Soạn bài Tôi yêu em
1. Điệp khúc nào làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ? Bài thơ dường như là lời giã từ cho một mối tình không thành. Lời giã từ của Pu-skin có gì đặc biệt?
Trả lời:
Bài thơ dường như là lời từ giã cho một mối tình không thành. Nó thấm đượm một nỗi buồn nhưng không hoàn toàn bi luỵ, không hề có suy nghĩ gì mang tính tiêu cực. Bài thơ mở ra ngay lập tức đi thẳng vào điều cốt yếu: "Tôi yêu em", như lời thú nhận lại như lời tự nhủ, trực tiếp, ngắn gọn và giản dị:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Hai câu thơ rất chừng mực. Trong nguyên bản, sau "Tôi yêu em" (đúng ra là "Tôi đã yêu em") là dấu hai chấm (:) diễn giải, và từ dấu hai chấm này, "tình yêu" xuất hiện như một chủ thể khác:
Tôi đã yêu em, tình yêu vẫn, có lẽ
Chưa tắt hẳn trong lòng tôi;
Trong bản dịch không còn rõ nét tinh tế ấy. Tinh yêu nảy sinh trong ta, thuộc về ta, nhưng đổng thời, tình yêu như cũng có sinh mệnh riêng, sự vận động, tự chủ riêng của nó. Trong bốn câu thơ đầu, dường như có một "cái tôi" đang tự soi vào tâm hồn mình, ở đó tình yêu vẫn chưa tắt hẳn (cách nói phủ định "tình yêu chưa tắt hẳn" day dứt, ám ảnh hơn diễn đạt để khẳng định "tình yêu vẫn còn"); nhưng lại có một "cái tôi" khác, nghĩ đến người (cô gái), dùng ý chí mà chế định cảm xúc: "hãy để tình yêu không làm phiền em thêm nữa". Đó là một sự dằn lòng, một sự chế ngự, một sự vươn lên. Tâm hồn vươn về tình yêu trong ý nghĩa đích thực, xem tình yêu như hành vi trao tặng, làm cho đối tượng tình yêu của mình hạnh phúc quan trọng hơn là được yêu với nghĩa đón nhận, sở hữu về mình, cho sự hưởng thụ của mình. Thế nên "tôi" giữ nỗi buồn riêng cho mình, "tôi không muốn làm em buồn về bất cứ điều gì", ngay cả dù điều ấy là tình yêu của tôi dành cho em. Cách ứng xử của Pu-skin đúng là một lời từ giã tinh yêu thật đặc biệt.
Tác giả Lê Lưu Oanh nhận xét về điều này như sau: "... Lời thơ như một lời tự nhắc nhủ, một sự tự ý thức về tình yêu của mình và cũng như một lời nói bên trong đầy dịu dàng, trân trọng với hồn em. Nhưng đằng sau những lời lẽ, điềm tĩnh, đúng mực ấy là bao nỗi niểm, bao sắc thái của tình yêu: Có cái chua xót của thân phận vì nếu tình yêu không đem lại hạnh phúc, niềm vui, mà chỉ là nỗi băn khoăn, phiền muộn cho người mình yêu thì nên chấm dứt tình yêu đó; có sự chế ngự của lí trí đối với con tim; có cái cao thượng, tế nhị của tình tôi (điều quan trọng không phải là tình yêu của tôi mà là sự yên tĩnh, thanh thản của hồn em); có cái tôn thờ, sùng kính của bậc nam nhi đối với người phụ nữ. Tinh yêu có thể chấm dứt vì nhiều lí do, nhưng cái lí do đầy dịu dàng, trân trọng và cao thượng ấy đối với phụ nữ, mấy ai có được".
(Lê Lưu Oanh, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học II, Sđd)
2. Giọng điệu trữ tình chuyển biến như thế nào từ hai câu 1- 2 sang hai câu 3 - 4 và từ hai câu 5 - 6 sang hai câu 7 - 8? Diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình được thể hiện tinh tế ra sao?
