Đăng ký

Soạn văn lớp 11: Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân

1,403 từ Soạn bài

Với bài Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân, Cunghocvui xin gửi đến các bạn bài Soạn bài Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân đầy đủ nhất, bao gồm cả phần lí thuyết và phần thực hành bài tập. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

I. Kiến thức cơ bản

1. Ngôn ngữ chung

- Ngôn ngữ chung là ngôn ngữ được một cộng đồng xã hội sử dụng thống nhất để giao tiếp.
- Ngôn ngữ chung bao gồm hệ thống các đơn vị, các quy tắc, các chuẩn mực xác định về ngữ âm - chữ viết, từ vựng và ngữ pháp. Mỗi thành viên trong cộng đồng đều cần phải có những hiểu biết nhất định về ngôn ngữ chung của cộng đồng, dân tộc thì mới có thể giao tiếp được.
- Mỗi người tự nâng cao hiểu biết của mình về ngôn ngữ chung bằng cách học, có thể học ở nhà trường, học trong sách vở và học trong giao tiếp hàng ngày. Việc học ấy sẽ giúp con người hình thành các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.

2. Lời nói cá nhân

- Lời nói cá nhân là sản phẩm của mỗi người khi sử dụng ngôn ngữ chung làm công cụ giao tiếp. Do đó, mỗi văn bản nói và viết thường mang dấu ấn cá nhân của người tạo lập nên.
- Dấu ấn cá nhân trong lời nói thể hiện cá tính, hiểu biết, vốn văn hoá... của người nói, viết.
- Trong văn chương nghệ thuật, dấu ấn cá nhân vô cùng quan trọng. Những tác phẩm thành công là những tác phẩm thể hiện được cá tính, phong cách riêng của nhà văn. Bởi nghệ thuật đề cao sự sáng tạo, mà sáng tạo của nghệ thuật thể hiện ở khả năng sử dụng ngôn từ của nghệ sĩ. Từ ngôn ngữ chung, nghệ sĩ sáng tạo nên những lời nói, cách kể, cách diễn đạt riêng của mình. Chẳng hạn: Những ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn khác hẳn những ca khúc đậm chất rock Tây nguyên của Nguyễn Cường, những trang văn đầy tài hoa, cầu kì trong việc sắp xếp ngôn từ của Nguyễn Tuân khác hẳn những trang văn chất phác, hồn hậu, hiền lành của Nguyên Hồng...

từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân

II. Luyện tập

Bài 1 (Trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

- Từ “thôi” vốn có nghĩa là chấm dứt, kết thúc một hoạt động nào đó

- Từ “thôi” in đậm được Nguyễn Khuyến sử dụng để chỉ sự chấm dứt, kết thúc một cuộc đời

⇒ Đây chính là sự sáng tạo nghĩa mới cho từ “thôi” của Nguyễn Khuyến để làm giảm bớt đi sự đau lòng, xót xa khi mất đi một người bạn tri kỉ là Dương Khuê.

Bài 2 (Trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

- Ở các câu thơ trên, Hồ Xuân Hương đã sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo ngữ

- Ở trong các tổ hợp cụm danh từ đều đảo danh từ trung tâm lên trước: danh từ + phụ ngữ trước: rêu + từng đám, đá + mấy hòn

- Đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ: “Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám” (Từng đám rêu, xiên ngang mặt đất)

- Đưa các cụm động từ mạnh “Xiên ngang mặt đất”, “đâm toạc chân mây” làm vị ngữ lên trước

⇒ Tạo nên âm hưởng mạnh cho câu thơ, sự dữ dội của thiên nhiên cũng như của lòng người.

Câu 3 (Trang 13 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Quan hệ giữa ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân là quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Trong hiện thực, có rất nhiều hiện tượng cũng có mối quan hệ như vậy:

- Ví dụ: một chiếc ti vi Samsung là sự hiện thực hóa của loại máy thu hình. Nó mang đầy đủ đặc điểm chung của loại máy này (có bóng hình, có loa, … song nó cũng mang đặc điểm riêng của thương hiệu).

- Có thể nêu ví dụ khác về mối quan hệ giữa giống loài và từng cá thể, chẳng hạn giữa chim bồ câu với loài chim, giữa một con cá cụ thể với một loài cá.

Thông qua bài soạn Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân, Cunghocvui.com hy vọng các bạn học sinh sẽ nắm được lí thuyết và làm bài tập được chính xác nhất. Chúc các bạn học tốt!

shoppe