Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác - Văn hay lớp 9
Bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương là một bài thơ vô cùng xúc động về tình cảm của tác giả đối với Bác. Sau đây, Cunghocvui xin gửi đến các bạn bài Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất!
Bài làm
Chiến tranh qua đi đã gần được một thế kỉ, ấy vậy mà mỗi khi nhắc lại, chúng ta vẫn không khỏi đau xót trước những nỗi mất mát, trước những hi sinh của thế hệ đi trước để bảo vệ độc lập, tự do. Trong số những nỗi mất mát của chiến tranh, có sự ra đi của các anh hùng, có sự rời bỏ cuộc sống của những người nông dân áo vải.... nhưng không phải những nỗi đau của chiến tranh mới là đau đớn nhất. Khi chiến tranh kết thúc, chúng ta còn phải chịu một nỗi đau vô cùng lớn, đó là sự ra đi của Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của mỗi người dân Việt Nam. Dành cả cuộc đời để giành lấy độc lập, tự do cho đất nước, Người cũng đến lúc phải từ biệt trần thế. Bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương đã thay lời mỗi con dân của Bác, nói lên nỗi đau xót, thương nhớ khôn nguôi dành cho Người.
Xem thêm Soạn bài Viếng lăng Bác
Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Ta cảm nhận ở nhà thơ trước hết là tấm lòng thành kính, biết ơn của một người con chưa từng một lần được nhìn thấy Bác:
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng"
Chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại ở miền Nam, năm 1976, nhà thơ Viễn Phương cùng với đồng bào miền Nam đã có dịp được ra Hà Nội viếng Bác. Tác giả như một người con xa nhà về thăm người cha của mình. Nhà thơ bộc lộ nỗi xúc động nghẹn ngào khi chưa kịp cảm ơn, chưa kịp thể hiện tấm lòng thành kính trước công ơn của Bác mà Bác đã ra đi mất rồi. Nhà thơ sử dụng hình ảnh "hàng tre" đã nói lên hình ảnh của mỗi người dân Việt Nam kiên cường, bất khuất và ngay thẳng. Ta cảm nhận được thái độ vô cùng tự hào vì là một người dân Việt Nam của tác giả. Nhà thơ cũng như bao người khác, đều biết ơn Hồ Chủ Tịch kính yêu!
Từ tấm lòng thành kính, sự biết ơn dành cho Người, tác giả còn thể hiện nỗi đau xót, xót thương trước sự ra đi của Bác:
"Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim"
Hình ảnh Bác đang nằm ngủ say giữa "một vầng trăng sáng dịu hiền" cho thấy tâm hồn cao đẹp, cho thấy sự hiền dịu của Người. Nhà thơ đau xót, cảm thấy mất mát vô cùng: "Mà sao nghe nhói ở trong tim!". Động từ "nhói" cho thấy sự bật ra của cảm xúc, nhà thơ không thể kìm nén được nữa, từng cơn đau cứ quặn lên trong tim. Dù tác giả biết rằng, Bác ra đi những vẫn ở mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam nhưng nhà thơ vẫn không giấu nổi sự xúc động của mình. Phải là một người vô cùng yêu thương, kính trọng Người thì mới có thể có những cảm xúc, những nỗi đau lớn như vậy. Ta thấy ở tác giả tấm lòng đối với Bác, cũng như tấm lòng của cả miền Nam.
Nhưng xúc động nhất có lẽ là ở khổ thơ cuối, khi nhà thơ thể hiện ước muốn cháy bỏng cùng với tâm nguyện được cống hiến cho dân tộc, cho đất nước:
"Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này"
Những giọt nước mắt của tác giả là những giọt nước mắt của sự đau xót, của sự lưu luyến khi vừa mới tới thăm Người được một chút thôi, giờ đã phải rời xa rồi. Trở lại miền Nam là thực tại, không nỡ rời xa là ý muốn trong tâm tưởng của nhà thơ. Để quên đi thực tại đau xót này, nhà thơ đã tự nhủ với lòng mình, đã bộc lộ mong ước được hóa thân vào những cảnh vật quanh lăng Bác để được mãi mãi ở bên Người. Điệp từ "Muốn làm" cho thấy ước muốn mãnh liệt, cháy bỏng của nhà thơ. Tác giả muốn làm con chim để hót quanh lăng Bác mỗi sớm mai, muốn làm đóa hoa tô điểm thêm cho cảnh vật quanh lăng, tỏa hương thơm ngát.... và muốn làm cây tre để trung hiếu với Người:
"Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này"
Hình ảnh cây tre được tác giả sử dụng rất khéo léo, xuất hiện ở đầu bài thơ và quay lại ở cuối bài thơ. Kết cấu này tạo ra tính biểu tượng cho hình ảnh cây tre, vừa là biểu tượng cho con người Việt Nam, vừa nói lên tấm lòng của tác giả đối với Người. Xúc động biết bao trước tình cảm của nhà thơ đối với Bác!
Là một người dân Việt Nam sống trong thời buổi hiện đại, khi chiến tranh đã kết thúc, dù ta không thể hiểu được hoàn cảnh và những khó khăn trước kia nhưng vẫn cảm thấy được công lao to lớn của Bác dành cho đất nước qua những lời thơ của nhà thơ Viễn Phương. Ông thực sự đã viết rất hay, mạch cảm xúc tự nhiên, lắng đọng theo trình tự vào thăm lăng Bác, qua đó gieo vào lòng người đọc sự xúc động, tình cảm mến yêu dành cho cả Hồ Chủ tịch và cả những người con dân miền Nam như tác giả.
Đọc bài thơ Viếng lăng Bác, ta hiểu được lí do tại sao mà bài thơ được phổ thành nhạc sau này. Đó chính là bởi vì những cảm xúc được cất lên từ tấm lòng chân thành của người viết, từ sự vĩ đại, cao cả của Bác Hồ kính yêu...
Thông qua bài văn Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác, Cunghocvui hi vọng đây sẽ là một trong những bài cảm nhận hay nhất dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!