Suy nghĩ về câu ca dao sau: “Nhiễu điểu phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Em có suy nghĩ gì về ý nghĩa của câu ca dao sau:
“Nhiễu điểu phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Là học sinh, em sẽ làm những gì để thực hiện lời răn dạy đó?
Một ngôi sao, chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.
Một người - đâu phải nhân gian ?
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!
(Tiếng ru)
Những vần thơ của Tố Hữu đã nhắc em nhớ về câu ca dao mà ông bà ta thường dạy:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Từng lời ca dao cứ xoáy sâu và khơi gợi cho ta những tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ. Nhiễu điều là một tấm vải đỏ tươi được phủ lên để bảo vệ, che đậy cho chiếc gương, chúng luôn đi liền kề bên nhau, cùng ấp ủ, bao bọc lấy nhau.
Mượn hai hình ảnh vừa đẹp vừa thân thiết để so sánh với tình nghĩa đồng bào thì quả thực không sai chút nào. Phải chăng sự đùm bọc, yêu thương giữa người với người cũng thắm đượm như màu vải? Cả đất nước với 54 dân tộc anh em không khi nào rời xa tình đoàn kết, nghĩa bao bọc nhau. Nơi nghèo, chỗ giàu đều không quan trọng, đồng bào ta vẫn giữ trong tim cái huyết thống Lạc Việt ngàn xưa. Tình cảm của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đã bền chặt giông như một thứ keo nhiệm màu, vượt lên hết thảy vàng bạc tầm thường, không dông bão nào lay chuyển nổi. Cũng chẳng nói ngoa khi ví câu ca dao trên như là chân lí. Ông bà ta cốt mong con cháu phải biết che chở, giúp đỡ, yêu quý lẫn nhau. Tình đồng bào bền vững thì nhà yên, nước thịnh, người trong một nước thì thương nhau cùng nghĩa là vậy đó! Thứ tình cảm thiêng liêng ấy sao cứ mãi trường tồn với thời gian?
Nhớ khi xưa, mẹ Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng nở ra một trăm con. Kẻ lên rừng, người xuống biển nhưng chưa lúc nào nguôi nỗi nhớ nhau. Truyền thuyết ấy không đơn thuần ngợi ca tình ruột thịt mà sâu xa hơn, nó toả ra ánh sáng của dòng máu con Rồng cháu Lạc giữa nhân dân trên khắp miền giang sơn kì vĩ: dân tộc Kinh, dân tộc Thái, dân tộc Mông,... chẳng vậy mà trong kho tàng văn học dân gian ta vẫn thường hay bắt gặp câu ca dao:
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Nhưng nghĩa đồng bào bắt nguồn từ đâu? Chẳng gì đúng hơn là sự sẻ chia, gắn bó giữa những người cùng họ tộc. Đó mới là cái đích thực sự để tình cãm nảy nở. Muốn nuôi dưỡng tình đồng bào thiêng liêng, ông bà ta thường nhắn nhủ một câu: Lá lành đùm lá rách. Câu tục ngữ ấy đã đi chung mạch ngưồn tư tưởng với câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương... Còn gì đẹp hơn, quý hơn khi ta vấp ngã mà có những bàn tay xung quanh nâng đỡ, dìu dắt? Quả thực, cuộc sống con người sẽ đầm ấm biết bao nếu trong tim luôn tâm niệm:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Đời sống cộng đồng vô cùng quan trọng, và càng được đề cao ở một đất nước có truyền thống tương thân tương ái như đất nước Việt Nam ta. Tiêu biểu như vào mùa lũ lụt, nhân dân vùng lũ phải chịu biết bao đau khổ, thiệt thòi nhưng vẫn thấy ấm lòng bởi sự quan tâm, ủng hộ chân thành của đồng bào ta dù ở bất cứ nơi đâu cả trong và ngoài nước. Thật dung dị làm sao khi ai ai trong đất nước cũng đề cao, ca ngợi tấm lòng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những tình cảm tốt đẹp như thế phải chăng cũng chỉ có ở một dân tộc bốn ngàn năm văn hiến, luôn đề cao chủ nghĩa nhân văn cao cả? Ôi, xúc động biết bao khi nghe tiếng thì thầm văng vẳng bên tai câu ca: Người trong một nước thì thương nhau cùng!
Trong suy nghĩ của riêng mình, em luôn luôn tâm niệm tình đồng bào là đoàn kết, chia sẻ thôi chưa đủ. Chúng ta cần nuôi dưỡng tình cảm lớn lao ấy từ thưở thiếu thời, khi còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Yêu thương đồng bào làm sao được khi lãnh đạm với mọi người ở gần ta, có quan hệ cùng ta? Vì vậy, sự chan hoà, giúp đỡ của chúng ta từng ngày từng giờ phải được chia sẻ cho gia đình, người thân và xóm giềng.
Tuổi học trò là lứa tuổi của những mộng mơ kì diệu nhất trong cuộc sống của mỗi người. Chúng ta gửi gắm niềm vui và nỗi buồn dưới mái trường, bên bè bạn. Tình yêu thương bác ái trong ta cũng gắn bó với thầy cô, bạn bè. Đối với thầy cô, chúng ta phải ghi nhớ lòng biết ơn, sự kính trọng, cảm thông. Đối với bạn bè, ta cần quan tâm, giúp đỡ. Khi bạn gặp khó khăn, nếu ta biết chìa vai gánh vác cùng họ thì sau này lúc ta âu sầu, buồn tủi, mọi người sẽ xuất hiện bên ta. Suy nghĩ cho thật sâu xa, mái trường cũng là một trong những nơi nuôi dưỡng tình đồng bào cao đẹp. Sau này, khi chúng ta bươn chải ngoài xã hội, tình cảm tương trợ giữa nhân dân một nước càng có dịp thể hiện rõ ràng hơn. Chúng ta đi trong đời với một “chiếc túi để cho”. Hãy mở rộng vòng tay thương cảm với tất cả những cảnh ngộ đau đớn ta từng gặp. Sự giúp đỡ của ta dù bé nhỏ cũng làm họ ấm lòng. Đời sống cộng đồng mênh mông, sâu thẳm quá! Tâm hồn ta cứ được bồi đắp phong phú thêm bởi tấm lòng yêu thương, đùm bọc của đồng bào trong cả nước.
Cuối cùng, chúng ta sẽ được trả lại bằng tình cảm yêu thương của mọi người! Ôi kì lạ làm sao mỗi khi hoài nhớ về lời ca dao lâu đời:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Lòng ta bỗng trở nên êm ấm, dịu dàng. Tình đồng bào hiện hữu nơi trái tim con người sẽ làm cuộc sông trở nên hạnh phúc, muôn màu muôn vẻ...