Đăng ký

Bình luận câu tục ngữ: Đói cho sạch rách cho thơm

2,519 từ

Bình luận câu tục ngữ: Đói cho sạch rách cho thơm

Nhắc nhở, khuyên dạy con cháu ăn ở trong sạch, lương thiện, ông bà ta nói bằng câu tục ngữ:
Đói cho sạch rách cho thơm.

Câu tục ngữ có giá trị ra sao? Chúng ta tìm được ở đó bài học gì cho bản thân?
 
Lời tục ngữ vang lên vài hình ảnh của cảnh đời cùng cực, như: Đói rách và lối sống tốt đẹp, như: sạch, thơm. Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa những từ ngữ đó. Trước hết là từ “đói” diễn tả tình cảnh con người thiếu lương thực, thực phẩm nuôi sống bản thân. Cùng diễn tả cảnh sống đó là “rách” là ăn mặc không lành lặn, áo quần chắp vá tả tơi. Nói chung, sự “đói - rách” cùng trình bày tình cảnh của ai đó sống thiếu ăn, thiếu mặc. Những người lâm vào cảnh đời khốn khổ, cùng cực, thiếu thốn vật chất. Kế đến là hai tính từ “sạch, thơm” diễn tả tính cách, bản chất tốt đẹp. Là sự trong trắng, đứng đắn, là phẩm chất đạo đức đáng được tôn vinh, ca ngợi.

Câu tục ngữ có hai vế, vế đầu “đói cho sạch” nghĩa là tuy ăn uống khổ cực nhưng cũng phải cố giữ cho được sự thanh bạch, tránh làm điều xấu xa, tội lỗi. Vế sau “rách cho thơm” là dù sống thiếu thốn vật chất cũng phải ăn ở đàng hoàng, đứng đắn. Câu tục ngữ dạy chúng ta luôn luôn sống lương thiện, cho dù cảnh đời thiếu thốn, cùng cực. Tuy cảnh sống bị bóng ma nghèo đói đeo bám nhưng con người phải cố giữ mình lương thiện, trong sạch. Không vì cùng cực mà sinh ra làm điều gian manh, tệ hại. Đó là quan niệm sống phù hợp với đức độ của ông cha. Ca dao xưa có câu:
 
Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau.

Người xưa khuyên con cháu đầu tư trồng cho được “cây đức” nghĩa là phải ăn ở đời cho thanh cao, giản dị. Không vì thiếu trước hụt sau mà làm điều phi đạo đức, trái nhân nghĩa.
 
Chúng ta có thề khẳng định đó là lời khuyên đúng đắn, hợp đạo lí làm người. Bởi vì con người sống hiền lương thì ai cũng yêu mến. Sống lương thiện thì không gây tội ác, không mang tai họa đến người khác. Ai cũng kính mến những người sống trong sạch, hiền lành. Trái lại, những kẻ vì hoàn cảnh sống chật vật, khốn khổ, mà làm điều xấu xa, thì bị người đời nguyền rủa, xa lánh, khinh bỉ. Có thể họ trở thành tai họa cho người khác. Vì quá túng thiếu, họ sẽ làm liều để có cái ăn, cái mặc. Họ trở thành trộm cướp, rồi cuộc đời sẽ bị chôn chặt chôn lao tù! Câu tục ngữ:
 
Bần cùng sinh đạo tặc.
 
Đã cảnh giác chúng ta phải quan tâm đến bọn người nghèo khổ quá đỗi rồi làm điều trái luật pháp như vậy.
 
Đó là hạng người chỉ sống vì tiền tài vật chất mà không có ý thức gì đến nhân cách, đạo lí. Sống nghèo khổ, mà trong sạch hoàn toàn đối lập với nghèo khổ mà lười biếng. Người nghèo khổ mà siêng năng làm việc sẽ dần dần thoát khói cảnh túng thiếu. Chỉ có kẻ bần hàn mà lại không làm gì cả thì chắc chắn suốt đời họ chìm ngập trong cảnh đói rách triền miên. Để khuyên bảo con cháu không sa vào cảnh sống khốn khổ ông bà ta dạy như sau:
 
Đói thì đầu gối phải bò
Cái chân phải chạy, cái giò phải đi.

Cho dù gia đình sa sút thiếu ăn, thiếu mặc nếu biết “bò - chạy - đi” làm ăn lương thiện, gia đình ấy sẽ dần dần phục hồi kinh tế.
 
