Đăng ký

Phân tích truyện Tôi đi học và nói lên cảm nghĩ của em

2,368 từ Văn mẫu

Đề bài: Phân tích truyện Tôi đi học và nói lên cảm nghĩ của em

Bài làm

   "Tôi đi học" là một truyện ngắn mang màu sắc hoài niệm của Thanh Tịnh in trong tập “Quê mẹ”, xuất bản năm 1941. Tác giả kể lại những kỉ niệm êm đềm, sâu sắc của tuổi thơ, trong buổi tựu trường đầu tiên trong đời, khi ông được mẹ dẫn đi đưa vào học lớp 5, lớp đầu cấp tiểu học của trường Pháp - Việt trước năm 1945.

   Mở đầu truyện là hai câu văn được tạo thành hai đoạn văn rất gợi cảm. Câu một nối sắc thu với lá rụng, với mây “bàng bạc” gợi nhớ những kỉ niệm “mơn man” nhè nhẹ lâng lâng của buổi tựu trường. Câu văn thứ hai, tác giả dùng một hình ảnh so sánh - nhân hóa để hình tượng cảm giác trong sáng nảy nở trong lòng “như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Giọng văn nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Những thế hệ học trò ngày xưa đã học thuộc lòng hai câu văn này:

   “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.

   Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.

   Buổi tựu trường xa xưa ấy thật đáng nhớ, đó là “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”, cậu con trai bé bỏng được mẹ “âu yếm nắm tay dẫn đi”. Con đường đi đến trường là con đường làng “dài và hẹp” vốn “dã quen đi lại lắm lần” nhưng tự nhiên chú bé “thấy lạ”. Cảnh vật quê nhà hình như “đều thay đổi” bởi lẽ “vì chính lòng tôi đã có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”. Chú bé 7, 8 tuổi cảm thấy mình đã lớn, không còn chơi bời lêu lổng “lội qua sông thả diều như thằng Quý và không đi ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa”.

   Buổi tựu trường xa xưa ấy thật đáng nhớ. Chú bé cảm thấy mình “trang trọng và đứng đắn” khi được mặc chiếc áo vải dù đen dài, khi trong tay cầm hai quyển vở mới. Chú rất “thèm” cảnh mấy cậu nhỏ bằng trạc tuổi mình “áo quần tươm tất nhí nhảnh”’ gọi tên nhau, trao sách vở cho nhau xem, có nhiều cậu vừa ôm sách vở vừa cầm cả bút thước nữa. Mẹ chú đã cầm bút thước hộ chú. Chú non nớt ngây thơ nghĩ “chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước”. Ý nghĩ ấy thoáng qua tâm trí chú bé “như làn mây lướt ngang trên bầu trời. Lần thứ hai, Thanh Tịnh lại sáng tạo nên một so sánh lí thú thể hiện ý nghĩ hồn nhiên ngây thơ của chú bé trên đường tựu trường.

   Phần thứ hai của truyện nhắc lại những cảm xúc, ý nghĩ về ngôi trường, vể quang cảnh ngày tựu trường và những xúc động của chú bé. Trường làng Mĩ Lí đã được chú bé ghé lại một lần chỉ cách ngày tựu tnường mấy hôm, khi chú đi bẫy chim quyên với thằng Minh. Đối với chú, đó là một nơi xa lạ; các lớp có cửa kính, có bản đồ treo trên tường. Nhưng buổi tựu trường hôm nay, chú lại thấy khác. Trường Mĩ Lí vừa xinh xắn, vừa oai nghiêm như cái đình làng Hoà Ấp. Vì thế chú bé "đâm ra lo nghĩ vẩn vơ". Đó là tâm trạng hồn nhiên, ngây thơ của tuổi thơ trong buổi tựu trường khi đứng trước ngôi trường xa lạ mới mẻ. Trường Mĩ Lí như một ngày hội: "người nào cũng áo quần “sạch sẽ”, gương mặt cũng tươi sáng. Thanh Tịnh đã ghi lại rất sống, rất chân thực cảm động những rung động, những biến chuyển tâm lí của những cậu học trò mới. Họ “bỡ ngỡ đứng bên người thân”, “chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước. Đây là một so sánh rất hay nói lên tâm lí đáng yêu ấy: “Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời cao rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ".

   Tiếng trống trường, tiếng trống trường ngày khai giảng, tiếng trống ngày tựu trường ở đâu và bất cứ thời nào cũng gây nên những xao động, hồi hộp kì lạ. Hồi trống buổi tựu trường của trường Mĩ Lí đã "thúc vang dội cả lòng" chú bé. Khi học sinh xếp hàng vào lớp, chú cảm thấy mình và tất cả học trò mới đều bắt đầu “vụng về lúng túng”. Và khi ông đốc gọi tên, khi ông đốc nói..., các em học trò mới vào học lớp Năm “đã lúng túng càng lúng túng. Mặt nhiều em “thút thít”. Riêng chú bé thì có “bàn tay mẹ nhưng vẫn dúi đầu vào lòng mẹ nức nở khóc”. Có bao giờ chú quên được cái bàn tay yêu thương của mẹ nhẹ vuốt lên mái tóc mình. Tuy vậy, chú bé khi xếp hàng vào lớp Năm, được thầy giáo trẻ tuổi tươi cười đứng đón trước cửa lớp, nhưng chú vẫn cảm thấy lẻ loi: "Trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy mẹ tôi xa tôi như lần này."

   Phần thứ ba của truyện nói lên cảm xúc, ý nghĩ của chú bé khi ở trong lớp. Chú cảm thấy một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Chú nhìn các vật treo trên tường đều “thấy lạ và hay hay”. Nhìn bàn ghế rồi nhìn bạn, cả con chim đậu bên cửa sổ. Chú lại trở về thực tại, khi nghe tiếng phấn của thầy gạch mạnh trên bảng đen. Chú vòng tay lên bàn. Chú lẩm nhẩm đánh vần. Bài viết tập đọc là bài học đầu tiên trong buổi tựu trường thời thơ ấu của chú. Kỉ niệm ấy như một dấu son trong tâm hồn vô cùng tươi sáng.

   Tôi đi học là một trang hồi ức cùa Thanh Tịnh. Nhân vật tôi thể hiện rất sống, rất đáng yêu. Được mẹ hiền dắt tay đưa đến trường trong ngày tựu trường, nhưng chú vẫn cảm thấy hồi hộp, lo sợ, lẻ loi trước cảnh trường mới, thầy giáo mới, bạn học mới... Chú và bạn bè tuổi thơ đang ngỡ ngàng trước một chân trời mới, rất đẹp và mênh mông bao la.

   Tôi đi học là trang văn đầy chất thơ. Chất thơ của kỉ niệm thời thơ ấu ngày tựu truờng. Chất thơ ở giọng văn nhẹ nhàng truyền cảm. Chất thơ ở sự lắng đọng và khơi gợi tâm hồn kí ức thời cắp sách trong mỗi chúng ta. Tôi đi học là một tiếng lòng man mác, bâng khuâng của một thời để nhớ, một thời để yêu.