Đăng ký

Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia Vũ Trọng Phụng

4,462 từ Phân tích

Phân tích Hạnh phúc của một tang gia

       Đám tang thường là nơi con người bày tỏ tấm lòng của mình với người đã khuất thế nên bầu không khí lúc nào cũng trở nên u uất, bi thương. Thế nhưng ở đám tang của cụ cố tổ, ta lại thấy có một đám tang đi ngược lại với những lẽ thông thường. Mời các bạn đọc bài phân tích Hạnh phúc của một tang gia để hiểu rõ hơn về điều phi lý ấy.

Phân tích hạnh phúc của một tang gia

Mở bài phân tích Hạnh phúc của một tang gia

       Được xem là hiện tượng độc đáo của nền văn học Việt Nam, “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng xuyên suốt cuộc đời của mình đã đấu tranh với xã hội đầy rẫy sự tha hóa bằng con chữ. Hai mươi bảy năm tuổi đời những ông đã dành tám năm cuộc đời để cống hiến cho nghệ thuật. Vũ Trọng Phụng để lại cho thế hệ sau không chỉ là những áng văn mà còn là tiếng nói bất bình của một tri thức trong buổi tao loạn Tây Tàu nhố nhăng thông qua nghệ thuật trào phúng của mình. Không thể không nhắc đến tác phẩm “Số Đỏ” và cụ thể là đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” là toàn bộ chương XV, là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm còn thể hiện rõ nét phong cách văn chương của ông.

Phân tích nhan đề “Hạnh phúc của một tang gia” trích trong tác phẩm “Số Đỏ”

       Ngay từ nhan đề, Vũ Trọng Phụng đã thu hút sự tò mò của độc giả một cách tinh tế bằng cách đặt một nhan đề lạ lùng, gợi lên hứng thú cho người đọc. Nhan đề thoạt nhìn sẽ thấy phi lý những khi ta đọc xong tác phẩm, chiêm nghiệm lại sự dị dạng của con người trong xã hội tư sản hóa cuối mùa lại thấy rất hợp lý. Tang gia gắn liền với sự mất mát, đau thương, nơi con người dành những sự thương xót cho người đã khuất.

       Ở “Hạnh phúc của một tang gia”, ta thấy một sự đi ngược với lẽ đời khi có những niềm hân hoan, hạnh phúc từ chính những đứa con, đứa cháu trước sự ra đi của người thân mình. Sử dụng đồng thời những cặp từ “Hạnh phúc” và “tang gia” mang hàm ý trái ngược nhau như một tiếng cười chua chát, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện rõ đặc sắc nghệ thuật trào phúng ngay với nhan đề.

Xem thêm: 

Top 3 mẫu tóm tắt Hạnh phúc của một tang gia hay nhất

Ý nghĩa điệp khúc "Đám cứ đi" trong tác phẩm

Phân tích đoạn trích hạnh phúc của một tang gia qua niềm hạnh phúc riêng của từng người trong gia đình trước cái chết của cụ cố tổ

     Không một sự thương xót, đám tang của cụ cố tổ diễn ra trong không khí hoan hỷ, mỗi người con, người cháu trong gia đình đều mang một niềm vui riêng. Sự biến chất về nhân cách trong đại gia đình bất hiếu này được thể hiện ở một tâm thế chung là chờ đợi được chia khối tài sản kếch xù mà chẳng có lấy một sự tiếc thương, một giọt nước mắt cho cụ cố tổ. “Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm” - Một câu văn miêu tả trọn vẹn, đúng nghĩa sự nghịch lý trái với đạo lý thông thường mà ta thường thấy trong một đám tang. “

     Cái chết” nhưng lại mang đến niềm sung sướng cho mọi người bởi tất cả những gì tồn đọng bên trong những con người ấy chẳng còn là nhân tính hay tình người. Cái chết của cụ cố tổ mang đến niềm vui riêng cho mỗi con người được biến tấu qua muôn hình vạn kiểu.

     Niềm vui đầu tiên được thể hiện thông qua nhân vật cụ cố Hồng, ông chờ đợi sự trọng vọng về tuổi tác của mọi người đối với mình thể hiện qua danh xưng “cụ Hồng”. Cụ cố tổ mất đồng nghĩa với việc con giai nhớn là “cụ Hồng” là người chiếm uy quyền nhất nhà, uy lực từ cái danh xưng ấy khiến ông thèm khát đến cực cùng.

