Soạn bài rừng xà nu
1. Anh chị cảm nhận được ý nghĩa gì của truyện ngắn qua:
a. Nhan đề tác phẩm
b. Đoạn miêu tả cánh rừng xà nu dưới tầm đại bác
c. Hình ảnh những ngọn đồi, cánh rừng trải xa hút tầm mắt, chạy tít tắp đến tận chân trời luôn trở đi trở lại trong tác phẩm
a,Đặt tên cho tác phẩm là Rừng xà nu, tác giả muốn sáng tạo một hình tượng mang tính sử thi nói về người Tây Nguyên kiên cường. Bởi rừng xà nu rất gần gũi với người Tây Nguyên và có nhiều chi tiết giống với con người nơi đây nên có thể đại diện cho đồng bào Tây Nguyên, cũng như gợi ra chất Tây Nguyên.
b,Mở đầu tác phẩm là những tai họa mà cả những cây xà nu cổ thụ và những cây con phải gánh chịu dưới làn mưa đại bác của kẻ thù: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”; “nhựa ứa ra, tràn trề... rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Thế nhưng “đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng”. Để rồi: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, “có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê”. Đặc tả bằng lối tạo hình và thủ pháp nhân hóa nêu bật sức sống của cây xà nu, chủ ý của nhà văn là nêu bật sức sống của người dân Xô Man và nhân dân Tây Nguyên bất khuất. Cũng như cây xà nu, người dân Xô Man hết lớp này đến lớp khác, nối bước nhau cầm lấy vũ khí đánh giặc. Anh Quyết hi sinh thì có Tnú, Mai ngã xuống đã có Dít bước lên thay chị. Bên cạnh cụ Mết, già làng, sừng sững như một cây xà nu cổ thụ là bé Heng, một thế hệ cây xà nu non trẻ, sẵn sàng thừa kế lớp cha anh.Ham ánh nắng và khí trời, cây xà nu vươn lên rất nhanh để tới ánh sáng cũng chẳng khác chi Tnú, Mai và dân làng Xô Man luôn phấn đâu, muốn hướng tới cuộc sống tự do.
c,Hình ảnh đồi xà nu, rừng xà nu "trông xa xa đến ngút tầm mắt", "nối tiếp tới chân trời", lặp đi lặp lại trong truyện gợi ra cảnh rừng xà nu hùng tráng, kiêu dũng và bất diệt, gợi ra sự bất diệt, kiêu dũng của con người Tây Nguyên nói riêng và con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại. Ấn tượng đọng lại trong kí ức người đọc chính là cái bát ngát của cánh rừng xà nu kiêu dũng. Đó là chất sử thi, chất anh hùng về tinh thần quật khởi của đồng bào Tây Nguyên.
2. Tác giả vẫn coi "Rừng xà nu là truyện của một đời và được kể trong một đêm". Hãy cho biết :
a,Người anh hùng mà cụ Mết kể trong cái đêm dài ấy có những phẩm chất đáng quý nào ?So với nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hình tượn Tnú có gì mới mẻ hơn ?
b,Vì sao trong câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú đã không cứu sống được vợ con ,để rồi khắc ghi vào tâm trí của người nghe câu nói :"Chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo"?
c,Câu chuyện của Tnú cũng như của dân làng XôMan nói lên chân lí lớn nào của dân tộc ta trong thời đại bấy giờ ?Vì sao cụ Mết muốn chân lí đó phải được nhớ ,được ghi để truyền cho con cháu ?
d,Các hình tượng cụ Mết ,Mai ,Dít ,bé Heng có vai trò gì trong việc khắc họa nhân vật chính và làm nó nổi bật tư tưởng cơ bản của tác phẩm ?
a, Tnú là nhân vật chính của truyện, cha mẹ mất sớm lớn lên nhờ sự dưỡng nuôi, đùm bọc của dân làng Xô Man. Cụ Mết nhận xét về Tnú: “Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”.
Tnú rất gan góc táo bạo. Học chữ chậm nhưng “đi đường núi thì đầu nó sáng lạ lùng”. Khi làm liên lạc qua sông Tnú “cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như con cá kình”. Khi bị giặc đốt cháy mười ngón tay, Tnú nghiến răng chịu đựng chứ quyết “không thèm kêu van”. Tnú có mối thù chồng chất với quân địch vì chúng giết hại vợ con anh, khiến anh trở thành người tàn tật, hơn thế nữa chúng còn giết hại cả dân làng anh.
