Đăng ký

Giới thiệu bài tựa sách “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương

966 từ

Giới thiệu bài tựa sách “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương

Bài tựa gồm ba phần: phần thứ nhất, tác giả trình bày lí do vì sao làm sách Trích diễm thi tập; phần thứ hai, tác giả thuật lại quá trình hoàn thành, nội dung và kết cấu tác phẩm; phần thứ ba được gọi là phần “lạc khoản” cho biết nhưng thông tin về người viết, năm viết, nơi viết...
 
Trong phần thứ nhất, Hoàng Đức Lương trình bày lí do khiến cho văn thơ không lưu hành hết ở đời. Tất cả có sáu nguyên nhân: bốn nguyên nhân thuộc về chủ quan và hai nguyên nhân thuộc về khách quan.
 
Về chủ quan, thứ nhất, chỉ có thi nhân mới thấy được cái hay, cái đẹp của thi ca; thứ hai, người có học bận việc hoặc ít để ý đến thi ca; thứ ba, người quan tâm đến thi ca thì không đủ năng lực và kiên trì; thứ tư, chií sách in ấn của nhà nước làm hạn chế.
 
Về khách quan: thứ nhất là thời gian làm huỷ hoại sách vở; thứ hai là do binh hoá (chiến tranh và hoả hoạn).
 
Điều đáng quý trong đoạn này là, tác giả đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ đối với nền Văn học nước nhà.

Phần thứ hai, với cách nói khiêm tốn của người phương Đông, Hoàng Đức Lương đã thuật lại quá trình hoàn thành Trích diễm thi tập nội dung và kết cấu tác phẩm. Quá trình khó khăn, vất vả sưu tầm biên soạn bộ sách. Tác phẩm gồm sáu quyển, chia làm hai phần: phần chính gồm thơ ca của các tác giả từ thời Trần đến thời Hậu Lê; Phụ lục là thơ ca của chính tác giả.
 
Phần cuối bài tựa là Lạc khoản.
 
Bài tựa Trích diễm thi tập không ghi nơi viết bài tựa, chỉ ghi thời gian (Niên hiệu Hồng Đức năm thứ 28, mùa xuân) và người viết (Hoàng Đức Lương, người Gia Lâm, đỗ Tiến sĩ Hoa Lang, chức tham nghị viết bài tựa này).
 
Bài tựa sách Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương không giản đơn chỉ là lời giới thiệu cho một bộ sách. Việc làm của chính tác giả đã chứng minh cho tình yêu đất nước và tinh thần độc lập dân tộc của ông.
 
Bài tựa hết sức cô đọng và có sức thuyết phục sâu sắc. Lập luận chặt chẽ, xen lẫn chất trữ tình nhẹ nhàng mà sâu sắc. Qua bài tựa, người đọc không chỉ thấy được ý nghĩ, tâm huyết của tác giả mà còn thấy được cả tình hình văn hoá, học thuật của thời đại mà tác giả đang sống. Đây là một trong những bài tựa hay của văn học Việt Nam thời trung đại.