Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
Đề bài
Đề bài: Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
Hướng dẫn giải
Phan Châu Trinh bên cạnh là một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, ông còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc. Các tác phẩm của ông thấm đẫm tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu kiên trinh, bền bỉ. Đập đá ở Côn Lôn là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện tinh thần cứng cỏi, yêu nước của tác giả.
Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh ông bị bắt giam, lưu đày ngoài đảo với công việc đập đá khổ sai. Nhưng ngay từ những câu thơ đầu đã thể hiện được tinh thần sắt đá, tư thế sừng sững, lớn lao, nổi bật giữa đất trời của người chí sĩ cách mạng:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Hai câu thơ đầu đã thể hiện chí nam nhi thường thấy trong văn học. Văn học dân gian khẳng định, làm trai thì phải:
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên.
Sống cùng thời với Phan Châu Chinh, Phan Bội Châu cũng có quan điểm tương tự:
Sinh vi nam tử yếu hi kì.
Trong câu thơ của Phan Châu Trinh chí làm trai thật lớn lao, mạnh mẽ, nhân vật trữ tình hiện lên trong tư thế làm chủ, hiên ngang, đầu đội trời, chân đạp đất, vô cùng anh dũng, kiêu hùng. Đây cũng là nét mới trong cách thể hiện chí làm trai của ông. Giữa non nước, đất trời Côn Lôn, con người được đặt vào vị trí trung tâm với sức mạnh “làm cho lở núi non”. Từ “lừng lẫy” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh hơn nữa sức mạnh phi thường của nhân vật trữ tình.
Để làm rõ sức mạnh phi thường của kẻ làm trai, hai câu thơ tiếp theo miêu tả trực tiếp sức mạnh đó: Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập bể mấy trăm hòn. Tác giả sử dụng hàng loạt các động từ mạnh: xách búa, ra tay, đập bể cho thấy sức mạnh thần kì của con người. Sử dụng số từ năm bảy, mấy trăm có tính chất ước lệ càng khẳng định hơn nữa vẻ đẹp sức mạnh của con người. Hai câu thơ dùng nhiều thanh trắc với nhịp điệu mạnh mẽ như chính những hành động trong thực tế công việc của tác giả. Đây đồng thời cũng là hình ảnh thực tế của công việc đập đá mà người tù khổ sai phải làm, nhưng câu thơ không dừng lại là tái hiện công việc mà nó còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sức mạnh của kẻ làm trai. Gân ấn tượng về con người có tầm vóc sánh ngang vũ trụ.
Những câu thơ cuối thể hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhân vật trữ tình:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lỡ bước.
Gian nan chi kể việc con con!
Bốn câu thơ cuối tạo tương quan đối lập giữa hoàn cảnh thực tế với ý chí kiên cường, dẻo dai của người chiến sĩ. Hai câu thực có sự đối lập giữa “tháng ngày”, “mưa nắng” với “thân sành sỏi”, “dạ sắt son” – đối lập giữa gian khổ với sức chịu đựng dẻo dai và ý chí bền bỉ phi thường của người chiến sĩ. Hai câu thơ cuối thật đẹp đẽ: đây không còn là công việc khổ sai mà trở thành trọng trách lớn lao “vá trời”. Ông tự nhận trách nhiệm to lớn, cứu nước cứu dân, bởi vậy những gian nan vất vả này chỉ là thử thách nhỏ bé, tầm thường không đáng quan tâm. Câu thơ đã hoàn chỉnh bức tranh chân dung tinh thần của người chiến sĩ.
Bài thơ kết hợp hài hòa giữa giọng điệu hào hùng và bút pháp lãng mạn, người chí sĩ cách mạng được xây dựng bằng bút pháp khoa trương, phóng đại và thủ pháp đối lập. Thể thơ thất ngôn bát cú phù hợp với nội dung tư tưởng và cảm hứng chủ đạo của bài.
Tác phẩm đã cho thấy ý chí kiên trung, nghị lực phi thường của người chí sĩ cách mạng trong hoàn cảnh khổ sai, tù đày vẫn vững lòng với sự nghiệp cứu nước của mình. Bài thơ còn có ý nghĩa nêu gương và động viên to lớn đối với thế hệ cách mạng sau này.