Soạn bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương - Văn hay lớp 9
Bài thơ Viếng lăng Bác đã bày tỏ sự xúc động, xót xa cùng lòng thành kính của nhà thơ Viễn Phương và toàn bộ người dân đối với Bác. Cùng tham khảo phần Soạn bài Viếng lăng Bác đầy đủ nhất ngay sau đây nhé!
Bố cục:
Bài thơ Viếng lăng Bác có thể được chia thành 3 phần như sau:
Phần 1: Hai khổ thơ đầu
Nội dung: Những cảm xúc của nhà thơ khi đứng ở ngoài lăng Bác
Phần 2: Khổ thơ thứ ba
Nội dung: Cảm xúc của nhà thơ khi cùng dòng người xếp hàng vào lăng và khi được vào trong lăng viếng Bác
Phần 3: Còn lại
Nội dung: Tâm trạng lưu luyến của tác giả khi phải rời xa Bác, trở về miền Nam.
Xem thêm Giới thiệu về Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng Bác
Cảm nhận của em về tấm lòng của người dân miền nam đối với Bác trong bài thơ Viếng lăng Bác
Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác
Câu 1 (Trang 60 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Toàn bộ bài thơ là sự đan xen rất nhiều cảm xúc của nhà thơ Viễn Phương khi vào lăng viếng Bác. Từ sự xúc động, nghẹn ngào ở ngoài lăng đến sự xót xa, đau đớn ở trong lăng và cuối cùng là nỗi niềm lưu luyến, không nỡ rời đi khi phải rời xa Người.
Bài thơ được viết theo trình tự thời gian: từ khi ở ngoài lăng đến khi được vào trong lăng và cuối cùng là khi rời lăng
Cảm xúc của nhà thơ cũng lần lượt được bộc lộ qua trình tự như vậy, nhà thơ cứ để mạch cảm xúc trôi tự nhiên, là những tâm trạng đang hiện lên trong lòng tác giả.
Câu 2 (Trang 60 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Phân tích hình ảnh “hàng tre” bên lăng Bác được miêu tả ở khổ thơ đầu:
- Hình ảnh “hàng tre” được tác giả miêu tả đầu tiên trong bài thơ. Nó vừa là hình ảnh thực, vừa là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. “Hàng tre” là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, nó biểu tượng cho dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
- Cây tre đứng thẳng hàng cũng như sự cương trực, ngay thẳng của người Việt, dù có bão táp, mưa sa thì chúng ta vẫn luôn mạnh mẽ, không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, trước số phận
- Hình ảnh cây tre cuối bài thơ có ý nghĩa “cây tre trung hiếu”. Đây cũng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
- Hàng tre được nhắc đến ở đầu bài thơ và được xuất hiện lại ở cuối bài thơ, kết cấu vòng cho thấy ý nghĩa của hình ảnh hàng tre, vừa thể hiện lên phẩm chất của người Việt, vừa nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn và không nỡ rời xa của tác giả đối với Bác.
Câu 3 (Trang 60 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Tình cảm của nhà thơ và của mọi người đối với Bác được thể hiện trong các khổ 2, 3, 4 là:
- Lòng thành kính của người viếng lăng: dòng người…thương nhớ.
- “Mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ nói lên sự to lớn, vĩ đại của Bác Hồ giống như mặt trời của thiên nhiên vĩnh hằng luôn tỏa sáng cho sự sống của muôn loài.
- Khổ thơ thứ ba lột tả được sự xót thương cũng như tấm lòng của con dân Việt Nam đối với Bác:
+ Hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền" là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn cao đẹp, sự vĩ đại của Người
+ "giấc ngủ bình yên" : Người đã chìm vào giấc ngủ ngàn thu, đã không còn phải lo toan, nhọc nhằn vì đất nước. Sau cả một đời người vất vả để giành lại độc lập, chủ quyền cho dân tộc, Người cuối cùng cũng đã được nghỉ ngơi rồi.
+ Hình ảnh: "Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim!" cho thấy sự đau xót của tác giả trước sự ra đi của Bác. Nhà thơ biết rằng: dù Bác đã ra đi nhưng Bác vẫn còn mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, giống như bầu trời xanh trường tồn, bất diệt kia. Thế nhưng nhà thơ vẫn không giấu nổi sự đau xót, tiếc thương đối với Người.
- Khổ thơ cuối cùng là tâm nguyện, là ước muốn được hóa thân vào cảnh vật để được mãi mãi ở bên Người. Khát vọng của nhà thơ muốn làm con chim để hót quanh lăng Bác mỗi sớm mai, muốn làm đóa hoa tô đẹp cho cảnh vật nơi đây và muốn làm một cây tre trung hậu, trung thành đối với Bác, với đất nước, với nhân dân.
- Ước nguyện của nhà thơ thật cao đẹp, cho thấy tình cảm lớn lao của Viễn Phương đối với Bác.
Câu 4 (Trang 60 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Sự thống nhất giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật:
- Thể thơ 8 chữ với hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo và gợi cảm, vừa quen thuộc lại vừa sâu sắc, ngôn ngữ bình dị, cô đúc,…tất cả đều góp phần vào việc diễn tả tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
- Giọng điệu thành kính, trang nghiêm, thể hiện thái độ tôn trọng, trân trọng, biết ơn đối với Bác
- Nhịp điệu chậm rãi, mạch cảm xúc tự nhiên, thể hiện tấm lòng của tác giả
Thông qua phần Soạn bài Viếng lăng Bác, Cunghocvui hi vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn đạt được điểm cao trong học tập!