Cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác
Đề bài
Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác
Hướng dẫn giải
Viếng lăng Bác của Viễn Phương được sáng tác năm 1976 ngay sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, tác giả cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm lăng Bác. Bài thơ là những lời xúc động nghẹn ngào của người con thăm vị cha già của dân tộc. Tác phẩm không chỉ gửi gắm tâm trạng của riêng tác giả mà đó còn là tấm lòng của biết bao con người, bao thế hệ Việt Nam.
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Câu thơ vang lên thật thân thương, gần gũi, là “con” chứ không phải bất cứ đại từ xưng hô nào khác. Cách lựa chọn từ của tác giả thật tinh tế mà cũng thật giàu cảm xúc, diễn tả được sự yêu thương, gần gũi như những người thân trong gia đình. Tác giả ra thăm Bác cũng giống như những người con ra thăm cha sau bao năm xa cách. Ngoài ra, Thanh Hải cũng tỏ ra là người hết sức tinh tế khi sử dụng từ “thăm” chứ không phải “viếng”, cách nói giảm nói tránh làm giảm bớt những đau thương, mất mát, nhưng dẫu vậy cũng không thể giấu nổi nỗi đau đớn, xót xa.
Bước chân vào lăng, điều tác giả ấn tượng nhất chính là không gian của những hàng tre xanh rì, bát ngát. Nhưng tác giả không chỉ dừng lại ở hàng tre tả thực ấy mà còn liên tưởng đến dân tộc Việt Nam: “Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa vẫn đứng thẳng hàng”. Đó chính là phẩm chất của con người Việt Nam đã được nhiều tác giả nói đến: “Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người” – Thép Mới hay “Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu” – Nguyễn Duy. Con người Việt Nam dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, sóng gió để đi đến thành công.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Câu thơ có hai hình ảnh mặt trời sóng đôi: hình ảnh mặt trời trong câu thứ nhất là mặt trời của tự nhiên, đem lại sự sống cho muôn loài, hình ảnh mặt trời này được nhân hóa “đi qua trên lăng” để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của “mặt trời trong lăng rất đỏ”. Sử dụng biện pháp ẩn dụ, mặt trời trong lăng chính là biểu tượng cho Bác Hồ. Bác đem lại ánh sáng, sự sống cho dân tộc Việt Nam, Bác đã đưa dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ cực khổ, tối tăm để đến với cuộc sống mới làm chủ vận mệnh, làm chủ đất nước. Dùng hình ảnh mặt trời để nói về Bác chính là để ca ngợi tấm gương đạo đức sáng ngời cũng như công lao vĩ đại của Bác với toàn thể dân tộc Việt Nam. Thông qua hình ảnh ẩn dụ tác giả vừa khẳng định sự vĩ đại, bất tử của bác đồng thời thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng mộ của tác giả nói riêng và của nhân dân nói chung với bác.
Trước tấm lòng, sự cống hiến của bác “dòng người” ngày ngày vẫn kính cẩn nghiêng mình, đem tấm lòng chân thành viếng Bác. Hình ành “tràng hoa” là một hình ảnh đẹp về dòng người vào viếng lăng Bác. Mỗi con người tựa như một một bông hoa, họ đem những gì đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mình với tấm lòng thành kính và tiếc thương vô hạn kính dâng lên Bác. Ở đây tác giả sử dụng kính dâng “bảy mươi chín mùa xuân” cho thấy Bác đã sống một cuộc đời tươi đẹp như mùa xuân và làm nên mùa xuân cho đất nước. Cách nói đó đã gián tiếp khẳng định sự sống bất tử của Bác trong lòng mọi người.
Càng đến gần Bác, tác giả càng nghẹn ngào, xúc động: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Sau bao nhiêu năm bôn ba Bác đã yên nghỉ, ngủ một giấc ngủ bình yên, thanh thản trong không khí trang nghiêm, yên tĩnh bầu bạn với người bạn tri kỉ: ánh trăng. Để rồi sau đó, không thể kìm nén cảm xúc, tác giả bật lên lời cảm thán, nhường chỗ cho nỗi đau không thể giấu kín. Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” lại một lần nữa khẳng định tuy Bác đã ra đi nhưng Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất trời, vẫn sống mãi với non sông đất nước. Mặc dù vẫn biết là như thế nhưng tác giả vẫn không thể giấu nổi nỗi lòng mình: nỗi đau quặn thắt, tê tái trong sâu thẳm tâm hồn Viễn Phương.
Giây phút được gặp Bác quả thật quá ngắn ngủi, giờ phút chia tay lại một lần nữa khiến tác giả thổn thức, cảm xúc dâng trào, vỡ ra thành những giọt nước mắt: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Câu thơ như một tiếng khóc thổn thức, nức nở, dù đã cố kìm nén nhưng không thể, Viễn Phương bịn rịn, lưu luyến, không muốn rời xa. Ba câu thơ cuối là những nguyện ước giản dị mà hết sức chân thành của tác giả. Điệp ngữ “muốn làm” được nhắc lại ba lần cùng phép liệt kê tạo âm hưởng dồn dập, thể hiện khát vọng chân thành, mãnh liệt của Viễn Phương. Ông muốn là con chim cất cao tiếng hót, làm đóa hoa tỏa hương thơm ngát và làm cây tre ngày ngày canh giữ giấc ngủ bình yên cho Bác.
Bài thơ sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi mà giàu sức gợi. Tác giả sử dụng linh hoạt các biện pháp ẩn dụ, hóan dụ: mặt trời, cây tre,… diễn tả tấm lòng thành kính của tác giả với Bác Hồ. Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm nhưng cũng hết sức sâu lắng, tha thiết. Hình ảnh thơ đa dạng, phong phú, không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà còn mang ý nghĩa biểu tượng, làm cho bài thơ trở nên sâu sắc hơn.
Bằng lớp ngôn ngừ đẹp đẽ, chân thành tác giả đã thể hiện tình cảm tha thiết không chỉ của riêng ông mà còn là của toàn thể dân tộc Việt Nam trước vị lãnh tụ, vị cha già của dân tộc Việt Nam. Qua đó, tác giả còn khám phá, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: kiên cường, bền bỉ, ân nghĩa, thủy chung.