Soạn bài Các thành phần biệt lập đầy đủ - Ngữ văn 9 tập 2
Với bài học Các thành phần biệt lập, Cunghocvui.com xin gửi đến các bạn bài soạn Các thành phần biệt lập đầy đủ nhất ngay sau đây. Cùng tham khảo các bạn nhé!
Xem thêm Soạn bài Các thành phần biệt lập (tiếp theo)
I. Lý thuyết
- Thành phần tình thái được dùng để thể hiện thái độ, nhận định của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.
- Thành phần cảm thán là thành phần nêu lên những thái độ, cảm xúc của người nói đối với những sự việc được nói đến trong câu.
- Hai thành phần tình thái và cảm thán không tham gia vào việc diễn đạt nội dung của câu, không đảm trách thành phần câu nên được gọi là thành phần biệt lập.
II. Trả lời câu hỏi
1. Thành phần tình thái
a) "chắc anh nghĩ rằng..."
- Từ “chắc” chính là thành phần tình thái của câu văn. Nó thể hiện thái độ tin tưởng, chắc chắn, có tính tin cậy cao. Đây là thái độ, ý nghĩ của nhân vật anh Ba – người kể chuyện đối với việc sắp được kể.
"có lẽ vì khổ tâm.."
- Thành phần tình thái trong câu văn này là từ “có lẽ”. Đây cũng là thái độ và nhận định của người kể chuyện đối với sự việc được nhắc đến trong câu. Từ “có lẽ” chỉ một mức độ đánh giá, nhận định sự việc nhưng không hoàn toàn chắc chắn, chỉ mang ý nghĩa tương đối
b) Nếu lược bỏ đi các từ “chắc”, “có lẽ” thì nghĩa của câu ban đầu không hề thay đổi, bởi những động từ tình thái này là thành phần biệt lập trong câu, không hề ảnh hưởng đến nội dung của câu.
Sau khi lược bỏ động từ tình thái, ta được câu như sau:
- Với lòng mong nhớ của anh, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh
- Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Không khóc được nên anh phải cười vậy thôi.
2. Thành phần cảm thán
a) “Ồ, sao mà độ ấy vui thế”
Từ “ồ” ở trong câu nói của ông Hai không hề chỉ bất kì một sự vật, sự việc nào. Đây chỉ là từ ngữ cảm thán, qua đó bộc lộ cảm xúc của nhân vật khi nhớ về quá khứ.
“Trời ơi, chỉ còn có năm phút”
Tương tự như từ “ồ” trong câu a, từ “trời ơi” trong lời nói của anh thanh niên cũng không nhằm mục đích chỉ sự vật là “ông trời” mà là thành phần cảm thán ở trong câu. Từ “trời ơi” bộc lộ thái độ ngạc nhiên trước sự trôi đi của thời gian.
b) Để xác định rằng tại sao nhân vật lại bộc lộ cảm xúc “trời ơi” hay “ồ” thì ta cần phải biết được diễn biến đằng sau các từ này bằng cách đọc nội dung phía sau của câu. Câu có thể bao gồm một cụm chủ vị hoặc nhiều cụm chủ vị tạo thành.
3. Lí do các thành phần cảm thán, tình thái là thành phần biệt lập
- Các thành phần cảm thán như: “ôi”, “hỡi ôi”, “kìa”, “quá”…. Hay các thành phần tình thái: “bởi vậy”, “có lẽ”, “có thể”, “chắc là”… đều là những từ ngữ bộc lộ tình cảm, thái độ hoặc nhận định, nhận xét của người nói đối với điều được nói đến trong câu. Chúng được thêm vào câu nhằm gia tăng mức độ, thái độ và khẳng định ý định của người nói. Nếu lược bỏ đi thì câu vẫn hoàn toàn có nghĩa, chỉ có điều không có tác dụng nhấn mạnh khi cho thêm các thành phần này. Vì vậy chúng được coi là những thành phần biệt lập trong câu.
III. Luyện tập
Bài 1 (Trang 19 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
"có lẽ còn ghê rợn..."
Thành phần tình thái: “có lẽ”
“Chao ôi, bắt gặp một con người... đường dài"
Thành phần cảm thán: “chao ôi”
"hình như chỉ có tình cha con..."
Thành phần tình thái: “hình như”
"chả nhẽ cái bọn ở làng...."
Thành phần tình thái: “chả nhẽ”
Bài 2 (Trang 19 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Cách sắp xếp như sau: hình như/ dường như/ có vẻ như -> có lẽ -> chắc là -> chắc hẳn -> chắc chắn
Bài 3 (Trang 19 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
- Trong ba từ, ta có thể dùng từ “chắc” bởi lẽ 2 từ còn lại không diễn đạt đúng ý nghĩa của câu nói
- Anh Ba chỉ là người kể lại câu chuyện, không phải là ông Sáu nên không thể dùng từ “chắc chắn” được, từ này chỉ mức độ tin cậy và chính xác cao nhất, còn đối với tình huống này, người kể chuyện chỉ có thể bộc lộ bằng cảm nhận của mình, không phải là chính nhân vật
- Tiếp theo, đối với từ “hình như” thì từ này lại rất ít sự tin tưởng, chính xác trong khi người kể chuyện lại là một người bạn của nhân vật. Nếu dùng từ này thì hai chủ thể: người nói và người được nói đến sẽ tách rời nhau, ít liên quan đến nhau
Do đó, từ “chắc” là hợp lí nhất, cũng là cách dùng của tác giả Nguyễn Quang Sáng.
Bài 4 (Trang 19 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Có lẽ mỗi người chúng ta đều đã từng cảm thấy rung động trước một tác phẩm nghệ thuật nào đó bởi vì nó đẹp, nó ý nghĩa hay chỉ đơn thuần là nó chạm đến cảm xúc của chúng ta. Còn đối với tôi, tác phẩm mà tôi thấy nó thật sự để lại ấn tượng chính là những bức tranh của người nghệ sĩ tài ba Vincent Van Gogh. Mỗi một bức tranh mà ông vẽ đều có sức hút lạ kì lắm! Nó như đi sâu vào tâm hồn người thưởng thức, luồn lách vào trái tim họ và để lại một cảm xúc bâng khuâng, khó tả. Nghệ thuật của Van Gogh là thứ gì đó rất trừu tượng, mơ hồ, phải là một người am hiểu sâu sắc về nghệ thuật thì mới có thể cảm nhận được.
Thông qua phần soạn bài Các thành phần biệt lập, Cunghocvui hy vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!