Tnú dũng cảm và trung thành với cách mạng . Trong những năm tháng ác liệt nhất giặc lùng sục khủng bố điên cuồng giết hại dân làng, khi bị chúng bắt, tra hỏi chỗ ở của cộng sản, Tnú đã đặt tay lên bụng mình và nói “Ở đây này" . Bọn lính chém lưng anh đầy vết dọc ngang. Khi chứng kiến cảnh vợ con mình bị giặc tra tấn dã man, Tnú tay không nhảy vào giữa lũ giặc đang điên cuồng. Nhưng anh không cứu được vợ con mà còn bị chúng hành hạ tra tấn dữ dằn. Vì vậy khi dân làng quật khởi, Tnú tòng quân như lẽ hẳn nhiên.
Khi miêu tả nhân vật này, nhà văn chú ý dụng công miêu tả bàn tay của anh. Có thể nói đây cũng là chi tiết gây ấn tượng nhất đối với người đọc. Từ đôi tay của Tnú, người đọc không những hình dung được cuộc đời mà còn hình dung được cả tính cách của anh.
Ấn tượng không thể nào quên được về bàn tay anh chính là đoạn cao trào mãnh liệt của truyện: giặc quấn giẻ tẩm dầu xà nu vào mười ngón tay anh và đốt: “Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”. Cũng chính mười ngọn đuốc đó đã làm mồi châm ngọn lửa cho dân làng Xô Man nổi dậy. Tuy tàn tật nhưng đôi bàn tay anh vẫn cầm được giáo được giáo được súng để đánh giặc ,hơn thế nữa vẫn có thể bóp chết tên chỉ huy khi hắn cố thủ trong hầm .
b,"T’nú không cứu được vợ con". Cụ Mết nhắc tới bốn lần đế nhấn mạnh: khi chưa cầm vũ khí, Tnú chỉ có hai bàn tay không thì ngay cả những người yêu thương nhất Tnú cũng không cứu được. Câu nói của cụ Mết muôn khẳng định: chỉ có cầm vũ khí đứng lên mới là con đường sống duy nhất, mới bảo vệ được những gì thân yêu, thiêng liêng nhất; chân lí cách mạng đúc rút từ chính thực tế máu xương, tính mạng của dân tộc, những con người thương yêu nên chân lí ấy phải ghi tạc vào xương cốt, tâm khảm và truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.
c,Câu chuyện Tnú với dân làng Xô Man nói lên chân lí lớn của thời đại: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Phải chống lại mọi kẻ thù xâm lược, kể cả phải cầm vũ khí và hi sinh tính mạng.
d,Vai trò của các nhân vật:
- Cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng là sự tiếp nối các thế hệ làm nổi bật tinh thần bất khuất của làng Xô Man nói riêng, của Tây Nguyên nói chung.
- Mai, Dít là thế hệ hiện tại, trong Dít có Mai của thời trước và có Dít của hôm nay. Vẻ đẹp của Dít là vẻ đẹp của sự kiên định, vững vàng trong bão táp chiến tranh.
- Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.
Dường như cuộc chiến khốc liệt này đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải có sức trỗi dậy của một Phù Đổng Thiên Vương.
Câu 3:Hình ảnh cánh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú gắn kết hữu cơ ,khăng khít với nhau như thế nào?
Hình tượng cánh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú có một sự gắn kết hữu cơ hết sức sâu sắc, mà ở đó sức sống mãnh liệt, sự kiên định trường tồn thể hiện sinh động, mạnh mẽ, kiêu hãnh. Vẻ đẹp sức sống và sự gắn bó của cây rừng xà nu cùng với nhân vật Tnú trở thành một phần sự sống của Tây Nguyên, đem lại cho tác phẩm sức khái quát lớn.
Câu 4:Nêu và phân tích những cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm.
Vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm:
- Kết cấu song trùng mở đầu và kết thúc đều là hình ảnh cây xà nu thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Hình ảnh rừng xà nu nối tiếp mở ra con đường kháng chiến gian khổ, đau thương nhưng anh hùng, bất khuất. Cây xà nu còn là sức sống của con người Tây Nguyên, những cây xà nu nối tận chân trời giống như những thế hệ con người Tây Nguyên vẫn sẽ tiếp tục sinh sôi, trưởng thành trong cuộc kháng chiến.
- Ngôn ngữ phù hợp với cá tính nhân vật, mang đậm bản sắc Tây Nguyên, đậm chất anh hùng ca, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực khốc liệt và sắc màu lãng mạn.
→ Sự thống nhất cao độ giữa chân lí đời sống và chân lí nghệ thuật.