Trả lời:
a. Điệp khúc Tôi yêu em là giọng điệu chủ đạo của bài thơ. Trong tiếng Nga, với hai đại từ ya và vư, người ta có thể dịch sang tiếng Việt thành một số cặp quan hộ từ như: tôi yêu cô, anh yêu em, tôi yêu em. Có thể nói việc người dịch chọn dịch thành tôi yêu em là khá đạt, bởi cụm từ này đã diễn đạt được một cách chính xác mối quan hệ vừa gần vừa xa, vừa rụt rè lại vừa đằm thắm. Nhân vật tôi chưa thân thiết với cô gái đến mức xưng anh, khi xưng tôi quan hệ tình yêu lại mang một sắc thái trầm tĩnh, tự tin, đúng mực, có ý thức về mình. Nét tinh tế trong quan hệ hai nhân vật được bộc lộ qua hai đại từ nhân xưng tôi và em này.
Điệp khúc này xuất hiện trở đi trở lại ba lần trong bài thơ. Mở đầu bài thơ, điệp khúc Tôi yêu em cất lên như là một lời bộc lộ chân thành, lời lẽ giản dị mà mang bao nỗi quyến rũ, bí ẩn muôn đời. Bốn câu thơ sau lại mở ra bằng điệp khúc Tôi yêu em để rồi sự chế ngự của lí trí phải nhường lại cho mạch cảm xúc dào dạt tuôn trào:
Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rẽ, khi hậm hực lòng ghen,
Nhịp thơ nhanh hơn với những từ lúc, khi, diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi vô cùng, dồn dập. Nhân vật trữ tình bộc lộ thẳng thắn tâm hồn mình: một tình yêu âm thầm, không hy vọng như để tô đậm thêm nét đặc biệt của mối tình đơn phương này. Nhưng dù vậy, tình yêu ấy vẫn có đầy đủ mọi sắc thái của tình yêu muôn thuở: nỗi khổ đau âm thầm, niềm tuyệt vọng, lòng ghen tuông giày vò. Hai câu thơ khơi mở ra những lớp tình cảm phức tạp mà rất con người dưới đáy sâu tâm hồn, sau lớp vỏ ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vẻ bề ngoài lặng lẽ, rụt rè, qua ý thức cố ghìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa lụi tắt chứ không phải (thực tế) là đang bùng cháy mãnh liệt.
b. Với sự chân thành hết mực, nhân vật trữ tình không né tránh phân tích cùng kiệt tất cả những yếu đuối, bất lực, những góc khuất tận đáy sâu tâm hồn - một tâm hồn yêu đương cháy bỏng trong âm thầm; cuồng nhiệt trong vô vọng; đắm đuối đến bối rối, lo âu, thấp thỏm; một tâm hồn vật vã, trăn trở, day dứt không biết đến nhẹ nhõm, an bằng, thanh thản,... Thế là câu thơ đáng ra nói cái bị động, tiêu cực mà lại làm hiện lên những nhịp đập sôi nổi, mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực của trái tim yêu.
Trong mạch thơ như vậy, hai câu kết vừa nối tiếp tự nhiên vừa mang đến ấn tượng bất ngờ:
Tôi yêu em chân thành như thế đó, đằm thắm như thế đó,
Cầu Trời cho em (lại) được ai khác yêu thương (cũng) như thế.
(Bản dịch nghĩa)
Điệp khúc Tôi yêu em lại được láy lại lần thứ ba với một lời khẳng định bản chất của mối tình này: chân thành và đằm thắm. Trong điệp ngữ Tôi yêu em, ở bản tiếng Nga, động từ yêu luôn được để ở thể chưa hoàn thành, điều ấy có nghĩa là ngọn lửa tình yêu trong trái tim nhà thơ sẽ không bao giờ tắt, không bao giờ lụi tàn, nhạt phai. Chính sự chân thành và đằm thắm ấy là cái gốc của tấm lòng cao thượng trong tình yêu này. Nó lí giải vì sao ở đoạn trên kia, nhân vật trữ tình lại có một cách ứng xử dịu dàng, tế nhị, trân trọng người mình yêu và đến cuối bài thơ lại có một lời chúc thiêng liêng đầy vị tha như thế.
3. Tại sao có thể nói hai câu kết là bất ngờ, hàm chứa nhiều ý vị?
Trả lời:
Hai câu thơ cuối của bài thơ quả thật rất bất ngờ và thú vị:
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Hai câu kết cũng mở đầu bằng điệp khúc Tôi yêu em nhưng không chỉ trở về quá khứ (đã yêu em) mà còn là sự tiếp nối liên tục hết sức đặc biệt từ quá khứ tới tương lai. Câu 7 khái quát tấm tình được diễn tả trong toàn bộ sáu câu trước đó (Tôi đã yêu em chân thành như thế đó, đằm thắm như thế đó). Câu thơ thể hiện bản lĩnh và tấm lòng tha thiết với người yêu của nhân vật trữ tình. Một lần nữa, ta thấy nhân vật trữ tình lại giữ lại tất cả những sầu khổ, dằn vặt cho riêng mình để chỉ dâng hiến cho bạn lòng tặng vật tốt đẹp nhất của tình yêu, đó là sự chân thành và đằm thắm. Câu 7 chuyển ý đến câu 8 bằng một so sánh tương ứng: Cầu cho em lại được ai khác yêu em cũng chân thành như tôi đã yêu em, đằm thắm như tôi đã yêu em. Nếu ở câu 6, nhân vật trữ tình bị giày vò bởi nỗi ghen tuông, thì đến đây, anh đã vượt lên sự ích kỉ thường tình để có thể gửi gắm vào một người (chác, một người thứ ba tất cả tình cảm nâng niu mà anh dành cho người anh yêu với ước mong nàng được hạnh phúc. Yêu chân thành, đằm thắm, người ta có thể quên đi "cái tôi" để chỉ nghĩ đến người mình yêu. Với tình yêu thực sự, người ta phấn đấu thực hiện được sự "toàn mãn" trong tình yêu hơn là được yêu. Câu thơ không phải không ẩn chút nuối tiếc, xót xa nhưng đồng thời cũng rất tự tin và kiêu hãnh (bởi có thể chẳng ai khác nữa ngoài anh yêu em chân thành, đằm thắm đến thế; và cũng rất có thể em, có thể chúng ta đang để mất một tình yêu quý giá chẳng bao giờ còn kiếm tìm được nữa).
Lời cầu mong cuối bài thơ cũng còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng, chở che như nhà thơ đã viết trong một bài thơ khác:
Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn
Em thầm thì hãy gọi tên lên
Và hãy tin: còn đây một kỉ niệm
Em vẫn còn sống giữa một trái tim.
Chính thái độ trân trọng, tôn thờ, sùng kính, "sự thuần khiết" đối với phụ nữ đã đưa bài thơ của Pu-skin vươn tới những giá trị nhân văn cao cả trong kho tàng thơ tình nhân loại.
4. Bài thơ gợi cho anh (chị) những cảm nghĩ gì về tâm hồn Pu-skin và về tình yêu?
Trả lời:
Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin "tôn vinh phẩm giá của con người với tư cách là Con Người" (Bi-ê-lin-xki). Thơ Pu-skin thường không trang sức rực rỡ cầu kì, vẻ ngọc của những bài thơ sáng lên chủ yếu ở xu hướng vươn tới cái cao cả trong tâm hồn và tư tưởng.
Tinh yêu vốn là một chủ đề lớn trong thơ trữ tình của Pu-skin. "Hầu như tình yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời ông... Màu sắc chung của thơ Pu-skin, đặc biệt là trong thơ trữ tình, là vẻ đẹp nội tâm con người và lòng nhân ái vuốt ve tâm hồn" (Bi-ê-lin-xki). Thơ tình của Pu-skin thường bắt nguồn từ những cảm xúc cụ thể, chân thực với những trải nghiệm tình cảm sâu xa, do đó đã thể hiện được những vẻ đẹp đa dạng, tinh tế của thế giới tâm hồn con người. Tôi yêu em là vẻ đẹp tâm hồn của Pu-skin. Nó đã gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của loài người: những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu chứa đựng trong những lời lẽ giản dị, trong sáng nhất. Những vần thơ như thế, những tình cảm cao đẹp như thế che chở và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Chính vì vậy mà thơ Pu-skin làm xúc động bao thế hệ độc giả không chỉ ở nước Nga mà ở tất cả những nơi nó đến.