Đăng ký

Bài phân tích Tuyên ngôn độc lập chi tiết nhất- Ngữ văn 12 Tập 1

2,758 từ Phân tích

Phân tích Tuyên ngôn độc lập - Ngữ văn 12

      Tuyên ngôn độc lập là một văn bản mang tính lịch sử và chính trị của cả dân tộc. Văn bản như một cột mốc chấm dứt chế độ thực dân phong kiến và khai sinh ra một kỷ nguyên độc lập mới. Ngoài ra, bài văn còn hội tụ những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của một vị anh hùng vĩ đại của dân tộc. Cùng nhau phân tích tuyên ngôn độc lập để hiểu rõ hơn nhé!

Bài phân tích tuyên ngôn độc lập chi tiết, đầy đủ- CungHocVui

Bài phân tích tuyên ngôn độc lập chi tiết, đầy đủ

Mở bài phân tích tuyên ngôn độc lập- Hồ Chí Minh đầy đủ, chi tiết

      Hồ Chí Minh - một vị lãnh tụ thiên tài, người anh hùng dân tộc là người không những có công đưa đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của bọn giặc ngoại xâm mà còn là một nhà văn, nhà thơ với hàng loạt các tác phẩm ghi tên vào kho tàng văn học nghệ thuật của dân tộc. 

      Một trong những tác phẩm in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc của Bác là bản Tuyên ngôn độc lập. Ra đời vào năm 1945, khi dân tộc Việt Nam giành lại nền độc lập từ tay Pháp, đây là một áng văn tiêu biểu cho phong cách văn chính luận của Bác.

Thân bài phân tích tuyên ngôn độc lập chi tiết

      Hồ Chí Minh mở đầu bản Tuyên ngôn với những dẫn chứng về hai bản Tuyên ngôn đã có trước đó của Mỹ và Pháp. Bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ năm 1776 đã ghi rõ rằng “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 

Xem thêm: 

Soạn tuyên ngôn độc lập phần tiếp theo (ngắn gọn)

Hướng dẫn soạn tuyên ngôn độc lập chi tiết

      Bên cạnh đó, trong “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Pháp vào năm 1791 cũng đã chỉ ra “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. 

      Việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn của hai cường quốc không chỉ mang lại tính khách quan cho những lập luận và tuyên bố mà tác giả nêu lên sau đó mà còn thể hiện thái độ tôn trọng những giá trị đã được cả thế giới công nhận. Đây cũng được Hồ Chủ tịch sử dụng có chủ đích như một đòn giáng “gậy ông đập lưng ông”, lấy chính những lập luận, tư tưởng của Pháp để phản bác lại sự xâm lược của nước này. 

      Đặc biệt, phần mở đầu này còn mang đậm bút pháp nghệ thuật thiên tài của Bác khi Người đã lấy quyền con người của chính hai bản tuyên ngôn trên để suy rộng ra quyền cơ bản của tất cả dân tộc trên thế giới “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới dều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

      Tiếp tục những cơ sở pháp lý đó, Bác còn nêu lên cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn. Từ nối “thế mà” chuyển giao từ phần một sang phần hai đã rất khéo léo thể hiện sự đối lập giữa lời nói và hành động của bọn thực dân Pháp. 

Bản tuyên ngôn tố cáo tội ác của thực dân Pháp- CungHocVui

Bản tuyên ngôn tố cáo tội ác của thực dân Pháp

      Tác giả đã đi sâu, vạch trần bộ mặt thật tàn ác của chúng, liệt kê ra hàng loạt các tội ác man rợ của chúng trên tất cả mọi lĩnh vực. Chúng thực hiện chính sách ngu dân với hàng loạt các đạo luật dã man, chúng lập ba chế độ khác nhau ở ba miền của đất nước ta để ngăn chặn nhân dân ta đoàn kết, chúng “lập nhà tù nhiều hơn trường học”, chúng “ràng buộc dư luận”, chúng “thi hành nhiều chính sách dã man”, chúng “bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo đói, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. 

      Một lần nữa, chủ tịch Hồ Chí Minh kể ra chi tiết và rõ ràng những hành động mà bọn chúng đã làm như “cướp không ruộng đất của nhân dân, giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng, đặt ra hàng loạt thứ thuế hết sức vô lý, bóc lột nhân dân vô cùng tàn nhẫn”... 

      Những chính sách “bảo hộ” ấy đã để lại hậu quả nặng nề và sâu sắc cho nhân dân, khi mà “từ năm ngoái đến đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ có hơn 2 triệu đồng bào chết đói”. Có thể thấy, những tội ác mà bọn thực dân Pháp đã giáng xuống nước và dân ta là không thể dung tha. 

Xem thêm:

Soạn tuyên ngôn độc lập phần 1 Tác giả

Dàn ý phân tích bài tuyên ngôn độc lập đủ ý

      Đặc biệt, giọng điệu của Bác càng trở nên đanh thép, tội ác của Pháp càng được nhấn mạnh với phép điệp cấu trúc được Bác sử dụng vô cùng khéo léo. Không những thế, tác giả còn một lần nữa vạch trần luận điệu xảo trá và đê hèn của thực dân Pháp khi chúng “hai lần bán nước ta cho Nhật”. 

      Khép lại những cơ sở lý luận trên, Bác nhẹ nhàng nêu lên sự đối lập giữa bọn thực dân hèn hạ và sự bất khuất chống giặc của nhân dân Việt Nam. Cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam là cuộc Cách mạng đặt chính nghĩa lên hàng đầu khi “Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh chống Nhật”. Hơn nữa, chúng ta đã rất nhân đạo và khoan hồng khi “giúp nhiều người Pháp chạy qua biên thùy”, “cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam của Nhật”,... 

      Những dẫn chứng của Hồ Chủ tịch hết sức cụ thể, chi tiết đã nêu lên sự đối lập giữa địch và ta. Trong khi bọn thực dân gian ác và đê hèn thì nhân dân Việt Nam luôn đứng về chính nghĩa, không sợ sệt, bất khuất giành lại nền độc lập.

 

Bản tuyên ngôc độc lập năm 1945- CungHocVui

Cuộc cách mạng của nhân dân ta

       Trên những cơ sở đã nêu ra, phần cuối của bản Tuyên ngôn là lời trịnh trọng tuyên bố nền độc lập của dân tộc. Lời tuyên bố ngắn gọn nhưng đã khẳng định được sự tự do của dân tộc ta, chứng minh nước ta “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước, mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

     Đồng thời Bác tuyên bố từ đây Việt Nam dân chủ cộng hòa là một quốc gia độc lập, tự do. Quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc của dân tộc và của Bác chắc chắn hơn bao giờ hết, đanh thép hơn bao giờ hết.

Kết bài phân tích tuyên ngôn độc lập

      Tuyên ngôn độc lập không những là một áng văn lịch sử hùng hồn, một tác phẩm nghệ thuật ghi danh với thời đại mà còn là tiếng nói của toàn dân tộc Việt Nam. Với lập luận chặt chẽ, đanh thép, dẫn chứng thuyết phục, Bác đã tuyên bố với bọn giặc xâm lược, với nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế về nền độc lập dân tộc và chủ quyền của đất nước Việt Nam. 

     Tuyên ngôn độc lập tuy đã ra đời từ lâu, đất nước ta đã hòa bình, nhưng đây vẫn là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử sáng ngời, luôn nhắc nhở những thế hệ sau này cùng nhau giữ vững độc lập chủ quyền mà ông cha ta đã khó khăn giành được. Hy vọng bài phân tích tuyên ngôn độc lập giúp bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm.