Đăng ký

Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa...

900 từ Văn mẫu
Đề bài

Đề bài: Ý nghĩa bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa...

Hướng dẫn giải

    Đất nước ta là đất nước của nền văn minh lúa nước, bởi vậy cây lúa có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta. Nhưng để làm nên một hạt lúa dẻo thơm, trắng ngon không phải là một điều đơn giản, dễ dàng, và ông cha ta xưa đã có câu:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

    Quả thực làm nông nghiệp đã vất vả, phải “Trông trời, trông đất, trông mưa/ Trông mây, trông nắng, trông ngày trông đêm” thì công việc trồng lúa còn vất vả gấp bội phần. Hai câu ca dao đầu tiên đã khai quát nên nỗi cơ cực, vất vả đó:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

    Câu ca dao mở ra không gian rộng lớn, cánh đồng mênh mông, bát ngát người nông dân bé nhỏ, khiêm nhường, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đang cần mẫn làm việc. Thời điểm trưa là thời điểm nóng nực, và mệt nhọc nhất của một ngày lao động, ấy vậy mà những người nông dân không hề nghỉ ngơi, mà vẫn thoăn thoắt đôi tay nhặt cỏ úa, bắt sâu, mong sao cho từng cây lúa nặng trĩu bông được mùa. Câu thơ thứ hai càng nói rõ hơn nỗi vất vả ấy. Cách nói khoa trương phóng đại, mồ hôi được ví như mưa ruộng cày, để khẳng định mồ hôi ra rất nhiều, với cách nói đầy hình ảnh này đã giúp người đọc hình dung rõ hơn về nỗi vất vả mà người nông dân phải trải qua.

    Nếu như hai câu ca dao trên là những lời chia sẻ, giãi bày về những cực nhọc trong quá trình làm nông, thì hai câu sau là lời nhắn gửi chân thành, tha thiết đến với mỗi người sử dụng hạt gạo mà họ nhọc công chăm bón:

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

    Đại từ ai là đại từ phiếm chỉ, không hướng đến bất cứ một đối tượng cụ thể nào, bởi vậy tính chất nhắn nhủ đến mọi người lại được mở rộng hơn. Khi chúng ta bưng bát cơm thơm ngon lên, có mấy ai nhớ đến công lao của những người đã làm ra nó. Có mấy ai đã cảm ơn những người đã đem đến những gì tinh túy nhất của trời đất để nuôi ta khôn lớn. Bởi vậy, lời thơ càng trở nên tha thiết, khắc khoải hơi, nó như nhắn nhủ, hãy nhớ đến công lao chúng tôi đã làm, công sức mưa nắng dãi dầu mà chúng tôi đã bỏ ra, bởi để làm nên được một hạt gạo phải trải qua muôn phần đắng cay, cực nhọc.

    Quả đúng như Nguyễn Trãi đã từng viết “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Được hưởng bất cứ thành quả gì chúng ta cũng cần ghi nhớ công ơn, sức lực mà những người nông dân đã làm ra nó. Hãy là con người sống thủy chung, tình nghĩa, sống theo tôn chỉ “Uống nước nhớ nguồn” truyền thống ngàn đời của dân tộc.

shoppe