Đăng ký

Cảm nghĩ của anh chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ

1,150 từ

Cảm nghĩ của anh chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ

Ca dao than thân là một bộ phận của thể loại ca dao, dân ca. Chủ thể của những lời ca ấy là những con người có vị trí thấp hèn trong xã hội cũ - đặc biệt và đáng thương nhất là những người phụ nữ.

Trong xã hội phong kiến xưa, chịu sự chi phối nặng nề của hệ tư tưởng phong kiến, người phụ nữ thường không có vai trò gì đáng kể không chỉ ngoài xã hội mà ngay cả trong gia đình, thân phận họ cũng chỉ như con sâu, cái kiến. Vì thế họ là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Tất cả những tâm sự sâu kín, họ đều gửi cả vào ca dao để họ hát lên những khi ru con, khi lao động, khi làm công việc trong nhà. Hát lên cho vơi bớt những nỗi u uất, phiền muộn, để mong tìm được sự thông cảm, sẻ chia dù là vô vọng giữa cuộc đời đen bạc.
 
Nhân vật trữ tình trong các bài ca dao là những người con gái chưa chồng, những người mẹ, người vợ. Thân phận thấp hèn, phụ thuộc, không cho họ bất cứ một quyền tự quyết nào. Hạnh phúc tình yêu, cuộc đời và ngay cả thân xác mình cũng thuộc quyền sở hữu của người khác. Họ lo lắng cho tương lai cuộc đời mình nhưng đành phó mặc cho sự may rủi của số phận:
 
- Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
 
- Thân em như giếng giữa đường
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Hàng loạt những bài ca dao mở đầu hai từ “Thân em” như vậy đều là lời than của người phụ nữ, những người con gái chưa chồng. Họ bị ngăn cản cấm đoán trong tình yêu bằng đủ thứ luật lệ hà khắc. Họ “sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời”, và nỗi sợ lớn nhất là sự bội bạc của lòng người. Tất cả nỗi sợ ấy đều bắt đầu từ xuất phát điểm là thân phận phụ thuộc. Chế độ xã hội với những khuôn phép của “tam tòng tứ đức” đã tước đi cái quyền tối cao của một con người: quyền làm chủ cuộc đời mình. gia đình phụ quyền chất lên vai người phụ nữ hàng đống trách nhiệm với bổn phận. Khi người con gái đi lấy chồng là đồng nghĩa với việc khoác vào mình hàng trăm nỗi lo toan khổ nhục của cuộc đời. Bài ca dao “Mười tay” của dân tộc Mường đã diễn tả chính xác nỗi nhục ấy. Người mẹ không có ước muốn nào cao sang to tát mà chỉ ước muốn giản đơn là có đủ tay để làm tất cả các công việc mà mình phải đảm nhận. Nào bắt cá, bắt chim, nào làm ruộng, hái rau, ôm con,... và cả việc “van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn” nữa. Thật là muôn bề khổ! Vậy nhưng họ vẫn thương chồng, tha thiết với con, với gia đình. Sức chịu đựng của người phụ nữ chỉ đến thế là cùng, nghị lực của người phụ nữ cũng phi thường đến vậy:
 
“Bướm vàng đậu trái mù u
Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn ”
 
Lời ru buồn như bám níu, ám ảnh bao lớp thế hệ người nghe về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Những lời ca khổ đau ấy, như những bằng chứng chứng minh cho sự bất công của xã hội Việt Nam, trong hàng nghìn thế kỉ.