Đăng ký

Phân tích Hồi trống Cổ Thành của tác giả La Quán Trung- CungHocVui

2,574 từ Phân tích

Phân tích Hồi trống Cổ Thành của tác giả La Quán Trung

     Hồi trống Cổ Thành là một tác phẩm của La Quán Trung nằm trong chương trình ngữ văn 10. Tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết chương hồi, mang đến nhiều giá trị nhân văn đẹp đẽ. Hãy cùng CungHocVui khám phá nội dung và ý nghĩa của tác phẩm thông qua bài viết phân tích Hồi trống Cổ Thành dưới đây nhé.

Phân tích Hồi trống Cổ Thành chi tiết, hay - CungHocVui

Phân tích Hồi trống Cổ Thành chi tiết, hay 

Mở bài phân tích Hồi trống Cổ Thành

                                    “Chém Sái Dương anh em hòa giải,

                                    Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên.”

      Tam Quốc Diễn Nghĩa là một tác phẩm đã đi vào lòng bao thế hệ vì những giá trị nhân đạo mà nó mang đến và chạm được trái tim người đọc. Và không thể không nhắc đến La Quán Trung, một con người tài năng được lớn lên vào thời kì đầu nhà Minh. Ngòi bút của ông đã sáng tác nên tác phẩm nổi tiếng và kể lại quá trình hình thành và phân chia của ba triều đại thời phong kiến. Trong đó, một trích đoạn thuộc hồi thứ 28 của Tam Quốc Diễn Nghĩa không thể không nhắc đến đó là Hồi trống Cổ Thành. Đoạn trích đã kể về những nhân vật anh hùng với những nét tính cách khác nhau nhưng đều một lòng vì vua và đất nước dù có bất kì chuyện gì xảy ra.

Xem thêm: 

Dàn ý phân tích Hồi trống Cổ Thành có gợi ý

Thân bài phân tích Hồi trống Cổ Thành

    Trương Phi và Quan Công là hai nhân vật được La Quán Trung xây dựng trong đoạn trích Hồi trống Cổ Thành. Họ đã gặp nhau ngay trước cổng Cổ Thành và sau đó trở thành anh em tốt của nhau. Dù vậy nhưng cả hai đều có những nét tính cách trái ngược hoàn toàn với nhau, một người thì nóng nảy, hấp tấp trong hành động còn một người thì điềm đạm và cư xử khéo léo trong mọi tình huống. Nhưng sau đó, Trương Phi đã hiểu lầm Quan Công và cho rằng người này đã phản bội lời thề của cả hai.

      Khi cả hai người gặp lại nhau, nó giống như một bức tranh được ngăn cách bởi hai gam màu nóng và lạnh. Lúc biết sắp được gặp Trương Phi, Quan Công vô cùng vui mừng và rất háo hức được gặp người em trai. Còn đối với Trương Phi thì lại khác, khi biết mình gặp Quan Công, hắn ta liền “chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặt áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một ngàn quân đi tắt ra cửa Bắc”, thậm chí “Trương Phi mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”.

      Có thể thấy một điều rằng, Trương Phi vô cùng nóng giận mà không muốn nhìn thấy mặt người anh của mình, và cũng cho rằng không cần nghe một lời giải thích nào từ người đã phản bội mình. Hành động và thái độ của Trương Phi vô cùng kiên quyết và đôi khi còn có phần nóng nảy vì chưa nghe hết sự tình nhưng vẫn cố chấp. Riêng Quan Công thì vẫn điềm đạm và bĩnh tĩnh giải quyết sự việc, anh còn cầu cứu hai người chị của mình là Mi phu nhân và Cam phu nhân, rằng “chuyện này em cũng không biết, ta cũng khó nói. May có hai chị ở đây, em đến mà hỏi”, nhưng rốt cuộc vẫn chẳng thể nào xoay chuyển được tình thế vì sự quyết liệt của Trương Phi.

 

Phân tích Hồi trống Cổ Thành chi tiết, hay

Vẻ đẹp lí tưởng của những con người anh hùng

      La Quán Trung đã thành công trong việc xây dựng nhân vật với ý nghĩa mang tính biểu tượng. Mỗi nhân vật, là một tính cách khác nhau và điều đó được thể hiện rõ nét thông qua lời nói và hành động giải quyết sự việc của họ. Với Trương Phi, một con người quyết liệt, rõ ràng trong mọi chuyện còn Quan Công thì luôn từ tốn, tính trung nghĩa được thể hiện rõ nét và một thái độ dịu dàng với người em của mình.

      Sự xung đột của Trương Phi và Quan Công có lẽ được đẩy lên đỉnh điểm đó là cho đến khi Sái Dương xuất hiện. Thoạt đầu, Trương Phi còn tỏ ra lo ngại, cho rằng Quan Công đang đem quân đến bắt mình. Lúc này, anh càng chắc nịch một điều rằng chính Quan Công đích thị là một kẻ phản bội và đến tận bây giờ giống như một nhát dao đâm mạnh vào tim anh. Với anh, Quan Công bây giờ chẳng khác nào một kẻ thù không đội trời chung. Sau đó, Quan Công liền nghĩ ra một cách để giải quyết vấn đề và cũng là để minh oan cho bản thân trước mặt người em của mình.

      Quan Công đã xin được chém đầu Sái Dương để thể hiện sự trung thành của mình. Việc chém đầu Sái Dương chẳng là một việc gì quá đỗi khó khăn với Quan Công vì anh ta là một vị tướng giỏi, nhưng việc này là để minh chứng cho sự trung nghĩa của mình. Sau đó, Trương Phi đã đưa ra một lời thách thức với Quan Công, rằng sau ba hồi trống thì anh ta phải chém đầu Sái Dương. Nhưng Trương Phi không ngờ rằng, chỉ chưa đến một hồi trống thì Quan Công đã chém đầu Sái Dương trước mặt mình. Trương Phi tỏ ra bất ngờ nhưng cũng chưa hoàn toàn tin vào anh trai mình.

      Sau đó, Trương Phi hỏi tên lính, nghe thêm lời của chị dâu và rồi anh ta bắt đầu đỏ mắt và thụp lạy Quan Công. Có thể nói, dù Trương Phi là một người nóng nảy trong hành động và không chịu nghe sự việc rõ ràng, nhưng bản thân Trương Phi là một người vô cùng giàu tình cảm. Khi nhận ra lỗi lầm của mình, anh đã biết sửa sai và đã đoàn tụ cùng người anh trai Quan Công. Qua mâu thuẫn, xung đột giữa hai anh em thì có thể thấy một điều rằng, Quan Công là một anh hùng có tính cách trung nghĩa, một con người bản lĩnh và không sợ sệt trước sự hiểu lầm của người em. Bản thân Quan Công đã là một dũng tướng vĩ đại vì sự điềm đạm, bình tĩnh và khéo léo của mình, một con người có khí phách oai phong lẫm liệt.

      Hồi trống Cổ Thành đã được La Quán Trung vận dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng thành công, bên cạnh đó tác giả còn xây dựng tình huống xung đột vô cùng kịch tính để đẩy tâm lí nhân vật lên cao trào và rõ nét. 

Kết bài phân tích Hồi trống Cổ Thành

      Hồi trống Cổ Thành với ba hồi trống mang ba ý nghĩa về những điều vẹn toàn. Đó là hồi trống của sự thách thức từ Trương Phi, đó là hồi trống của sự minh oan từ Quan Công và đó là hồi trống đoàn tụ sau bao hiểu lầm của hai anh em. La Quán Trung đã mang đến cho người đọc nhiều thông điệp đẹp đẽ, về khí phách anh hùng, về tình nghĩa anh em và sự trung thành của những con người có lí tưởng cao đẹp dành cho đất nước.

      Thông qua phần phân tích bài Hồi trống Cổ Thành, hy vọng bạn đọc sẽ thấu hiểu được thông điệp cũng như ý nghĩa của đoạn trích trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa mà tác giả mang đến.

shoppe