Đăng ký

Bài học về nhân cách từ các câu chuyện về Thái phó Tô Hiến Thành và thái sư Trần Thủ Độ

4,096 từ

Bài học về nhân cách từ các câu chuyện về Thái phó Tô Hiến Thành và thái sư Trần Thủ Độ

Văn học là cuộc đời, trang văn là trang đời. Văn học chính là tấm gương sáng phản chiếu mọi mặt của cuộc sống. Bởi vậy qua hai tác phẩm "Đại Việt sử lược" và "Đại Việt sử kí toàn thư” độc giả được chiêm ngưỡng bức tranh nhiều màu sắc về một thời kì lịch sử oanh liệt. Và đặc biệt là qua các câu chuyện về Thái Phó Tô Hiến Thành và Thái Sư Trần Thủ Độ thực sự trở thành tấm gương sáng ngời về phẩm chất, nhân cách, xứng đáng để mọi thế hệ suy ngẫm và học tập. Cha ông ta thường nói “nhân vô thập toàn” nhưng hai vị doanh nhân đó thì quả là “mười phân vẹn mười”.

Bất cứ ai khi đọc "Đại Việt sử lược" cũng đều phải trầm trồ, ngưỡng mộ trước nhân vật Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành giữ chức Tể tướng dưới triều vua Lý Anh Tông, kiêm chức Thái phó giúp việc cho Thái tử Lý Cao Tông. Năm sinh của ông chưa được xác định rõ, còn năm mất là năm 1179. Các tác giả đã khéo đặt nhân vật vào những sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh dân tộc, đó là việc phế lập vua và chọn người giữ chức Tể tướng để làm nổi bật nhân cách lớn lao của Tô Hiến Thành: chí công vô tư, uy vũ không khuất phục, danh lợi không làm dối lòng, suốt đời vì dân vì nước.
 
Trước khi băng hà, vua Lý Anh Tông dặn dò Tô Hiến Thành hãy phò tá Long Cán - hoàng tử thứ 6 - lên nối ngôi. Khi ấy, Long Cán mới 3 tuổi, cho nên mọi việc lớn nhỏ trong triều đều giao phó cho Thái phó Tô Hiến Thành đảm nhiệm tuyệt đối. Thái hậu lại muốn phế Long Cán để lập Long Sưởng (Thái tử đã bị truất quyền nối ngôi) làm vua nên nhân cơ hội Tô Hiến Thành đi sứ, bèn sai người mang vàng lụa đến nhà gặp bà vợ, nhờ nói lại ý đó với ông. Nhưng vốn là người khôn khéo, thông minh nên sau khi nghe vợ nói xong, Tô Hiến Thành đã dùng đạo lí làm người, trách nhiệm Tể tướng của mình và tín ngưỡng của dân tộc để thuyết phục vợ không nhận hối lộ: “Ta ở ngôi Tể tướng, nhận lời cố thác của tiên vương để phò ấu chúa. Nay nhận đồ hối lộ của người là lập mưu phế lập, thiên hạ sẽ nói ta như thế nào? Giá như mọi người đều là kẻ bưng tai bịt mắt không biết, thì ta biết lấy lời lẽ nào để trả lời tiên vương ở dưới suối vàng?"

Độc gia dễ dàng nhận thấy trong lời đáp khẳng khái của Tô Hiến Thành chất chứa bài học về lòng trung thành tuyệt đối. Trước việc làm khá tinh vi của Thái hậu, Tô Hiến Thành từng bước đánh bại được âm mưu của bà. Ông thực sự xứng đáng với lòng tin tưởng tuyệt đối của nhà vua.
 
Nhân cách sáng trong và thánh thiện của Tô Hiến Thành được tỏa sáng khi một lần nữa Thái hậu dùng danh vọng và Phú quý làm mồi trực tiếp để nhử ông. Lời lẽ của Thái hậu vừa đánh trúng tâm lí của người lớn tuổi vừa có vẻ đứng về phía Tô Hiến Thành: “Ông đối với nước nhà, có thể gọi là trung đấy! Song, tuổi ông đã xế chiều mà thờ ấu chúa thì việc làm của ông ai biết đến? Chi bằng, lập vua trưởng thành thì người đó sẽ đem ơn đức mà ban cho. Ông giữ được Phú quý lâu dài há chẳng hơn ư?" Mánh khóe đó của Thái hậu tưởng chừng có thể làm lung lạc lòng trung của Tô Hiến Thành. Nhưng ngược lại, ông đã dùng chính lời dạy về đạo đức làm người của Khổng Tử và cách đối xử với người quá cố trong truyền thống dân tộc để trực tiếp phủ nhận lời dụ dỗ của Thái hậu: "Bất nghĩa mà được phú, đó không phải là điều người trung thần nghĩa sĩ vui làm. Huống chi lời di chúc của tiên vương còn ở bên tai. Đối với công luận sẽ như thế nào? Thần không dám vâng lời." Phải là một bề tôi có lòng trung quân ái quốc cao mới có được những lời đối đáp vàng ngọc đến như vậy.

Sau khi việc hối lộ thất bại. Thái hậu liều lĩnh, định bất chấp pháp luật triệu Bảo Quốc Vương Long Sưởng để vào tự lập làm vua. Nhưng Tô Hiến Thành vẫn kiên quyết bảo vệ ấu chúa Lý Cao Tông (tức Long Cán) không những bằng lí lẽ mà còn bằng hành động quyết liệt là dùng pháp luật để trị kẻ không tuân theo pháp luật: "Kẻ nào trái lệnh ta sẽ giết phơi ngoài chợ".
 
Qua những lời nói và việc làm cụ thể của Tô Hiến Thành độc gia thấy rõ phẩm chất cao quý của ông: hiền đức, cương trung, giữ nghiêm kỉ cương phép nước, "Phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất” sáng suốt đánh bại âm mưu phế lập của Thái hậu nhưng vẫn giữ được hòa khí và không gây đổ máu.

Cái đức, cái tài đáng trân trọng của Tô Hiến Thành còn được thể hiện ngay cả khi ông bị ốm nặng, cận kề với cái chết trong tấc gang. Lẽ thường thì người ta lúc ốm nặng, sắp qua đời có thể bỏ qua mọi việc và buông xuôi tất cả để được yên thân. Song ông vốn là người lúc nào cũng "tiên chi ưu nhi ưu, hậu chi lạc nhi lạc" (lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ). Vì vậy, trách nhiệm lớn lao đối với đất nước cho đến hơi thở cuối cùng, đó là lựa chọn cho được người xứng đáng để thay thế mình gánh vác trọng trách của đất nước luôn đau đấu trong ông.
 
Có thể nói, Tô Hiến Thành đã đạt đến mức độ cặn kẻ, thấu đáo, có tình, có lí. Với ông, chữ ‘Trung”, chữ “Tín" luôn được đặt lên hàng đầu. Còn bất trung, bất tín thì trở thành lạng giá áo túi cơm hèn hạ, đê tiện. Tác giả xây dựng nhân vật Tô Hiến Thành là một tấm gương sáng ngời về nhân cách để răn dạy cho hậu thế.
 
Song song tồn tại với doanh nhân Tô Hiến Thành là nhân vật Trần Thủ Độ trong “Đại Việt sử kí toàn thư". Hai nhân vật lịch sử đó như được soi chiếu vào nhau và cùng tỏa sáng trên thi đàn văn học. Trần Thủ Độ vốn là một nhân vật lịch sử khá đặc biệt, từng có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Song điều dễ nhận thấy ở Trần Thủ Độ là tuy ít học nhưng thông minh, sáng suốt hơn người, ông là người có công lập ra nhà Trần và được phong chức Thái sư - chức cao nhất trong triều, có quyền tham gia ý kiến trong mọi việc chính sự. Ở ông nổi bật nhất là phẩm chất chí công vô tư, nghiêm minh, liêm khiết.

Phẩm chất cao quý của Trần Thủ Độ được thể hiện qua từng việc làm, lời nói, cử chỉ cụ thể của ông. Khi có người hặc tội chuyên quyền của mình với vua thì ông không những không biện bạch cho bản thân và tỏ lòng thù oán, tìm cách trừng trị kẻ hại mình và còn thừa nhận người hại tội mình. Ông thừa nhận: “Đúng như lời người nói”. Bất ngờ hơn ông còn lấy tiền, lụa thưởng cho người dũng cảm dám vạch tội của ông. Đó không phải là sự thẳng thắn, nghiêm khắc với bản thân mà còn chứng tỏ ông là người phục thiện, công minh, độ lượng và có bản lĩnh.
 
Còn khi nghe Linh Từ Quốc Mẫu khóc và mách về tên quân hiệu ngăn không cho qua thềm cấm, Trần Thủ Độ không bênh vợ, bắt tội tên quân hiệu mà còn tìm hiểu rõ việc rồi khen thưởng kẻ giữ đúng luật pháp. Qua đó ta càng trân trọng con người chí công vô tư, Tôn trọng pháp luật, không thiên vị người thân của Trần Thủ Độ. Phẩm chất quý báu này chính là “chất vàng mười” được tôi luyện từ cuộc sống.
 
Người xưa đã đúc kết rằng: một người làm quan cả họ được nhờ. Nhưng với Trần Thủ Độ thì không bao giờ như vậy. Đó là khi bà vợ ông xin cho người cháu họ chức Câu Đương. Thông thường người ta nghĩ rằng ông sẽ đồng ý ngay. Song ông lại phản đối một cách rất tế nhị bằng cách đưa ra điều kiện phải chặt một ngón chân để phân biệt với những người khác do xứng đáng mà được cử, khiến anh ta sợ hãi xin thôi. Việc làm của ông nhằm mục đích răn đe những kẻ hay ỷ thế, cậy nhờ nơi quyền thế để xin xỏ chức tước mà bản thân không đủ tư cách đảm nhiệm. Đồng thời qua đó muốn răn đe vợ không được dựa vào quyền thế của chồng để làm bậy. Phẩm chất cương trực, liêm khiết của Trần Thủ Độ còn được thể hiện ngay cả đối với bậc quân vương. Khi vua Thái Tông ngỏ ý muốn phong chức Tướng cho Am Quốc, anh của Trần Thủ Độ thì ông không những không quen thói thường hân hoan khi anh em, người thân mình được trọng dụng để kéo bè cánh riêng, dễ bề khuynh loát triều đình mà ông còn thẳng thắn trình bày quan điểm: chỉ nên lựa chọn người giỏi nhất, có thể là anh mình, có thể là mình, không nên hậu đãi cả hai anh em sẽ làm rối việc triều chính. Có thể nhận thấy với Trần Thủ Độ Thì việc công luôn được đặt lên trên tất cả, không tư lợi, gây bè kéo cánh. Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Trần Thủ Độ đang giữ chức quan cao nhất trong triều và hầu như nắm toàn quyền trong tay, vì vua đang tuổi còn nhỏ. Đó chính là hoàn cảnh thử thách để càng làm nổi bật lên nhân cách cao quý của ông.

Dường như mọi hành động, cử chỉ, lời nói dù là nhỏ nhất cũng đều tập trung phản ánh nhân cách cao đẹp và tầm nhìn xa rộng của thái sư- người có tài kinh bang tế thế. Trần Thủ Độ đã lường trước được tất cả những điều không hay sẽ xảy ra khiến nhà vua lâm vào tình cảnh khó xử, nếu như cả hai anh em ông đều giữ những chức vụ trọng yếu trong triều đình. Can ngăn vua bằng lời lẽ tâm huyết chính trực như thế, Thái sư Trần Thủ Độ đã thể hiện đạo đức chí công vô tư của một vị quan liêm khiết, xứng đáng là bậc trung thần hiếm có trong lịch sử. Thử hỏi còn có vị quan nào có nhân cách sáng hơn nhân cách của ông không?
 
Có thể khẳng định Trần Thủ Độ mãi là một vị quan đầu triều gương mẫu, xứng đáng là chỗ dựa của quốc gia và đáp ứng được lòng tin cậy của ngươi dân. Đồng thời đó cũng sẽ là tấm gương sáng để thế hệ sau mãi ghi nhớ và làm theo.
 
Như vậy, qua hai câu chuyện Thái phó Tô Hiến Thành và Thái sư Trần Thủ Độ, tôi tin chắc rằng mỗi người chúng ta sẽ tự rút ra cho mình những bài học quý giá trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện nhân cách. Và có thể nói lí tưởng vì dân vì nước của hai doanh nhân lịch sử đó được coi là kim chỉ nam cho mọi hành động của chúng ta. Chúng ta càng trân trọng phẩm giá cao đẹp của các ông bao nhiêu thì chúng ta càng kính phục và mến yêu tài năng và đức hạnh của các tác giả sử gia Việt Nam thời trung đại như Ngô Sĩ Liên và tác giả “Đại Việt sử lược” bấy nhiêu. Đồng thời càng tự hào hơn về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, ta càng quý trọng những di sản văn hóa do cha ông ta để lại. Chúng ta nguyện đem tất cả tuổi trẻ, sức lực của mình để cống hiến cho đất nước.