc biệt thành công với đề tài lịch sử ở cả hai thể loại tiểu thuyết và kịch.
- Tác phẩm chính: Vũ Như Tô (kịch, 1941), Bắc Sơn (kịch, 1946), Những người ở lại (kịch, 1948), Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), An Tư (tiểu thuyết, 1945), Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết, 1961), Kí sự Cao Lạng (kí, 1951)...
2. Tác phẩm
- Vở kịch gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517.
- Tác phẩm được viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề tháng 6 năm 1942.
Tóm tắt:
Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe dọa kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước. Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu trùng Đài bị thiêu trụi.
2.Đoạn trích: thuộc hồi thứ V (Một cung cấm) của vở kịch.
Câu 1 (trang 193 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):
Các mâu thuẫn cơ bản của vở kịch Vũ Như Tô trong hồi V:
- Mâu tuẫn thứ nhất: Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động khốn khổ lầm than với bọn hôn quân bạo chúa và phe cánh của chúng đang sống xa hoa, trụy lạc. Mâu thuẫn này đã có từ trước, đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài thì càng trở nên căng thẳng.
- Mâu thuẫn thứ 2: Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời (Cửu Trùng Đài) và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân.
=> Hai mâu thuẫn trên là hai mâu thuẫn cơ bản của vở kịch và được biểu hiện ở hồi V. Hai mâu thuẫn này có quan hệ mật thiết và tác động lẫn nhau.
Câu 2 (trang 193 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):
- Tính cách và diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô:
Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ chân chính, một người có tài và có tâm với nghệ thuật. Ông nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, nhận xây dựng Cửu Trùng đài là vì mục đích nghệ thuật rất cao cả. Ông Vũ là người nghệ sĩ chỉ quan tâm đến nghệ thuật. Trong hồi V của vở kịch không nói nhiều đến tài năng của Vũ Như Tô mà tập trung làm nổi bật tâm trạng bi kịch của nhân vật khi phải tìm kiếm câu trả lời: Xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai? Là có công hay có tội? Nhưng Vũ Như Tô đã không trả lời những câu hỏi đó. Khát vọng nghệ thuật, niềm đam mê sáng tạo của ông có phần chính đáng là xuất phát từ thiên chức của người nghệ sĩ, từ động cơ chân chính muốn khẳng định tài năng của mình, muốn tô điểm cho đất nước và làm đẹp cho đời nhưng ông đã đặt lầm: lầm thời, xa rời thực tế nên đã phải trả giá bằng sinh mệnh của bản thân và của cả công trình nghệ thuật.
→ Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch. Những say mê, khát vọng trong ông mâu thuẫn với hiện thực, suy nghĩ và hành động của Vũ có những bước sai lầm.
- Tính cách và diễn biến tâm trạng Đan Thiềm:
Đan Thiềm là một người có tâm, biết trọng người tài, tôn trọng nghệ thuật. Bà kính trọng tài năng của Vũ Như Tô, bà hiểu công việc sáng tạo nghệ thuật của Vũ. Trong hồi V, nếu Vũ Như Tô không chú ý nguy hiểm đang bủa vây mình thì Đan Thiềm lại luôn tỉnh táo, sáng suốt. Bà khẩn khuản khuyên Vũ Như Tô đi trốn nhưng không sao làm cho Vũ Như Tô tỉnh ngộ. Thậm chí nàng còn khẩn khoản xin Ngô Hạch đổi tính mạng của mình để cứu Vũ Như Tô bởi bà trân trọng Vũ Như Tô hay chính là trân trọng tài năng của con người. Biết mình không thể cứu nổi Vũ Như Tô, Đan Thiềm đau đớn buông lời vĩnh biệt người tri âm, tri kỉ: “Ông Cả! Đai lớn tàn tành! Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt”.
=> Diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô và Đan Thiềm trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài cho thấy sâu sắc hơn bi kịch của các nhân vật. Đồng thời cũng bộc lộ sự cảm thông và trân trọng của tác giả đối với hai vật này.
Câu 3 (trang 193 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):
Mâu thuẫn giữa quan điểm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân chưa được tác giả giải quyết một cách dứt khoát. Điều đó được thể hiện trong hồi cuối của vở kịch ở việc Vũ Như Tô cho đến lúc chết vẫn không nhận ra sai lầm của mình, vẫn đinh ninh là mình vô tội. Ông không đứng về phía Lê Tương Dực nhưng ông lại muốn mượn uy quyền và tiền tài của hắn để thực hiện hoài bão và ước mơ của mình, và vì thế vô tình gây nên nỗi khổ cho nhân dân.
=> Cách giải quyết vấn đề của Vũ Như Tô trong đoạn trích đã phần nào giải quyết được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật chân chính phải chú ý đến con người, người nghệ sĩ khi làm nghệ thuật phải chú ý đến điều đó.
Câu 4 (trang 193 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):
Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài đã thể hiện rất rõ đặc sắc nghệ thuật kịch của Nguyễn Huy Tưởng: ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao, qua ngôn ngữ và hành động kịch, tâm trạng và tính cách của nhân vật được diễn tả một cách sâu sắc, xung đột kịch được đẩy lên cao trào.
(trang 193 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1): Trong lời đề tựa ...
Trong lời đề từ của tác giả ở vở kịch Vũ Như Tô:
“Than ôi!Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải? Ta chẳng biết.
Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”
Chúng ta có thể thấy được những băn khoăn, day dứt của tác giả khi không biết lẽ phải thuộc về Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô. Và ông tự thú nhận rằng “Ta chẳng biết”, tức là ngay chính tác giả cũng không thể đưa ra được câu trả lời dứt khoát. Như vậy, chân lí không hoàn toàn thuộc về bên nào: việc mất Cửu Trùng Đài nên mừng hay nên tiếc. Nhà văn cũng khẳng định viết vở kịch này để thể hiện sự tiếc nuối khi mất đi một tác phẩm nghệ thuật “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm, hay cũng chính là cảm phục tài năng, nhạy cảm với bi kịch của những con người tài giỏi.