Bình bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Đề bài: Bình bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Bài làm
Câu1, hai vế tiểu đối làm nổi bật một nếp sống và hoạt động bí mật: “Sáng ra bờ suối >< tối vào hang”. Câu thứ hai nói lên một cuộc sống gian khổ thiếu thốn chỉ có “cháo bẹ rau măng”. Ba tiếng “vần sẵn sàng” nên hiểu là có đủ dùng, luôn sẵn có nơi suối hang này. Hai câu thơ rất hiện thực. Đằng sau vần thơ là nụ cười thú vị của người chiến sĩ cách mạng sống ung dung, tự tại, chan hòa với thiên nhiên, với cảnh lâm tuyền. Tâm hồn nhà thơ Hồ Chí Minh gắn bó, chan hòa với núi rừng Việt Bắc vô cùng thiết tha sâu nặng. Vần thơ nào cũng mang dấu ấn tâm hồn vào thiên nhiên: “Non xanh nước biếc tha hồ dạo...” (Cảnh rừng Việt Bắc), ‘Tiếng suối trong như tiếng hát xa...” (Cảnh khuya),...
Câu 3: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” nói lên một công việc cụ thể. Tại Pác Bó, Bác có dịch vắn tắt Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô làm tài liệu học tập cho cán bộ. Bác còn làm nhiều việc để “nhóm lửa”, để gây dựng phong trào cách mạng. Từ “chông chênh” nghĩa đen là không cân, không vững vàng; nghĩa bóng là thiếu thốn, gian khổ. Hình ảnh “bàn đá” vừa thực vừa ảo, đem đến liên tưởng cuộc đời của Già Thu, của ông Ké người Nùng như một Tiên Ông trong rừng, trong cổ tích. Câu thơ nói lên cốt cách ung dung, bền bỉ của Bác khi cách mạng còn gặp nhiều khó khăn.
Câu 4 là một cách nói biểu lộ niềm tự hào lạc quan:
“Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
“Sang” là sang trọng, đàng hoàng, là tự tin và lạc quan. Chỉ sống và làm việc ở bờ suối, hang sâu, ăn cháo bẹ rau măng, bàn viết là “bàn đá chông chênh”, thế mà vẫn “sàng”, vẫn tự hào, vẫn ung dung...
Tóm lại, bài thất ngôn tứ tuyệt “Tức cảnh Pác Bó” cho thấy cốt cách và tâm hồn thi sĩ - chiến sĩ của Hồ Chí Minh. Một nhà thơ chan hòa với thiên nhiên, một chiến sĩ cách mạng ung dung, lạc quan, bền bỉ trong gian khổ. Giọng thơ thanh thoát, vui tươi, giàu cảm xúc.