Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
Đề bài
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Anh (chị) cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ này?
Hướng dẫn giải
1. Mở bài:
Sóng là bài thơ tình đặc sắc của Xuân Quỳnh. Trong bài thơ, Xuân Quỳnh đã sáng tác được một hình tượng giàu giá trị thẩm mĩ - hình tượng sóng - để diễn tả tâm trạng, tình cảm với nhiều sắc thái phong phú của một trái tim phụ nữ khao khát yêu đương.
2. Thân bài:
a) Phân tích hình tượng sóng
- Sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của cái tôi trữ tình của nhà thơ. Cùng với hình tượng sóng, bài thơ này còn có một hình tượng nữa là em - cái tôi trữ tình của nhà thơ. Có thể xem sóng và cái tôi trữ tình của nhà thơ như hai "nhân vật" trữ tình. Hai nhân vật này tuy hai mà một, có lúc phân đôi ra (để soi chiếu vào nhau, làm nổi bật sự tương đồng) có lúc lại hòa nhập vào (để tạo nên sự âm vang, cộng hưởng)
- Hình tượng sóng trực hết được gợi ra từ âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng của bài thơ. Đó là nhịp của những con sóng trên biển cả liên tiếp, triền miên, vôi hồi vô hạn. Đó còn là âm điệu của một nỗi lòng đang tràn ngập, đang khao khát tình yêu vô hạn, đang rung lên đồng điệu, hòa nhịp với sóng biển.
- Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả vừa cụ thể vừa sinh động nhiều trạng thái tâm trạng, những cung bậc tình cảm khác nhau trong trái tim của người phụ nữ đang rạo rực, khao khát yêu đương.. Mỗi trạng thái tâm hồn cụ thể của người phụ nữ đang yêu đều có thể tìm thấy sự tương đồng của nó vố một khía cạnh, đặc tính nào đó của sóng. Dùng hình tượng sóng để nói lên chưa đủ, chưa hết, chưa thỏa, cái tôi trữ tình của nhà thơ nhiều khi trực tiếp nói lên tình cảm tha thiết, mãnh liệt của mình.
- Xuân Quỳnh đã mượn hình tượng sóng để nói và nghĩ về tình yêu. Những ý nghĩ này có vẻ tự do, tản mạn, nhưg từ trong chiều sâu của thi tứ vẫn có sự vận động nhất quán. Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội , nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn, và cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, vĩnh viễn hóa tình yêu của mình.
b) Phát biểu cảm nhận của mình
Qua hình tượng sóng và cả bài thơ, chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ ấy mạnh bạo, chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và những rung động rạo rực trong lòng mình. Người phụ nữ không còn nhẫn nhục, cam chịu nữa. Nếu "sông không hiểu nổi mình" thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó để "tìm ra tận bể" đến với cái cao rộng, bao dung. Đó là những nét mới mẻ, "hiện đại" trong tình yêu.
Tâm hòn phụ nữ đó giàu khao khát, không yên lặng:
"Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?" (Thuyền và Biển)
Nhưng đó cũng là một tâm hồn thật trong sáng, thủy chung vô hạn. Quan niệm tình yêu như vậy rất gần gũi với mọi người và có gốc rễ trong tâm thức dân tộc.
3. Kết bài:
Sóng là một bài thơ tình rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Sau này, khi đã nếm trải nhiều cay đắng trong tình yêu, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng khát vọng tình yêu vẫn tồn tại mãi trong trái tim giàu yêu thương của chị.