Đăng ký

Phân tích đoạn thơ trong bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương

1,348 từ

Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" của Huy Cận: Đây vị xương trần chân với tay … Cả cuộc đời nghe cả chuyện buồn”.

Giữa không khí phấn khởi của năm đầu miền Bắc bước vào kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961), bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận ra đời như một luồng gió mát đem lại niềm tin yêu đối với cuộc sống mới. Nội dung bài thơ nói lên suy nghĩ của Huy Cận khi thăm các pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương. Ba khổ trong phần đầu của bài thơ ghi lại những hình ảnh của các pho tượng La Hán:

Đây vị xương trần chân với tay
........................
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn….

Mỗi khổ thơ là một pho tượng La Hán được tác giả khắc họa bằng ngôn ngữ tạo hình, với dáng nét sôi động đến mức giống như con người thật đang trầm tư, vật vã, quằn quại vì bao nỗi khổ đau. Hơn nửa, ý thơ thể hiện được nội tâm qua những nét ngoại hình độc đáo của các pho tượng. Đầu tiên là hình ảnh của pho tượng thứ nhất:
 
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
 
Bằng cách chọn lọc những chi tiết ngoại hình xương trần chân với tay, tấm thân gầy, sâu vòm mắt, nhà thơ đã vẽ ra hình ảnh gầy guộc quá thể của vị La Hán. Bên trong tấm thân gầy gò ấy là sự đau đớn nội tâm của con người chịu nhiều sóng gió cuộc đời:
 
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
 
Đặc biệt là những nỗi đau đớn còn hiện lên đôi mắt đầy ưu tư phiền não:
 
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
 
Qua bao nhiêu thời gian đài đằng đẳng:
 
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
 
Pho tượng thứ hai được miêu tả thật sinh động:
 
Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Hồn thơ của Huy Cận đã nhập vào tinh thần của những đường nét khắc trên tượng gỗ. Ý thơ như đậm đặc những ấn tượng tạo hình. Hình ảnh pho tượng với những chi tiết sống thực mắt giương mày nhíu xệch, môi cong, gân vặn bàn tay như miêu tả con người đang căm phẫn và đau đớn trước bao nhiêu cái ác đang chà đạp lên cái thiện, cái xấu đang hủy hoại cái tốt trong xã hội phong kiến, như Nguyễn Du đã từng than thở trong Truyện Kiều:
 
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
 
Với pho tượng thứ ba, tác giả chú ý khắc họa đôi tai của vị La Hán. Đôi tai vừa rộng, vừa dài, đối lập với chân tay co xếp lại:
 
Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn….
 
Nếu pho tượng thứ hai biểu hiện thái độ căm phẫn đau đớn trước những điều mắt thấy thì pho tượng thứ ba nhấn mạnh đến tâm trạng đau buồn của vị La Hán trước những điều tai nghe:
 
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn….
 
Thật vậy, cuộc sống của con người trong xã hội cũ đầy những nghèo khổ, bất công, bế tắc:
 
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi.
(Chế Lan Viên)
 
thì chuyện nào chẳng là chuyện đáng buồn.
 
Tóm lại, hình ảnh ba pho tượng La Hán biểu hiện cuộc sống đầy đau thương, bế tắc của những kiếp người quằn quại đau khổ trong xã hội cũ bằng ngôn ngữ, hình ảnh có giá trị tạo hình, vừa diễn tả được tư tưởng, triết lí cuộc đời. Qua đó, đoạn thơ cũng thể hiện tấm lòng yêu thương con người của nhà thơ qua niềm thương cảm, suy tư đối với các pho tượng La Hán chùa Tây phương. 

shoppe