     Tuy vẫn còn trẻ, chưa đến tuổi thọ nhưng ông vẫn có tham vọng được gọi bằng cụ, thích được người trong gia đình và xã hội tôn sùng, trọng vọng, kính nể. Niềm vui vì được diễn trò già yếu trước mặt mọi người cùng với ý nghĩ mơ màng được mặc áo xô gai, lụ khụ ho khạc mếu máo để được nghĩ “Úi giời con giai nhớn đã già thế kia”. Chỉ vì muốn được gọi là “cụ” mà con trai trưởng lại muốn bố mình mất đi – một lý do quá đỗi khôi hài nhưng khi đi sâu vào đoạn trích ta còn thấy được muôn kiểu lý do cũng khôi hài không kém.  

     Ông Văn Minh vui mừng vì cái chúc thư cụ cố tổ để lại chỉ đến khi cụ mất nay đã đi vào thời kì thực hành. Đây có lẽ là thời khắc ông chờ đợi đã lâu bởi cái sản nghiệp mà cụ cố tổ để lại cho các con, các cháu bấy giờ mới trở thành hiện thực mà đứa cháu trai này lại đang đứng ngồi không yên, trông đợi từng giây, từng phút.

Xem thêm:

Phân tích nhân vật "Xuân tóc đỏ" trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng

Cảnh đám ma gương mẫu qua ngòi bút châm biếm của Vũ Trọng Phụng

     Đấy có lẽ cũng là tâm lý chung của con cháu trong gia đình bởi thứ họ quan tâm hàng đầu là liệu bản thân sẽ nhận được bao nhiêu trong bức chúc thư nay đã được hiện thực hoá. Một đứa cháu đầy dã tâm với món hời về tài sản trước mắt phút chốc lại khiến con người dễ dàng đánh mất đi nhân tính vốn có của mình.

     Bà Văn Minh lại dùng đám tang của cụ cố tổ phục vụ cho việc quảng bá thương hiệu của mình. Đám tang được bà sử dụng để trưng bày những mốt áo tang mới nhất, những người trong gia đình cùng diện những mốt áo tang tân thời ấy, đi đi lại lại trong đám tang ắt hẳn sẽ thu hút được ánh nhìn của giới thượng lưu. Đám tang của cụ cố tổ là một đám tang trang trọng và tầm cỡ, nhất định sẽ có nhiều người từ tầng lớp hạ lưu đến thượng lưu tham dự, bà Văn Minh nghĩ rằng không có một dịp nào thích hợp hơn “ngày hội” lớn này. Đau lòng thay thời khắc để tưởng nhớ người quá cố lại bị biến thành công cụ mang lại lợi nhuận cho việc kinh doanh, quảng bá thương hiệu cho cửa hàng Âu hóa.

     Nếu bà Văn Minh dùng đám tang làm dịp quảng bá thương hiệu cho mình thì cô Tuyết lại dùng nó để diện bộ y phục mốt nhất trước người yêu và mọi người. Bộ y phục với tên gọi ‘Ngây thơ” được miêu tả “cái áo dài voan mỏng, trong cóc – sê, trông như hở cả nửa nách và vú”. Bộ trang phục lệch lạc làm mất đi sự tôn nghiêm cần thiết của một đám tang. Bộ y phục khoác lên người ý nghĩa rằng khẳng định bản thân vẫn còn trinh tiết nhưng lại như biến thành một sự phỉ báng, không tôn trọng người đã khuất.

       Thế nhưng khi không thấy Xuân tóc đỏ, cô Tuyết đau khổ như kim đâm vào lòng, khuôn mặt diễn một nét “buồn lãng mạn”. Chỉ bằng một hành vi thiếu tinh tế, cô Tuyết được hiện lên với dáng vẻ một người con gái hư hỏng, lẳng lơ, đồng thời cũng là sự mục nát về nhân cách như các thành viên khác trong gia đình. 

     Cậu Tú Tân lại được dịp sướng điên người vì được sử dụng chiếc máy ảnh đã lâu không có dịp dùng đến. Cậu chạy đi chạy lại khoa chân múa tay yêu cầu mọi người thể hiện kiểu này, kiểu khác, thay đổi góc chụp như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Một sự vô tâm, thờ ơ với người đã khuất được hiện hữu qua đứa cháu trai khiến người đọc không khỏi ngán ngẩm. 

     Một nhân vật hạnh phúc với cái chết của cụ cố tổ hơn tất thảy là Xuân tóc đỏ, với cái chết của cụ cố tổ, danh dự của hắn lại càng tăng lên, ngày một đáng tin cậy hơn, uy tín hơn.

Phân tích hạnh phúc của một tang gia qua niềm hạnh phúc của người ngoài trước cái chết của cụ cố tổ

Hạnh phúc của một tang gia

    Đám tang như một dịp để bạn của cụ cố Hồng chưng diện, khoe khoang những thành tích, các mề đay và kiểu râu. “Bắc Đẩu bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn Tượng bội tinh”, muôn kiểu mề đay khác nhau được diện ra một cách hống hách, khoe khoang, thiếu tinh tế. Đây là một dịp thích hợp để họ trưng ra những thứ chiến tích hão huyền của mình trước thiên hạ, họ thèm khát những ánh mắt trầm trồ, ngưỡng mộ. Đây cũng là cơ hội để họ chen nhau ngắm bộ ngực của cô Tuyết qua bộ y phục Ngây Thơ.

     Đám bạn của những người trong gia đình là những giai thanh gái lịch lại tận dụng đám tam để diện những bộ cánh hiện đại nhất. Đám tang là nơi họ sử dụng để thể hiện trang phục họ muốn rồi chim chuột nhau, cười tình với nhau rồi lại bình phẩm, nói xấu nhau.

Phân tích toàn cảnh một đám ma gương mẫu

     Toàn cảnh đám tang được miêu tả không thiếu bất cứ thứ gì từ kiệu bát cóng, lợn quay đi lộng cho đến bú dích và vòng hoa, vài trăm người đi đưa đủ để “người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng”. Thế nhưng thứ duy nhất thiếu trong đám tang cụ cố tổ chính là tình người khi đám con cháu cứ vô tư thể hiện là một người con, người cháu hiếu thuận một cách trơ trẽn. Cậu tú Tân chỉ huy những nhà nhiếp ảnh gia, chạy đôn chạy đáo như một người nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Xem thêm:

Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong Hạnh phúc của một tang gia

Dàn ý phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Phân tích hạnh phúc của một tang gia: cảnh đám tang đi trên đường

     Điệp khúc “đám cứ đi” được lặp lại nhiều lần như một sự kéo dài bất tận, miên viễn của người đưa đám. Những người đưa đám cứ thế nối tiếp nhau dài vô tận đi trong sự trầm trồ, ngưỡng mộ của người đi đường. Một sự chậm chạp kéo dài xen lẫn với sự nhốn nháo khiến cảnh đưa tang lại như một chuyến trẩy hội. Một sự kết hợp đầy nhố nhăng giữa Ta, Tây và Tàu vừa thể hiện sự giàu có một cách thiếu tinh tế, vừa như một sự ngoại lai rẻ tiền. Ai ai cũng muốn phô sự giàu sang của mình một cách hợm hĩnh khiến đám tang như biến thành một trò đùa. Đám đi đến đâu cũng khiến người ta trầm trồ đến đấy vì đám to và thật long trọng, đúng với tâm ý của cụ cố Hồng.

Phân tích cảnh hạ huyệt trong Hạnh phúc của một tang gia 

     Cảnh hạ huyệt chính là cảnh cao trào nhất cả đoạn trích bởi nó hội tụ đủ những chi tiết vô nhân đạo, vô đạo đức của cả một đại gia đình. Cụ Hồng lúc hạ huyệt cũng “không nén được sự đau lòng” mà “ho khạc” “mếu máo” đến mức ngất đi. Bên cạnh ông, ông Phán mọc sừng cũng hòa vào không khí đau thương mà khóc to “Hứt..Hứt..Hứt”. Cả đám tang được bao phủ bởi tiếng khóc “Hứt..Hứt..Hứt” thoạt nghe ái oán nhưng lại giả tạo, vô đạo đức đến tột cùng. Cả đám tang như sự đồi bại, bất hiếu, giả tạo của giới thượng lưu thời kì trước 1945.

Phân tích giá trị nghệ thuật trong hạnh phúc của một tang gia

     Bằng cách xây dựng một tình huống truyện độc đáo kết hợp với bút pháp trào phúng đặc sắc đã mang đến thành công lớn cho đoạn trích. Những chi tiết đối lập giữa bên trong và bên ngoài, trong cùng một sự vật, con người đã phản ánh lên được hiện thực đầy bất lương, vô nhân tính của giới thượng lưu ngày trước. Những thủ pháp cường điệu, mỉa mai được Vũ Trọng Phụng vận dụng một cách linh hoạt. 

Xem thêm:

Phân tích cảnh hạ huyệt trong hạnh phúc của một tang gia chi tiết

Phân tích cảnh đưa đám trong hạnh phúc của một tang gia hay nhất

Kết bài phân tích đoạn trích hạnh phúc của một tang gia

     Đoạn trích đã phê phán một cách gay gắt lối sống ô nhục, bất cần, khoe khoang của một bộ phận giới thượng lưu trước 1945. Một áng văn phản ánh hết những suy thoái trong nhân tính con người được thể hiện đặc sắc qua nghệ thuật trào phúng. Một đám  tang to lớn, long trọng được miêu tả là có tất cả từ vòng hoa, heo quay, võng lọng nhưng lại không có gì bởi nó không có thứ cần thiết nhất chính là tình người. 

shoppe