Soạn bài Sóng Xuân Quỳnh hay nhất - Ngữ văn 12 tập 1
Bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh là tiếng thơ tha thiết, cảm xúc trước tình yêu của người nữ sĩ này. Sau đây, Cunghocvui.com xin gửi đến các bạn soạn bài Sóng Xuân Quỳnh đầy đủ nhất. Cùng tham khảo qua bài soạn mẫu dưới đây nhé!
I. Tìm hiểu chung
1. Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một trong các bài thơ đặc sắc nhất viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào.
2. Bố cục
Bài thơ được chia làm 3 phần
Phần 1: 2 khổ thơ đầu
Nội dung: Mối quan hệ giữa sóng và em
Phần 2: 4 khổ thơ tiếp theo
Nội dung: Nỗi nhớ của người con gái trong tình yêu và sự lí giải về cội nguồn của tình yêu
Phần 3: Còn lại
Nội dung: Khát vọng được thấu hiểu, được hòa mình vào tình yêu lớn của nhà thơ
Xem thêm bài tìm hiểu tác giả, tác phẩm Tìm hiểu Sóng Xuân Quỳnh
Bài văn chi tiết và đầy đủ phân tích bài thơ Sóng hay nhất
II. Tìm hiểu chi tiết bài thơ
Sau đây là phần trả lời tuần tự các câu hỏi trong sách giáo khoa
Câu 1 (Trang 156 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Nhận xét về âm điệu, nhịp điệu của bài thơ Sóng
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do 5 chữ, diễn tả mạch lạc và cảm xúc dồi dào của người con gái trong tình yêu. Bài thơ tựa như một lời bài hát với giai điệu ngọt ngào, lãng mạn và không kém phần bay bổng.
- Về âm điệu, nhịp điệu của bài thơ:
+ Nhịp thơ lúc nhịp nhàng, lúc dồn dập
+ Vần thơ: đa dạng, linh hoạt bằng các vần chân, vần cách, gợi hình ảnh các đợt sóng nối tiếp nhau.
+ Nhịp điệu bài thơ mô phỏng nhịp điệu của sóng biển: dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ, dưới lòng sâu, trên mặt nước…
- Những âm điệu, nhịp điệu ấy được tạo thành bởi các yếu tố:
+ Những câu thơ liền mạch, không ngắt nhịp
+ Các khổ thơ được gắn kết với nhau bằng cách nối vần
+ Nhịp thơ gợi dư âm sóng biển
Câu 2 (Trang 156 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Hình tượng bao trùm toàn bộ bài thơ và xuyên suốt theo bài thơ chính là hình tượng sóng
- Khổ thơ 1 và 2: Hình tượng sóng diễn tả những cảm xúc, tâm trạng của người con gái trong tình yêu:
"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ"
Từ đó, nhà thơ khái quát lên quy luật của tình yêu: rằng con người muốn vượt qua những cái nhỏ bé, tầm thường để vươn mình đến với tình yêu. Tình yêu ấy còn được khẳng định sẽ mãi trường tồn, bất diệt với thời gian:
"Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế"
- Khổ 3+4+5+6: Sự đắm chìm của người con gái trong tình yêu thông qua việc lí giải cội nguồn của hình tượng sóng, cũng là cội nguồn của tình yêu:
"Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau"
Hình tượng sóng đi theo từ đầu bài thơ cho đến khi nữ thi sĩ muốn lí giải cội nguồn của tình yêu, chị cũng phải tìm đến cội nguồn của hình tượng sóng. Chính vì không lí giải được hết tường tận cội nguồn của các con sóng ngoài biển khơi nên nhà thơ cũng không thể hiểu nổi tình yêu của mình bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng khi đã chìm đắm trong tình yêu thì chỉ có nỗi nhớ da diết:
"Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nghĩ đến anh
Cả trong mơ còn thức"
Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng dùng hình ảnh sóng để nhắc về nỗi nhớ dành cho người yêu. Rõ ràng, hình tượng sóng luôn thể hiện và có những nét tương đồng trong tâm trạng của người con gái trong tình yêu.
- Ba khổ thơ cuối (khổ 7,8,9): hình tượng sóng vươn ra biển khơi cũng chính là khát vọng được hòa mình vào biển lớn của nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Câu 3 (Trang 156 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Hình tượng "sóng" và hình tượng "em"
- Đây là hai hình tượng sóng đôi, đồng hành cùng nhau xuyên suốt cả bài thơ:
+ Sóng và em lúc hòa hợp, lúc tách rời
+ Kết cấu song hành làm tăng hiệu quả của nhận thức, khám phá chủ thể trữ tình, tình yêu thủy chung, bất diệt
- Kết cấu bài thơ là kết cấu liền mạch của suy nghĩ, cảm xúc: cô gái nhìn ra biển cả, quan sát và suy ngẫm về tình yêu, những biến chuyển tinh tế dọc theo mạch cảm xúc dâng trào.
Người phụ nữ đang yêu tìm thấy sự tương đồng giữa các trạng thái tâm hồn với những con sóng
+ Sự đa dạng muôn màu sắc, trạng thái: dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ
+ Không rõ cội nguồn, không thể định nghĩa, lý giải được
+ Sự mãnh liệt, sâu sắc trong khát khao sống, yêu thương
+ Sự chung thủy, gắn bó bền chặt
→ Sóng và em là sự cộng hưởng trọn vẹn trong suốt bài thơ, trải qua nhiều cung bậc tình yêu để hòa quyện vào nhau
→ Hình tượng sóng là ước vọng đời thường trong tình yêu của người phụ nữ
Câu 4 (Trang 156 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Bài thơ là lời tự bạch của một tâm hồn phụ nữ đang yêu. Đó là một tâm hồn rất chân thành, sôi nổi và mạnh mẽ, hết mình trong tình yêu. Người phụ nữ trong tình yêu thật đằm thắm, thật dịu dàng, thật hồn hậu dễ thương mà cũng thật chung thủy. Người phụ nữ đã táo bạo, mãnh liệt, dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc, dù có phấp phỏng trước cái vô tận của thời gian nhưng vẫn vững tin vào sức mạnh của tình yêu.
Với bài soạn đầy đủ và chi tiết cho bài Sóng Xuân Quỳnh, Cunghocvui hy vọng các bạn học sinh sẽ nắm được tác phẩm này để hiểu và phân tích được bài thơ. Chúc các bạn học tập tốt!