Bà chúa hạnh phúc đã không đến nhưng bệnh tật thiếu thôn vẫn gõ cửa từng nhà. Cảnh sống cùng cực là nhất thời chứ phẩm chất thanh bạch mới vĩnh cửu. Hãy chọn lối sống hợp đạo lí, đừng sa chân vào hố sâu tội lỗi!

Lời tục ngữ của người xưa có tác dụng răn dạy chúng ta luôn ăn ở đời sao cho trong sạch lương thiện. Cho dù nghèo khổ đến mức độ nào, con người cũng tránh xa những hành vi trái đạo, nghịch đời. Trên thế gian này không thiếu những tấm gương bần cùng nhưng sông sạch trong. Chúng ta tôn kính, mến yêu những con người đó. Lão Hạc sống chật vật trăm bề nhưng không nhẫn tâm làm điều bậy bạ, xấu xa. Chị Dậu thà ăn khoai luộc chứ không nhận đồng tiền nhơ nhớp. Mặc dù còng lưng, tắm mồ hôi trên chiếc xích lô nhưng có người phu xe vẫn trả lại cho hành khách bỏ quên hàng ngàn đô la. Những gương sáng đó mãi mãi được thiên hạ ca ngợi, mến yêu. Câu tục ngữ khác lại bảo:
 
Có đức mặc sức mà ăn.
 
Cái “đức” mà câu tục ngữ nêu lên chính là thái độ ăn ở trong trắng, hiền lương đó.

Tuy vậy, trên cõi sống này không phải chi có những con người tốt đẹp, mà còn phải điểm mặt bọn gian manh, độc ác, những bọn bất lương đang sống giữa thanh thiên bạch nhật. Chúng ta gay gắt lên án bọn này. Đó là kẻ vì hoàn cảnh sống đói rách mà làm điều gian tà phi đạo đức. Những kẻ ấy đã gieo tai họa cho đồng loại. Họ là gánh nặng của xã hội, là đối tượng hình sự. Nghèo, lại không chăm chỉ làm ăn, họ dễ trở thành kẻ phạm pháp. Cũng lắm khi họ tạm đủ sống rồi sinh ra đèo bồng ăn chơi phè phỡn quá độ, gia đình khốn đốn. Chúng ta cũng phải xa lánh bọn người:
 
Đói cơm mặt mủi tèm lem
No cơm ấm áo còn thềm nọ kia.
 
Kẻ thích “nọ, kia” bao giờ cũng không còn tư cách. Hễ mất tư cách đạo đức thì họ có thể làm những điều không thể tưởng tượng nổi, như: đâm thuê, chém mướn... Người xưa có câu:
 
Thứ nhất là sợ anh hùng
Thứ hai là sợ túng cùng làm ngang.

Những kẻ “túng cùng làm ngang” hoàn toàn hoặc “cố cùng liều thân” có tư cách trái ngược với người “đói sạch, rách thơm”.
 
Mặt khác, câu tục ngữ cố tình nhắc nhở chúng ta, cũng phải chú ý đến những kẻ không đói, rách. Nghĩa là hạng người sống sung sướng, đầy đủ vật chất, vậy mà không lương thiện chút nào. Họ đầy quyền cao chức trọng vậy mà vẫn bị công lí trừng trị. Họ sống vinh thân phì gia với nhà cao cửa rộng, vậy mà trở thành bất lương, phạm pháp vào tù. Câu tục ngữ bảo dù đói nghèo cũng phải sống lương thiện. Từ đó chúng ta cũng nên hiểu thêm nếu được sống yên vui đầy đủ, sung sướng cũng phải sống cho trong sạch, tốt đẹp nữa.
 
Nhìn chung, câu tục ngữ truyền bá một lối sống hợp đạo lí, đúng nhân cách con người. Cho dù lâm vào hoàn cảnh nào, thì con người cũng lương thiện, trong sạch. Đừng bao giờ để bụi bặm xấu xa bám vào bản thân. Đừng để luật pháp truy nã, phán xét vì sống bất lương. Câu tục ngữ tặng cho đời bài học về cách sống an bần trong trắng. Theo em nghĩ, nếu mọi người cùng có quan niệm sống như câu tục ngữ dạy thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao.