Phân tích bài "Đi bộ ngao du" của Ru-xô (1).
Đề bài
Đề bài: Phân tích bài "Đi bộ ngao du" của Ru-xô.
Hướng dẫn giải
Ru-xô là một nhà văn, nhà triết học nổi tiếng người Pháp. Ông có rất nhiều tác phẩm hay làm say mê độc giả trên toàn thế giới, một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông mà ta có thể kể tên, đó chính là tác phẩm "Ê- min hay về giáo dục". Cuốn tiểu thuyết này có nội dung bàn về chuyện giáo dục một em bé tên là Ê- min, nhà văn đã tưởng tượng và đặt tên- từ khi mới sinh ra đời đến tuổi trưởng thành. Trong chương trình giáo dục, chúng ta cũng được học một trích đoạn của tác phẩm này là "Đi bộ ngao du".
Trong trích đoạn "Đi bộ ngao du", nhà văn Ru-xô đã chỉ ra lợi ích của việc đi bộ, cũng như những lợi thế của việc đi bộ so với đi ngựa cũng như dùng các phương tiện khác. Trước hết, đi bộ có thể đi mọi nơi mà ta mong muốn, không phải lệ thuộc vào ai, vào phương tiện gì: " Ta ưa đi lúc nào thì đi, ta thích dừng lúc nào thì dừng, ta muốn hoạt động nhiều hay ít thế nào là tùy". Như vậy, việc đi bộ khiến cho ta được tự do về con người, được làm theo những ý muốn của mình, đây chính là lợi ích lớn nhất của việc đi bộ ngao du. Và đã là ngao du thì yếu tố chủ động phải được đặt lên hàng đầu, đi ngựa sẽ phải phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đường xá, sức khỏe của ngựa, không phải phụ thuộc vào những gã phu trạm.
Đi bộ ngao du thì ta không bị phụ thuộc vào bất cứ thứ gì, bất kì cái gì, ta được tự do về con người, tự do về tâm hồn, làm toàn bộ những việc theo ý thích: " Ta quan sát khắp nơi; ta quay sang phải, sang trái; ta xem xét tất cả những gì thấy hay hay; ta dừng lại ở tất cả các khía cạnh...." . Và quan trọng nhất là không bị lệ thuộc: "Tôi chẳng phải phụ thuộc vào những con ngựa hay những gã phu trạm. Đi bộ ngao du ta sẽ có cơ hôi khám phá những điều mới mẻ, có thể tự tìm cho mình những con đường riêng biệt, điều này rất phù hợp với những con người ưa tìm tòi, thử thách: "Tôi chẳng cần chọn những lối đi có sẵn hay những con đường thuận tiện; tôi đi qua bất cứ nơi nào con người có thể đi qua; tôi xem tất cả những gì con người có thể xem...."
Đi bộ ngao du có thể thỏa sức khám phá, tìm tòi, nhưng một lúc nào đó mệt thì lại có thể dùng ngựa: " Nếu do thời tiết xấu không đi bộ được và thấy chán rồi, lúc đó tôi đi ngựa" tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của tác giả. Còn đối với nhân vật của mình, cậu bé Ê – min thì lại khác, cậu kiên cường hơn, bản lĩnh hơn rất nhiều, nếu mệt em sẽ tìm một thứ gì đó để giải trí, hoặc tìm lấy công việc để tay làm việc còn đôi chân được nghỉ ngơi. Sau khi nghỉ ngơi, đôi chân bớt mỏi mệt thì em lại có thể tiếp tục chuyến hành trình của mình: "...Ở chốn nào em cũng có thứ để giải trí. Em vào nhà một người thợ làm việc; em vận động hai cánh tay để đôi bàn chân nghỉ ngơi".
Luận điểm thứ hai mà nhà văn Ru-xô nêu để minh chứng cho quan điểm đi bộ ngao du là sáng suốt, hữu ích. Đó chính là thông qua việc đi bộ thì ta có thể có cơ hội để trau dồi những vốn tri thức vốn vô hạn. Nhà văn nêu ra những dẫn chứng cụ thể, đó là những tấm gương của việc đi bộ ngao du như: Ta – lét, Pla- tông và Pi- ta- go. Họ đều là những nhà toán học, nhà triết học nổi tiếng của thế giới. Thông qua việc đi bộ, họ phát hiện ra nhiều điều lí thú, tiền đề cho những phát minh, những quan điểm vĩ đại. Đi bộ ngao du, vừa là để du ngoạn, thưởng thức cảnh sắc của tự nhiên mà thông qua vùng đất mình đi qua, ta có thể có thêm cho mình những kinh nghiệm, học hỏi thêm được nhiều thứ lí thú, có ích phù hợp với những vấn đề mà mình quan tâm.
Ê- min nhờ vào việc đi bộ mà có những kiến thức sâu rộng, mang về nhiều thứ hay ho trên đường đi để về nhà làm thành một bộ sưu tập : "Nhưng phòng sưu tập của Ê- min thì phong phú hơn phòng làm việc của các vua chúa, phòng sưu tập ấy là cả trái đất. Nơi đây, mỗi vật đều đúng chỗ của nó; nhà tự nhiên học làm công việc chăm sóc đã sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy..."
Ngoài ra, việc đi bộ ngao du còn rất có lợi cho sức khỏe. Thông qua việc đi bộ, các cơ bắp trên cơ thể có dịp phát triển, từ đó mà sức khỏe của con người cũng có thể được cải thiện: " sức khỏe được tăng cường, tính khí trở nên vui vẻ", hòa mình vào trong không khí của tự nhiên, con người cũng sống lạc quan hơn, tự tại hơn từ đó yêu đời và luôn vui vẻ, khác với những kẻ luôn ngồi trong xe ngựa nhưng cả ngày cáu kỉnh, không tìm được mục đích sống, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán và vô nghĩa.
Như vậy, đoạn trích "Đi bộ ngao du" của nhà văn Ru-xô đã đưa ra những luận điểm chặt chẽ, chứng minh cho những lợi ích của việc đi bộ ngao du. Những lập luận này hết sức chặt chẽ, có sức thuyết phục lại có những dẫn chứng cụ thể, sinh động trong thực tiễn, và dẫn chứng từ chính bản thân của tác giả. Thông qua đoạn trích này ta cũng thấy được Ru-xô còn là một nhà văn giản dị, quý trọng tự do và yêu thiên nhiên.