Soạn bài Con cò (Chế Lan Viên) - Ngữ văn 9 tập 2
Với bài Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên, Cunghocvui xin gửi đến các bạn phần Soạn bài Con cò đầy đủ nhất ngay sau đây!
Câu 1 (Trang 48 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Nội dung chính của mỗi đoạn và những chi tiết, hình ảnh thể hiện nội dung chính:
- Đoạn 1: Hình ảnh con cò qua lời ru bắt đầu đến với tuổi ấu thơ: con chưa biết con cò nhưng nghe trong lời của mẹ con thấy được những cánh cò đang bay.
- Đoạn 2: Hình ảnh "con cò" là hình ảnh quen thuộc trong những lời ru, nó theo chân mỗi nguời từ lúc còn bé cho đến mãi sau này (Cò trắng đến làm quen/ Cò đứng ở quanh nôi… - Mai khôn lớn, con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân…- Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ/ Trước hiên nhà/ Và trong hơi mát câu văn)
- Đoạn 3: Từ hình ảnh con cò, nhà thơ suy ngẫm và nêu ra triết lý về ý nghĩa của lời ru, của lòng mẹ đối với cuộc đời mỗi con người.
Xem thêm Giới thiệu về tác giả Chế Lan Viên và bài thơ Con cò
Phân tích giá trị nghệ thuật của bài thơ Con cò
Bình giảng bài thơ Con cò của thi sĩ Chế Lan Viên
Câu 2 (Trang 48 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
- Nhà thơ Chế Lan Viên chỉ lấy một vài chữ trong mỗi câu ca dao nhằm gợi nhớ lại những câu ca dao ấy. Những ý nghĩa về hình ảnh biểu tượng "con cò" được gợi ra qua cách sử dụng ca dao của nhà thơ.
- Ở đoạn thơ đầu tiên, ta thấy hình ảnh con cò hiện ra với nét đặc trưng của làng quê, nó gợi một chút gì đó rất gần gũi, rất thanh bình, lại mộc mạc, duyên dáng.
- Hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ còn là “con cò ăn đêm”, “con cò xa tổ”, “cò sợ cành mềm”, “cò sợ xáo măng”, … Đây là những hình ảnh đặc trưng của con cò, chúng phải đi kiếm ăn nhưng trong hành trình đi kiếm ăn đó lại vô cùng vất vả: cò sợ phải rời xa tổ của nó, sợ bị bắt làm thức ăn.... Tất cả đều là những nỗi sợ chung của con người, của người mẹ không nỡ rời xa con, lo lắng cho đứa con của mình.
Câu 3 (Trang 48 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
- Trong đoạn thơ thứ 1, hình tượng cánh cò trong lời ru của mẹ là điểm khởi đầu, điểm xuất phát. Sang đoạn thơ thứ 2, cánh cò đã trở thành người bạn tuổi ấu thơ, theo cùng con người trên mỗi chặng đường đi tới, thành bạn đồng hành của con người trong suốt cuộc đời.
- Cánh cò không mệt mỏi, bay qua mọi không gian, thời gian, luôn luôn ở bên con từ trong nôi đến khi trưởng thành. Cánh cò ấy như đang bay theo từng mơ ước, khát khao của con. Ở đoạn thơ này, hình ảnh con cò đã mang ý nghĩa biểu tượng cho lòng mẹ, hiện thân cho người mẹ về sự chở che, dìu dắt, nâng đỡ, bao dung, vừa dịu dàng vừa bền bỉ của người mẹ hiền với con.
Câu 4 (Trang 48 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
"Con dù lớn vẫn là con của mẹ"
Câu thơ giàu tính triết lí và trí tuệ đã khái quát một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc. Đứa con dù có khôn lớn, trưởng thành thì đối với những người mẹ thì chúng mãi là những đứa con bé bỏng cần bao bọc, chở che. Và dù bước chân của con có đi đến nơi chân trời góc bể thì tấm lòng người mẹ cũng không một phút giây rời xa con: "Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con."
"Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi"
Những câu thơ triết lí mà vẫn mang âm hưởng lời ru nhẹ nhàng mà sâu sắc. Người mẹ hóa thân vào cánh cò bay lả bay la, cuộc đời của mẹ cũng vất vả, nhọc nhằn và sương gió như những cánh cò phải đi kiếm ăn. Câu thơ gợi nhiều liên tưởng sâu xa, giàu ý nghĩa, khiến cho tình mẫu tử trở nên vô cùng thiêng liêng. Và con sẽ mang theo hình ảnh con cò, mang theo những lời hát ru, mang theo tình mẹ như một hành trang không thể thiếu để bước vào đời.
Câu 5 (Trang 48 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
- Đoạn 1: Qua những lời ru quen thuộc, thắm thiết của mẹ, hình ảnh “con cò” đã đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô thức. Những câu ca dao thể hiện ý nghĩa phong phú của biểu tượng con cò: đó là hình ảnh bình dị đặc trưng của làng quê Việt Nam.
- Đoạn 2: Hình ảnh con cò đã trở thành biểu tượng cho tấm lòng, tình cảm, sự hi sinh của mẹ dành cho con. Cánh cò trở thành người bạn đồng hành suốt cuộc đời con từ khi trong nôi cho đến lúc con trưởng thành.
- Đoạn 3: Hình tượng con cò được khai thác ở ý nghĩa tượng trưng cho tấm lòng người mẹ lúc nào cũng theo sát bên con. Dù là ở đâu, dù là lúc nào, dù là cuộc sống có nhọc nhằn ra sao thì mẹ vẫn luôn ở bên con. Hình tượng ấy được nhà thơ nhấn mạnh, khái quát thành một quy luật sâu sắc, bền vững của tình mẫu tử.
Câu 6 (Trang 48 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
- Bài thơ sử dụng thể thơ tự do, ngắn gọn, xúc tích, những lời ru được lặp lại nhiều lần tạo nên âm hưởng du dương và tính nhạc cho bài thơ
- Nhịp điệu thơ giàu nhạc điệu như những lời ca dao khiến cho lời thơ dễ dàng đến với tâm thức của người đọc.
- Giọng điệu: bài thơ có giọng điệu suy ngẫm và tính triết lí, làm cho bài thơ không chỉ cuốn người đọc vào âm điệu lời ru mà còn hướng nhiều hơn vào sự suy ngẫm và phát hiện.
- Viết bài thơ Con cò với thể thơ tự do, là thơ của hiện đại nhưng Chế Lan Viên lại sử dụng hình ảnh con cò trong ca dao. Hình ảnh con cò vốn có một giá trị biểu tượng sâu sắc cho những số phận lam lũ, vất vả trong cuộc đời. Nhà thơ so sánh hình ảnh người mẹ với hình ảnh con cò, tuy không phải điểm mới nhưng ý thơ lại có nhiều sự liên tưởng sâu xa, nhiều tầng ý nghĩa. Qua đó cho thấy nét đặc sắc trong việc sử dụng hình ảnh thơ và tài năng của nhà thơ Chế Lan Viên.
Thông qua phần Soạn bài Con cò của Chế Lan Viên, Cunghocvui hi vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!