Văn học và tình thương (Bài 2)
Đề bài
Đề bài: Văn học và tình thương.
Hướng dẫn giải
Ai-mai-tốp đã từng nhận xét rằng: “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” . Văn chương có những ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người, có những tác động sâu sắc đến đời sống tình cảm của mỗi chúng ta. Giữa văn học và tình thương có mối quan hệ gắn bó khăng khít.
Văn học là một khái niệm rộng lớn, bao gồm thơ ca, truyện, kịch, hò, vè,… phản ánh đời sống hiện thực, tâm tư, tình cảm của con người. Không chỉ phản ánh, mà văn chương còn đem đến cho ta những bài học ý nghĩa trong cuộc sống, giúp ta biết nâng, niu trân trọng những tình cảm đẹp đẽ.
Nhân dân ta có một kho tàng ca dao hết sức phong phú, phản ánh nhiều phương diện trong cuộc sống như: tình cảm gia đình, sự đoàn kết tình yêu thương và không thể không nhắc đến những bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước:
“Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Huế thì vô”
Hay:
Bắc Kan có suối đãi vàng
Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh
Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật đẹp đẽ, qua đó bộc lộ được tình yêu quê hương đất nước nồng nàn tha thiết của ông cha ta xưa với những nơi mình được sinh ra.
Đến với văn học hiện đại, mỗi tác phẩm lại đem đến cho người đọc những tình cảm, cảm xúc riêng. Là tình cảm mẫu tử thiêng liêng, bât diệt của cậu bé Hồng với người mẹ đáng thương của mình. Bố mất, mẹ bỏ đi, để lại Hồng sống cùng với bà cô nanh nọc, độc ác, luôn tìm cách đay nghiến, chì chiết mẹ cậu để cậu ghét bỏ mẹ. Nhưng bằng một tình yêu thương sắt đá Hồng không để những ý nghĩ rắp tâm ấy làm vấy bẩn hình ảnh mẹ trong lòng mình. Giây phút hai mẹ con gặp lại nhau gây niềm xúc động to lớn đối với người đọc. Hồng nằm gọn trong lòng mẹ, ôm ấp và cảm nhận hơi thở ấm áp, thơm tho mùi trẩu phả ra từ khuôn miêng xinh xắn của mẹ.
Với Cuộc chia tay của những con búp bê, chúng ta lại nghẹn ngào xúc động về tình cảm anh em thắm thiết sâu nặng giữa Thành và Thủy. Vì cha mẹ không thể sống được cùng nhau mà buộc hai anh em phải mỗi người phải chia lìa đôi ngả. Những giọt nước mắt nghẹn ngào khi Thủy bước lên xe, còn Thành ở lại, làm ta không khỏi rưng rưng xúc động. Đọc đến cuối tác phẩm ta càng trân trọng và có ý thức giữ gìn hơn nữa tổ ấm, hạnh phúc gia đình.
Bạn đến chơi nhà lại đem đến cho người đọc một cảm xúc khác về ý nghĩa của tình bạn. Nguyễn Khuyến tiếp đãi bạn thật nhiều điều thú vị, bất ngờ, tưởng là có mà hóa ra lại không có gì. Nhưng để từ chỗ không ấy, Nguyễn Khuyến đã đưa ra một kết luận đầy bất ngờ:
Bác đến chơi đây ta với ta
Câu thơ đề cao tình bạn chân thành, không màng danh lợi, vật chất tầm thường. Cụm từ ta với ta cho thấy sự hòa quyện, hai mà là một. Đây mới chính là một tình bạn đẹp đẽ, cao cả mà bất cứ ai cũng cần hướng đến.
Ngoài ra, các tác phẩm văn chương còn khơi dậy tình làng nghĩa xóm đậm đà, thắm thiết. Ông cha ta vẫn thường có câu:
Bán anh em xa mua láng giềng gần
Để nói lên ý nghĩa tầm quan trọng của tình làng nghĩa xóm trong đời sống con người. Bà cụ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ chẳng phải là minh chứng tiêu biểu nhất đó sao. Gia cảnh khốn cùng của chị Dậu khiến bà không khỏi thương cảm, xót xa, ngay khi thấy anh Dậu về đã cho nắm gạo để nấu cháo, rồi còn bày cách để trốn lũ tay sai. Rồi đến ông giáo trong tác phẩm Lão Hạc, người bạn, người hàng xóm thân thiết của lão Hạc. Ông là người để lão Hạc phơi trải mọi nỗi lòng, tâm sự, cũng như gửi gắm những gì quý giá nhất của mình để lại cho con trai. Nếu không có ông giáo cuộc đời lão Hạc sẽ cô đơn và lẻ loi biết bao.
Chỉ với những phân tích hết sức ngắn gọn ta cũng có thể thấy mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa văn học và tình thương. Văn học giúp con người sống Người hơn, nhân văn hơn, biết yêu thương và quý trọng những người xung quanh, biết sống chân thành, không vụ lợi, giả dối. Mục đích lớn nhất của văn chương chính là giúp con người hướng thiện, hướng con người đến cái đích chân – thiện – mĩ.