Đăng ký

Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại

3,215 từ Văn mẫu
Đề bài

Đề 3: Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích.

Hướng dẫn giải

   Văn xuôi hiện đại Việt Nam đóng góp tên tuổi của mình bằng hàng loạt các nhà thơ, nhà văn với những tác phẩm tiêu biểu, mang đậm dấu ấn cá tính và phong cách riêng. Sau năm 1975, cùng với những thay đổi lớn lao của lịch sử dân tộc, văn học cũng có nhiều thay đổi. Hàng loạt các nghệ sĩ mới ra đời. Những nghệ sĩ trước đó giờ đây xuất hiện trong một hình ảnh mới, với những cách khai thác cuộc sống đầy mới mẻ. Nguyễn Minh Châu, nhà văn của những cuộc hành trình đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người cũng là một trong số ấy. Cùng với rất nhiều các sáng tác khác, "Chiếc thuyền ngoài xa" thực sự là một tác phẩm hay, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc bởi giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Tác phẩm cũng tập trung những nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật của chính nhà văn.

   "Chiếc thuyền ngoài xa" là câu chuyện kể về cuộc hành trình đi tìm cái đẹp của người nghệ sĩ. Do đòi hỏi của công việc, nhà nhiếp ảnh đến với một vùng quê chài lưới mong chụp được những khoảnh khắc tuyệt diệu. Mọi cố gắng gần như trở thành vô nghĩa cho đến một ngày anh ta "chộp" được vẻ đẹp trời cho như "...bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét lòe nhòe vào sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do có ánh mặt trời chiếu vào. Vài người lớn dẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới. Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp". Cái đẹp hoàn thiện tưởng như đã được khám phá ra thì lại vấp phải một hiện thực phũ phàng, lại chứa đựng sau nó những cái phi nghệ thuật. Đằng sau đó là một người chồng lúc nào cũng rượu chè, đánh đập vợ con; một người vợ khốn khổ nhưng đầy lòng vị tha; những đứa trẻ đáng thương đã sớm bị gieo vào trong lòng sự hận thù. Câu chuyện đi vào khai thác những mâu thuẫn trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật, giàu sức triết lí, tính nhân văn và nhân đạo cao cả nên có sức hấp dẫn lớn.

   Tìm hiểu truyện ngắn này, ta bắt đầu từ ngay tên đề của nó. Cũng giống như rất nhiều truyện ngắn khác của mình, ở ngay từ tên đề của câu chuyện, Nguyễn Minh Châu đã gợi mở cho người đọc rất nhiều điều. "Chiếc thuyền ngoài xa", chính vì vậy nên nó mới trở nên bí ẩn và khó nắm bắt, dự báo nhiều điều bất ngờ. Cốt truyện xoay quanh những vấn đề gần gũi trong cuộc sống, về số phận và hạnh phúc của con người trên con đường mưu sinh vất vả. Nhân vật chính trong tác phẩm là hình tượng người đàn bà làng chài. Nó nằm trong hệ thống hình ảnh về người phụ nữ như Nguyệt trong "Mảnh trăng cuối rừng", Liên trong "Bến quê", Thai trong "Cỏ lau"., những người luôn được Nguyễn Minh Châu dành cho sự ưu ái đặc biệt. Với quan niệm mình là người sinh ra "để thét lên nỗi khổ của con người", nhà văn đã xây dựng nên một hình tượng phụ nữ khốn khổ nhưng có tâm hồn cao đẹp.

   Bên trong cái vẻ quê mùa, thô kệch, cam chịu của bà là cả một sức sống và tình thương yêu mãnh liệt. Nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc với những lời tâm sự tự đáy lòng: "Chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của một người đàn bà trên chiếc thuyền không có đàn ông (...). Đám đàn bà làng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn, nuôi dưỡng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến lúc khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi sống cho con chứ không sống cho mình như ở trên đất được". Đó không phải là thứ suy nghĩ cam chịu mà là một sự hi sinh lớn lao. Người phụ nữ thậm chí còn tỏ ra đồng cảm với người đày đọa mình. "Bất kể lúc nào khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thường hay uống rượu". Bởi xét cho cùng người chồng vừa là thủ phạm gây ra đau khổ cho người thân vừa là nạn nhận của chính cuộc sống khốn khổ ấy. Giọt nước mắt van xin khi người phụ nữ lạy con mình tha cho bố của nó một lần nữa khắc họa sự hi sinh cao cả và vẻ đẹp nữ tính trong người phụ nữ. Cái lạy vừa là một lời van xin đứa trẻ đừng thù ghét cha nó, đừng giống cha nó sau này, còn là lời xin lỗi vì "vòng tay mẹ hữu hạn, không thể che chở, bao bọc được hết cho con". Cái tài năng của Nguyễn Minh Châu là để cho bạn đọc đi từ băn khoăn, thậm chí cảm thấy khó hiểu về nhân vật, sau đó dần dần gợi mở và thuyết phục họ bằng chính vẻ đẹp ẩn sâu trong hình tượng, thứ vẻ đẹp không hoa mĩ, cầu kì mà gần gũi, giản dị.

   Truyện xây dựng khá nhiều tình huống, sự kiện bất ngờ dẫn tới một tình huống mâu thuẫn xuyên suốt là mâu thuẫn trong hành trình đi tìm cái đẹp đích thực. Người nghệ sĩ khi chớp được bức ảnh kia thoạt đầu đã coi nó là "cái đẹp tuyệt đích" và chiêm nghiệm: "bản thân cái đẹp là đạo đức". Ngay sau đó anh ta lại vấp phải một nghịch lí, một điều bất ngờ đầy trớ trêu: từ trên chiếc thuyền bước ra là những con người xấu xí, mệt mỏi, cam chịu, thậm chí là thô lỗ, hoang dại. Trên đó tồn tại sự bạo hành, đánh đập dã man. Cái mà người nghệ sĩ săn đuổi cuối cùng lại mang đến một kết quả không mong muốn. Thước phim huyền diệu được rửa bởi thứ thuốc rửa quái đản của ngang trái, xấu xa. Bi kịch trong con người hiện lên thật đáng sợ. Tác phẩm như một minh chứng tiêu biểu cho quan niệm của tác giả: "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hay số phận đen đủi dồn đến chân tường, bênh vực cho những con người không còn được ai bênh vực". vẫn là cái đẹp ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người nhưng giờ đây nó không có là cái đẹp lãng mạn được bao bọc trong "bầu không khí vô trùng" mà là cái đẹp bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống bộn bề. Tác phẩm đặt ra cho độc giả câu hỏi: Thế nào là nghệ thuật đích thực? Và trả lời nó là một triết lí rút ra từ sự chiêm nghiễm: Cái đẹp hoàn thiện phải là sự kết hợp giữa vẻ đẹp của nghệ thuật và cái đẹp trong cuộc sống. Đây mới là điều cần thiết của nghệ thuật, cái không chỉ Nguyễn Minh Châu mà còn rất nhiều người khác đang kiếm tìm.

   Cái làm nên sức hấp dẫn của "Chiếc thuyền ngoài xa" không chỉ là nội dung phản ánh trong tác phẩm, thông qua hình tượng nhân vật, tư tưởng, tình cảm của tác giả mà còn là ở phương diện nghệ thuật. Nét độc đáo và sáng tạo trong nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu thể hiện trong tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ truyện. Đặc biệt, triết lí làm cho tính nhân văn, nhân đạo của tác phẩm càng trở nên sâu sắc. Câu chuyện được kể lại qua nhân vật người kể chuyện xưng "tôi". "Tôi" vừa là nhân vật tham gia vào truyện lại vừa là người chứng kiến nên có thể kể lại câu chuyện một cách chi tiết, chính xác mà không mất đi tính khách quan của nó. Thông qua những băn khoăn trăn trở và đốn ngộ của "tôi" mà tác phẩm dần gợi mở trước người đọc hiện thực xã hội, cuộc sống con người cũng như bản chất đích thực của cái đẹp.

   Hình tượng nhân vật trong truyện được miêu tả chọn lọc trong một vài chi tiết nhằm phục vụ vào mục đích nghệ thuật nhất định. Người dân chài lưới được khắc họa ở những đường nét ngoại hình khắc khổ, in hằn lên trên đó là sóng gió là muối mặn của biển khơi. Người phụ nữ mang dáng dấp thô kệch của một người lao động chân tay vất vả, nhưng tấm lòng thì lại thật bao dung, độ lượng. Nhà văn đã tỏ ra rất thành công khi tạo ra sự đối lập ấy để thực hiện mục đích của mình, khẳng định vẻ đẹp đích thực trong cuộc sống.

   Khi người nghệ sĩ phát hiện ra sự thật ẩn giấu đằng sau cái đẹp tưởng như toàn thiện cũng là tình huống để cho những mâu thuẫn xung đột được đẩy lên cao trào. Cái được coi là đẹp thực ra mới chỉ là sự nhìn nhận từ bên ngoài. Phía sau nó, là hiện thực trần trụi và đen tối. Để có được cái đẹp đích thực, nghệ thuật lại phải một lần nữa hành trình để kiếm tìm và cuộc hành trình này tất nhiên cũng không hề dễ dàng. Nếu không có một tâm hồn lớn, một sự đồng cảm sâu sắc nhà văn sẽ không tìm thấy viên ngọc ẩn giấu sau lớp vỏ hiện thực trần trụi kia. Điều đó cũng giống như việc người nghệ sĩ trong tác phẩm, sau sự ngộ nhận đầu tiên nếu như không khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong người đàn bà làm nghề chài lưới kia có lẽ sẽ vĩnh viễn mất đi niềm tin vào sự tồn tại của cái đẹp trong cuộc sống.

   "Mỗi tác phẩm là một phát minh về hiện thực và một khám phá về nội dung" (Lê-ô-nít Lê-ô-nốp). "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu không chỉ là sự khám phá, sáng tạo so với các nhà văn khác mà còn là sự sáng tạo trong chính sáng tác của nhà văn. Tác phẩm cho thấy một hướng quan niệm mới, tiến bộ hơn trong hành trình đi tìm cái đẹp ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn mỗi con người của ông, cái đẹp không mang màu sắc lãng mạn nữa mà gắn liền với hiện thực trần trụi. "Cái đẹp là cuộc sống". Tác phẩm đã góp phần trả lời cho câu hỏi: nghệ thuật là gì? Cái đẹp là gì? - câu hỏi mà bấy lâu nay rất nhiều người vẫn mong muốn có thể được giải đáp một cách thích đáng nhất. Đặt trong thời kì hiện đại, khi mọi giá trị đang dần có sự thay đổi, câu trả lời của Nguyễn Minh Châu có giá trị lớn lao đối với con người, đặc biệt là với người nghệ sĩ.

   Một tác phẩm nghệ thuật đích thực là tác phẩm có khả năng khơi gợi trong lòng con người những tình cảm tốt đẹp, giúp cho con người sống với nhau ngày càng nhân ái hơn. Đó cũng chính là những gì Nguyễn Minh Châu đã làm được trong "Chiếc thuyền ngoài xa". Và như một lẽ dĩ nhiên, tác phẩm đã đi sâu vào lòng người và sẽ luôn được độc giả yêu thích, trân trọng.

shoppe