Trọng tâm kiến thức tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" (Nguyễn Thi)
Đúng như tên gọi của thiên truyện, ở đây Nguyễn Thi đã dựng lên được hình tượng những người con trong một gia đình, không phải là gia đình nhỏ mà là một gia đình lớn: gia đình cách mạng. Họ gắn bó với nhau trong mối tình ruột thịt, người nào cũng đáng yêu, đáng quý, người nào cũng có bản sắc riêng nhưng lại cùng mang những nét thống nhất về bản chất. Những đặc điểm chung ấy là: lòng căm thù giặc sâu sắc, hành động dũng cảm, gan góc trong chiến đấu, niềm say mê và khao khát được đánh giặc, giàu tình nghĩa, rát đỗi thủy chung với gia đình, cách mạng và tổ quốc.
Có thể kể đến:
-
Chú Năm, một con người lao động chất phác, chân thực, giàu tình cảm, hay mơ mộng, một tâm hồn dạt dào cảm xúc; cũng lại là một con người biết đặc biệt tự hào về truyền thống gia đình, về một cuốn sổ được coi như “gia phả” chống Mĩ (trong cuốn sổ ghi rõ từng tội ác của giặc đối với gia đình và chiến công của từng người trong gia đình)
-
Mẹ Việt rất gan góc ngay ở tuổi con gái,khi làm vợ, làm mẹ càng đảm đang, tháo vát, hết mực thương yêu chồng con. Chịu đựng một cuộc đời lam lũ và bất hạnh, biết nén nỗi đau của mình để nuôi con, đánh giặc. Đầy nhiệt tình cách mạng và lòng căm thù giặc sâu sắc.
Hai nhân vật trung tâm của truyện:
-
Chiến: giống mẹ ở tính gan góc, chăm chỉ, đảm đang, biết thu xếp việc nhà cửa đâu vào đấy trước lúc lên đường. Cho dù vẫn nhớ mình là chị (thương và lo lắng cho em, nhường nhịn em tất cả) nhưng nhiều lúc vẫn mang tính tình của trẻ con (tranh công bắt ếch, tranh công bắn tàu giặc, tranh phần nhập ngũ với em…)
-
Việt: rõ là một cậu trai mới lớn, ngây thơ và hiếu động. Thương chị rất mực nhưng lại không biết suy nghĩ sâu xa, chỉ biết có một việc là đi đánh giặc để trả thù cho ba má.
Hai chị em Chiến và Việt đều là những đứa con của một gia đình cách mạng. Họ là hai cá tính khác nhau nhưng đều có phần chung ở tình yêu thương cha mẹ, cô bác, thương yêu lẫn nhau, đều một lòng khát khao đánh giặc.
Đoạn trích diễn tả cuộc đối thoại giữa hai chị em Chiến, Việt đêm trước ngày lên đường và cảnh buổi sớm hôm sau rước bàn thờ mẹ sang gửi nhà chú Năm là một đoạn văn gây xúc động mạnh.
Ngôn ngữ đối thoại góp phần quan trọng trong việc khắc họa tính cách hai chị em: cùng thương má, cùng một mối thù, cùng một quyết tâm giết giặc trả thù cho má, ...Nhưng ở Chiến và Việt có những nét tính cách riêng. Đoạn văn sau đây nói về việc hai chị em khiêng bàn thờ sang nhà chú Năm gửi nhờ trước ngày lên đường đi chiến đấu là đoạn văn hay nhất, cảm động nhất của thiên truyện.
Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên, Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai.”
Văn Nguyễn Thi giàu chi tiết cụ thể làm nổi rõ góc cạnh của cuộc sống. Giọng văn chân thật, cảm động; có những đoạn làm xúc động sâu sắc tâm hồn người đọc. Ngôn ngữ giản dị, giàu màu sắc địa phương nhưng được sử dụng ở mức độ vừa phải khiến người đọc ở mọi miền đều có thể cảm nhận được.
Những đứa con trong gia đình là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học chống Mĩ và là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Thi.
- Theo Cùng học vui -