Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài Hầu Trời.
Đề bài
Đề bài: Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài Hầu Trời
Hướng dẫn giải
Xuân Diệu đã từng nhận xét Tản Đà: “có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám có một cái tôi”. Đây quả là một nhận xét xác đáng về bản lĩnh cá nhân, về cái tôi ngông ngạo, hơn đời của Tản Đà. Cái tôi “ngông” là một nét đặc sắc, tạo nên dấu ấn riêng trong sáng tác của ông. Và được thể hiện đặc biệt rõ nét qua tác phẩm Hầu trời.
Ngông là khái niệm để chỉ tính cách ngang tàng, bất cần. Nhưng đối với kẻ sĩ ngông chính là để thể hiện một cái tôi cao ngạo, khác người. Bởi họ tự tin vào tài năng, nhân cách của bản thân, họ dám đem tài năng để khẳng định với đời.
Ngông vốn không phải là khái niệm xa lạ trong văn học, ta có thể kể đến những tác giả tiêu biểu cho lối sống đó như cái tôi rất ngông của Nguyễn Công Trứ:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Hay Tú Xương:
Ông trông lên bảng thấy tên ông
Ông tớp rượu vào ông nói ngông
Trên bảng năm ba thầy cử đội
Bốn kì mười bảy cái ưu thông.
Đến Tản Đà, cái ngông tiếp tục được phát triển và được khẳng định một cách mạnh mẽ. Cái ngông trong bài Hầu trời trước hết được thể hiện trong hành động muốn được lên trời, bởi ông cho rằng chỉ có Trời mới đánh giá đúng tài năng của mình:
Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên sướng lạ lùng.
Cách vào đề của ông thật dí dỏm, hài hước, ông một mực khẳng định việc mình được lên tiên là thật, không hoảng hốt, không mơ mòng, cái thật ở cả phách, hồn, thân thể. Cuộc vượt thoát trần tục, lên tiên đối với ông là có thật, là không thể chối cãi. Đồng thời ông cũng lí giải lí do mình lên tiên: “Trời nghẹ hạ giới ai ngâm nga/Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà/ Làm trời mất ngủ, trời đương mắng/ Có hay lên đọc, Trời nghe qua”. Câu thơ như một lời khẳng định tài năng của bản thân vọng vang cả trời đất, khiến cả Trời cũng phải sai người xuống mời ông lên đọc. Đây là biểu hiện thứ nhất trong cái tôi ngông ngạo của Tản Đà.
Không dừng lại ở đó, ý thức khẳng định cái tôi được thể hiện rõ hơn ở đoạn ông tự khen chính mình:
“Đọc hết văn vần lại văn xuôi
Hết văn thuyết lý lại văn chơi”
Tài năng hơn người khiến Tản Đà không ngần ngại thể hiện bản lĩnh cái tôi cá nhân, những tác phẩm của ông đều được liệt kê với những đặc điểm nổi bật của chúng: Khối tình con, Thần tiên, Giấc mông, … Rồi ông tự khen mình “Văn đã giàu thay, lại lắm lối”. Đây không phải là lần đầu tiên Tản Đà tự khen ngợi mình, trong bài Tự trào ông đã viết: “Vùng đất Sơn Tây nảy một ông/ Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng/ Sông Đà núi Tản ai hun đúc/ Bút thanh câu thần sớm vãi vung”. Cho thấy ý thức cao độ về cái tôi của mình trong thơ ông.
Nghe những lời nhận xét ấy, trời cũng phải bật buồn cười và phê cho “văn thật tuyệt” “văn trời được thế chắc có ít”. Các chư tiên thì khen ngợi bằng những lợi khen ngợi không tiếc lời: lời văn như sao băng, khí văn như mây chuyển, nhẹ như sương, êm như gió,… Và họ tranh nhau ao ước, dặn: “Anh ghánh lên đây bán chợ Trời”. Quả thật chỉ có ở nơi tiên giới này Tản Đà mới tìm được người bạn tri âm tri kỉ với mình, bởi dưới hạ giới văn chương rẻ như bèo, ít được trân trọng. Còn ở đây ông đã tìm được tri âm tri kỉ, bởi chỉ có những người như họ mới cảm nhận được hết tài năng của ông.
Đã có mấy ai trong văn học, dám xưng họ tên đủ đầy trong tác phẩm của mình, ấy vậy mà có một thi nhân tên Tản Đà, khi hầu trời đã dám làm việc đó: “Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn/ Quê ở Á Châu và Địa cầu/ Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”. Một nhân cách hơn người, một bản lĩnh khác thường ở con người tài năng và nhân cách này. Lời thơ tràn đầy niềm tự hào về bản thân, quê quán, và ý thức tự tôn dân tộc sâu sắc. Cách nói thật trịnh trọng, đầy khẳng định về tài năng, nhân cách của chính mình.
Đồng thời Tản Đà cũng tự nhận mình là một Trích tiên bị đầy xuống trần gian vì tôi ngông, nhưng ngay sau đó ông đã khẳng định: “Trời rằng: không phải là Trời đày/ Trời định sai con một việc này/ Là việc “thiên lương” của nhân loại”/ “Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Ông xuống trần gian để thực hiện một sứ mệnh cao cả, thực hành thiên lương, đem lại đời sống tốt đẹp cho con người. Nhưng đây quả là một nhiệm vụ khó khăn, ở giữa trốn trần gian đầy hiểm ác, bon chen, giữ được thiên lương và truyền bá thiên lương quả thực không hề đơn giản. Việc ông tự nguyện gánh vác nhiệm vụ Trời trao cho thấy nhân cách cao đẹp của thi nhân.
Hai chữ thiên lương thằng Hiếu nhớ
Dám xin không phụ Trời trông mong
Thể thơ thất ngôn trường thiên, đã cho phép tác giả thể hiện một cách thoải mái cảm xúc của bản thân. Bài thơ Hầu trời đã thể hiện một cách đầy đủ cái tôi đầy ngông ngạo của Tản Đà trước cuộc đời. Ông ý thức sâu sắc về tài năng của bản thân, ông thời cũng ý thức hiện thực xã hội thối nát lúc bấy giờ. Qua đó cũng cho người đọc thấy một cái tôi ngông nhưng cũng đầy cô đơn, bế tắc trước thời cuộc.