Đăng ký

Giải thích câu tục ngữ: Đi một ngày đàng học một sàng khôn

1,926 từ

Tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Em thấy nhận xét trên có đúng không? Bằng hiểu biết của mình, em hãy chứng minh.

Tục ngữ dân gian Việt Nam có nhiều câu đúc kết những kinh nghiệm sống hết sức sâu sắc. Một trong số những câu đó là: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Câu tục ngữ cổ vũ cho việc đi xa học hỏi, nâng cao tầm hiểu biết của con người. Câu nói ấy trở thành chân lý cho mọi người, mọi thời đại, nhất là trong tình hình đổi mới hiện nay của đất nước ta, ý nghĩa của nó càng trở nên có giá trị.

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. “Đi một ngày đàng” nghĩa là thế nào? Xét theo nghĩa đen là chỉ việc đi xa, vượt qua một khoảng không gian lớn. Ví dụ có người đi bộ với tốc độ bốn cây số một giờ, thì “đi một ngày đàng” là đã vượt qua một quãng đường dài tới năm chục cây số, một khoảng cách đủ để sang huyện khác, tỉnh khác. Ngày xưa trong cuộc sống khép kín, người dân thường chỉ biết đến những sự việc diễn ra trong làng mình, xã mình thì “đi một ngày đàng” có nghĩa là đi xa, đi sang tổng khác, huyện khác, địa bàn khác.
 
Đặt mệnh đề “đi một ngày đàng” trong cả câu tục ngữ nó lại có thêm nghĩa mới: chỉ việc đi xa để học tập kiến thức, kinh nghiệm. Vì có như vậy mới “học (được) một sàng khôn”. Tại sao lại là “sàng khôn”? “Sàng” là một dụng cụ để tách gạo khỏi trấu, ở đây là hình ảnh chỉ một số lượng không nhiều nhưng cũng không phải là ít. “Học một sàng khôn”, hiểu theo nghĩa đen là học được một số điều khôn ngoan. Nếu hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa rộng, “khôn” không chỉ là kiến thức hiểu biết mà chủ yếu là năng lực suy xét giải quyết các vấn đề do đời sống đặt ra sao cho có hiệu quả nhất, tiện lợi nhất. “Khôn” để hiểu biết tường tận sự việc, sự vật và ứng xử một cách linh hoạt, ứng xử giữa người với người như phân biệt phải trái, tốt xấu...; ứng xử giữa người với tự nhiên như kinh nghiệm trồng cấy, chăn nuôi... Cả câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thể hiện niềm tin rằng nếu đi đây, đi đó với ý thức học hỏi, tìm tòi thì nhất định sẽ học được những điều mới lạ, có ích cho cuộc sống. Câu nói cũng khuyên người ta nên đi xa để học hỏi, không nên chỉ biết quẩn quanh trong cuộc sống khép kín.

Câu tục ngữ đã nêu lên một chân lý phổ biến. Mỗi lần chúng ta có dịp đi xa, đi thực tế hay đi tham quan đều có tác dụng giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, nghe thấy và học hỏi được những điều mới mẻ, bổ ích. Chỉ một việc đi xa để tận mắt nhìn thấy những sự vật mới lạ để người khác không thể bịa chuyện, bưng bít hay lừa dối mình, cũng đã là một sự khôn lớn. Cho nên dân gian đã có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy” là như vậy. Trước đây, các nhà trí thức Việt Nam có dịp sang Pháp mới thấy được sự lạc hậu của kinh tế, quân sự nước nhà nên đã nẩy ra nhu cầu cải cách, đổi mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng đi khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Đó là những ví dụ sinh động chứng minh cho chân lý “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Câu tục ngữ này còn khuyên người ta học tập trí khôn trong thực tế, không đơn giản là học kiến thức trong sách vở hay ở nhà trường. “Đi đường” đây là cả một trường học thực tế. Mỗi lần trải nghiệm thực tế là một lần lớn khôn. Trái với thái độ đi xa để học hỏi là thái độ thủ cựu “Ta về ta tắm ao ta - Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.. Tất nhiên học tập kinh nghiệm quen thuộc, gần gũi là cần thiết nhưng thái độ khép kín, đóng cửa là tự trói buộc mình, hạn chế sự tiến bộ. Cho nên, ngoài câu tục ngữ trên, còn có những câu khác thể hiện khát vọng của người xưa được đi xa để học hỏi, chẳng hạn như:
 
“Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

 
Trong công cuộc đổi mới, mở cửa giao lưu trên đất nước ta hiện nay, câu tục ngữ “Đi một ngày dàng, học một sàng khôn” càng có ý nghĩa, chúng ta đang có bao thanh niên du học ỏ nước ngoài để tiếp thu khoa học tiên tiến và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao cho trí tuệ nước nhà. Chúng ta đang tăng cường buôn bán với nước ngoài vừa để trao đổi hàng hóa vừa để cho chúng ta “khôn” ra trong lĩnh vực sản xuất và quản lý thị trường... Cũng chú ý là đi xa không chỉ là nước ngoài mà ngay việc đi lại, giao lưu bắc nam, miền xuôi miền ngược cũng làm mở mang dân trí.
 
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thực sự là nhận thức đúng đắn, đồng thời cũng là khát vọng nghìn đời của nhân dân ta. Hiện nay trong bối cảnh nước nhà thống nhất và mở rộng giao lưu quốc tế, chắc chắn chân lý đó sẽ có điều kiện phát huy tác dụng hơn bao giờ hết.